27/11/2024

Ánh sáng từ ngôi nhà không ánh điện

21g, ngay giữa lòng thành phố, một ngôi nhà chìm trong bóng tối, thi thoảng mới có chút ánh đèn đường hắt vào… Người đàn ông lóng ngóng bế đứa con trên tay vỗ về. Không bóng đèn nào được bật lên…

 

Ánh sáng từ ngôi nhà không ánh điện

21g, ngay giữa lòng thành phố, một ngôi nhà chìm trong bóng tối, thi thoảng mới có chút ánh đèn đường hắt vào…

Niềm vui lớn nhất của anh Thành, chị Linh là chơi đùa cùng con – Ảnh: Phan Phan

Người đàn ông lóng ngóng bế đứa con trên tay vỗ về. Không bóng đèn nào được bật lên…

Đó là ngôi nhà hai vợ chồng khiếm thị Nguyễn Trung Thành (31 tuổi) và Đinh Thị Mỹ Linh (38 tuổi) thuê trọ trong một căn hẻm nhỏ trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đứa bé đỏ hỏn – kết quả từ tình yêu của Linh và Thành – cựa quậy, thỉnh thoảng cười nấc lên khi được cha mẹ nựng yêu.

Hạnh phúc có thật trên đời

Giữa ngổn ngang quần áo, bỉm tã, bình sữa… hai vợ chồng nhớ lại chuyện cũ. “Sáng sớm 24-11-2014, tôi chuyển dạ. Cả anh và tôi đều bị khiếm thị từ nhỏ nên phải gọi điện thoại kêu xe ôm tới chở vô Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Đến 11g30 thì tôi sinh” – chị Linh kể.

Đó là một ca sinh mổ, bé trai 2,8kg, lành lặn chào đời trong niềm vui sướng của hai vợ chồng. Chị Linh lịm đi vì mệt. Anh Thành một mình túc trực ngoài băng ghế, hồi hộp hình dung về đứa con. Mãi đến khi được ôm con vào lòng, tay sờ nhẹ lên từng đường nét khuôn mặt con, anh mới vỡ oà.

“Hạnh phúc là thứ có thật trên đời” – anh Thành thốt lên như vậy khi nhắc lại cảm giác lần đầu tiên làm cha. “Mọi người bảo nó giống tui, mặt tròn mũi cao và hay quậy nữa” – anh khoe, không giấu nổi niềm vui.

Ở bệnh viện được một tuần, hai vợ chồng bồng con về chỗ trọ. Anh Thành trở lại với công việc quen thuộc: bán vé số kiếm sống. Chị Linh ở nhà chăm con. Nhà trọ nhỏ xíu, không cửa sổ nên tối và ẩm thấp.

Vừa mò mẫm đun nước rồi pha sữa cho con, chị Linh vừa nói: “Không thấy đường nhưng tôi nuôi con sạch sẽ, ngon ơ. Bác sĩ bảo chăm con có hai việc khó là pha sữa và tắm cho con, tôi đều làm được do hai năm trước từng giúp nuôi một đứa nhỏ bị bỏ rơi. Thay băng rún (rốn) cho con cũng mò mẫm mà tự làm lấy”. Khuôn mặt người mẹ bừng sáng và đầy quả quyết khi trả lời cho câu hỏi: làm sao để tự chăm con?

Tiếp lời, anh Thành kể thêm: “Đứa bé mới sinh ra thì có một người đến gặp tui nói mua với giá 20 triệu đồng. Họ lo vợ chồng tui mù loà, không lo được cho con. Nhưng giá nào cũng không bán, con mình đứt ruột đẻ ra thì mình nuôi được!”.

“Có thương thì về ở cùng nhau…”

Quê chị Linh ở TP Quy Nhơn (Bình Định), còn anh Thành ở Thanh Bình (Đồng Tháp). Hai người tìm đến Sài Gòn bởi chung mẫu số: bị khiếm thị bẩm sinh, cảm thấy tủi thân khi là gánh nặng cho gia đình và muốn tự mình kiếm sống, vươn lên.

