27/11/2024

Cha tôi dạy về tiền như thế nào?

Theo phong cách gia đình, chúng tôi chẳng bao giờ có tiền tiêu vặt, mặc dù mỗi đứa đều có một ống tiết kiệm làm bằng tre, lắc lắc nghe những đồng xu kêu rổn rảng vui tai.

 

Cha tôi dạy về tiền như thế nào?

 

Theo phong cách gia đình, chúng tôi chẳng bao giờ có tiền tiêu vặt, mặc dù mỗi đứa đều có một ống tiết kiệm làm bằng tre, lắc lắc nghe những đồng xu kêu rổn rảng vui tai.

 

 

 

 

Học sinh mua đồ ăn tại căngtin trường – Ảnh: Như Hùng

Chia sẻ với tác giả bài viết Có nên cho trẻ con “làm thêm” kiếm tiền?, tôi nghĩ là nên. 

Hồi nhỏ tôi sống với ông bà ở làng trồng hoa, mỗi sáng đều lon ton theo bà ra vườn hái hoa rồi bán cho những người mua cất (mua sỉ) đem lên chợ bán.

Có lần tôi nghĩ sao mình không tự mang lên chợ bán sẽ được nhiều tiền hơn? Thế là bí mật hẹn với một người cô họ, cũng là người mua cất hoa, buổi sáng dậy sớm hái hoa theo cô mang lên chợ hoa bán (đi bộ, cách nhà 5-6km ôm theo một xô hoa đầy).

Lên đến chợ, gặp một người khách, nhà hôm đó có tiệc nên trả giá mua hết xô hoa, suy đi tính lại tôi không chịu, ngồi bán lẻ từng bó. Đến giữa trưa thì cũng hết hoa, mà cộng tiền lại thì cũng tương đương số tiền người khách ban sáng đã trả (vì đến gần trưa phải giảm giá để bán cho nhanh mà).

Đó là câu chuyện tuổi thơ của tôi. Nhưng thật sự qua việc “kiếm tiền” đó, tôi thấy rõ rằng chuyện bán sỉ và bán lẻ là cả một nghệ thuật trong tính toán. Bây giờ làm kinh doanh tôi mới thấy việc dạy con làm ra tiền ngày nhỏ, hợp với sức khỏe và lứa tuổi là việc rất quan trọng, ảnh hưởng cả một cuộc đời. 

Theo phong cách gia đình, chúng tôi chẳng bao giờ có tiền tiêu vặt, mặc dù mỗi đứa đều có một ống tiết kiệm làm bằng tre, lắc lắc nghe những đồng xu kêu rổn rảng vui tai.

Khi gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống, chúng tôi bắt đầu thấy ngạc nhiên về cách người Sài Gòn cho con tiền xài hằng ngày hay hằng tuần.

Bạn bè đứa nào cũng có tiền, rồi quần áo, sách vở, bút viết của chúng đẹp long lanh từ những thùng hàng viện trợ mà gia đình gửi từ nước ngoài về.

Chúng tôi bắt đầu khát khao, không chỉ cuốn tập để học mà cuốn tập phải đẹp, không chỉ cây bút để viết mà phải viết được mượt mà, không chỉ cây thước để kẻ mà cây thước ấy phải được in hình hoa lá. Nhưng những điều này quá xa xỉ đối với gia đình không có người thân ở nước ngoài.

Thế là bố tôi bắt đầu cho chúng tôi một công việc. Vào thời điểm đó, các báo cáo khoa học ở cơ quan bố đều có hình vẽ minh hoạ, và chúng tôi có công việc để kiếm tiền.

Chúng tôi tô màu cho các bản đồ minh hoạ, có những tờ A4, A3, và cả A0…

Ba anh em chúng tôi bò ra sàn để tô. Bố nhận tiền công trình xong là về phát “lương” cho chúng tôi. Chúng tôi có những đồng tiền đầu tiên do mình tự kiếm ra khi mới 10-12 tuổi. Và khi ấy, chúng tôi đã có những thứ mà chúng tôi ao ước bằng chính sức lao động của mình. Rồi công việc tăng dần mức độ khó khi chúng tôi lớn lên như đánh máy, đan móc…

Ngoài ra bố tôi còn có một cách mà tôi cho là rất hay. Đó là khi ông có những khoản tiền thưởng đột xuất, ông thường hỏi ý kiến anh em chúng tôi nên làm gì với số tiền đó?

Thông thường chúng tôi chọn mua dụng cụ gia đình, khi thì nồi cơm điện, cái quạt máy, máy đánh trứng… tất cả đều được biểu quyết và đồng thuận.

Và cũng có khi những khoản tiền thưởng được ông chia đều cho 3 đứa con, trước khi chia ông hỏi rõ mục đích sử dụng của từng đứa, và có sự khuyên răn định hướng cho từng đứa con.

Khi chị em tôi lớn hơn một chút, khoảng 14-15 tuổi thì ông đưa tiền chợ cả tháng cho tôi hoặc em gái, chúng tôi tự cân đối chi tiêu cho tháng đó, tháng sau đến lượt người kia.

Ở đây tôi thấy bố không phải chỉ dạy về việc làm ra tiền, cách chi tiêu nó, mà qua đó là dạy tinh thần trách nhiệm, cách quản lý (việc nhà).

Có lẽ vì vậy mà khi gia đình có biến cố lớn, công việc làm ăn của bố gặp khó khăn khi anh em tôi vẫn còn đang học đại học, thì anh tôi vừa ra trường là đã gánh ngay trách nhiệm lo cho các em tiếp tục học.

Anh chị em tôi đã tự đứng được trên đôi chân của mình và luôn ngẩng cao đầu. Lần lượt từng người một chúng tôi đã tốt nghiệp và có công việc ổn định, hiện nay thì cả ba anh em đều kinh doanh riêng. Công việc ổn định, tuy không quá giàu có nhưng đủ lo cho các con, chúng tôi lại tiếp tục dạy con mình theo cách mà mình đã được dạy.


ĐOÀN CẨM ANH