Học matxa ở Nha Trang được sáu tháng, chị Linh đón xe vào Bình Dương xin làm matxa người mù cho một hội từ thiện vào cuối năm 2009. Làm được một thời gian, do trật ngón tay cái trong một lần bấm huyệt cho khách nên chị phải bỏ nghề.

Còn anh Thành thì được cha đưa từ quê nghèo Đồng Tháp lên Q.Gò Vấp (TP.HCM) để học đàn và hát, nhưng việc học cũng dang dở. Run rủi sao hai người cùng gặp nhau tại một mái ấm dành cho người khiếm thị ở huyện Củ Chi (TP.HCM).

“Tôi hơn anh Thành 7 tuổi nên hồi đó coi như em trai. Hai đứa vẫn hay ngồi tâm sự với nhau về gia cảnh và dự định trong tương lai” – chị Linh bẽn lẽn kể.

Anh Thành tiếp lời: “Có lần hai đứa đi mua bịch sương sáo, tui bảo Linh đi trước bước mạnh chân để tui nghe tiếng động theo sau. Tui muốn nắm tay đi cùng nhưng cô ấy không chịu. Bà bán sương sáo còn hùa theo: đừng cho nó nắm tay, không sẽ theo mày cả đời”.

Nhưng anh Thành cũng thực hiện được ý nguyện. Đó là vào một buổi sáng gần cuối năm 2011, có một đoàn khách đến ghé thăm mái ấm. Anh Thành mạnh dạn bảo chị Linh hát chung.

Trước micro, anh Thành nắm tay chị Linh nói đùa: “Nếu song ca ăn ý, tui sẽ cưới cô gái này ngay!”. Chị Linh đỏ mặt. Bài hát kết thúc, cả hội trường vỗ tay rần rần. Anh Thành kéo chị Linh vào phía sau sân khấu bảo: “Anh còn nợ em nhiều quá, làm sao trả hết. Có thương thì về ở cùng nhau…”.

Ngày 15-1-2012, đám cưới diễn ra trước sự chứng kiến của bạn bè khiếm thị trong mái ấm. Sau đó, hai người rời mái ấm ra ngoài tự bươn chải kiếm sống.

“Vay mượn bạn bè, hai đứa có trong tay đúng 230.000 đồng vừa đủ tiền thuê phòng một tháng. Có người thương tình nên chỉ mối đi lãnh vé số bán. Ảnh cũng tự động viên là còn kho, còn làm được là còn sống” – chị Linh bộc bạch.

Mỗi ngày, sau khi bán hết vài chục tờ vé số, anh Thành về phòng trọ ôm con, nâng niu như báu vật. Khi chị Linh tắm cho con, anh Thành ngồi bên một tay xoa xoa lên đầu đứa bé, một tay lấy khăn lóng ngóng che sợ nước bắn vào mắt con.

Hạnh phúc giản dị của gia đình nhỏ được thắp lên từ một thứ ánh sáng kỳ diệu: ánh sáng niềm tin…

 

Thông tin về trường hợp của hai vợ chồng Mỹ Linh và Trung Thành lần đầu xuất hiện trên trang cá nhân của chị Đinh Thị Ngọc Linh (33 tuổi, tiếp tân một khách sạn ở Q.1, TP.HCM).

“Tôi nhận được thông tin từ một người bạn về hai vợ chồng mù vẫn thường bán vé số ở khu vực ngã ba Bùi Môn, bến xe An Sương, trạm chợ Hóc Môn và ngã tư Quang Trung.

Cách đây vài tháng, họ đón xe buýt từ tận huyện Củ Chi lên khu vực đường Nguyễn Văn Đậu – Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh) bán vé số. Tôi tìm gặp thì biết chị Linh đã mang thai tháng thứ bảy vẫn dầm mưa dãi nắng ngoài đường.

Tôi đăng lên Facebook được nhiều người chia sẻ và ủng hộ. Số tiền quyên góp được tôi và nhóm bạn dùng để thuê nhà trọ cho hai anh chị trên đường Lê Quang Định, phần còn lại dành cho việc sinh nở của chị Linh” – chị Ngọc Linh kể.