26/11/2024

Người bệnh bấm bụng vượt tuyến

Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế đi khám bệnh ngoại trú vượt tuyến đều bấm bụng nói: vẫn phải vượt tuyến, dù biết quyền lợi bị cắt toàn bộ kể từ ngày 1-1-2015 khi Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực.

 

Người bệnh bấm bụng vượt tuyến

 

Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế đi khám bệnh ngoại trú vượt tuyến đều bấm bụng nói: vẫn phải vượt tuyến, dù biết quyền lợi bị cắt toàn bộ kể từ ngày 1-1-2015 khi Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực.

 

 

 

 

Một người dân đọc thông báo về việc sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm y tế trái tuyến được dán tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) – Ảnh: Nguyễn Khánh

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ sáng 5-1 tại một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương ở TP.HCM cho thấy nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) vượt tuyến đều chấp nhận đóng tiền để được khám ở bệnh viện họ tin tưởng.

Giữa đường ngã bệnh, làm sao?

Tại khoa khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115 (Bệnh viện 115), bà Tạ Thị Kim Châu (74 tuổi, Long An) cho biết bà đăng ký khám bệnh ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Bà Châu bị bệnh tim, đã từng đi khám bệnh ở Trung tâm Y tế huyện Bến Lức nhưng bệnh không thuyên giảm, nửa năm qua bà phải đến Bệnh viện 115 khám bệnh. Uống thuốc thấy bớt và khỏe trong người nên bà theo điều trị ở bệnh viện này luôn.

Bà Châu là cán bộ hưu trí, điều kiện kinh tế có hạn nên để đến được Bệnh viện 115, bà phải đón xe buýt đi từ nhà lúc 6g, tốn 21.000 đồng là tới bệnh viện.

“Bây giờ Nhà nước không cho hưởng quyền lợi 30%, chắc là tôi phải khám dưới đó. Nhưng khám BHYT ở huyện thuốc không đầy đủ, sẽ làm bệnh trở lại. Nếu sức khỏe có vấn đề gì thì tôi lại chạy lên đây. Phải tự đóng tiền thôi, chứ biết làm sao bây giờ!” – bà Châu than thở.

Cũng tại Bệnh viện 115, chị Lê Thị Phương Thuý (Q.Tân Phú, TP.HCM) hối hả đẩy xe lăn đưa cha là ông Lê Thanh Phương (70 tuổi, Thái Bình) vào khoa khám bệnh. Theo chị Thuý, ông Phương vào TP.HCM thăm con cháu và bất ngờ bị yếu nửa người, mất cảm giác.

“Ba tôi vào TP.HCM thăm con cháu, đột ngột bị bệnh mới phải đến bệnh viện chứ đâu muốn đi vượt tuyến. Thẻ BHYT của ba tôi đăng ký ở Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải, Thái Bình. Không lẽ bây giờ phải đưa ông ra ngoài đó khám bệnh?” – chị Thúy giãi bày.

Chị Thuý nói trong trường hợp này, Nhà nước nên linh động giải quyết cho bệnh nhân BHYT để người bệnh không bị thiệt thòi.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, ở khu vực tiếp nhận bệnh dán rất nhiều thông báo: “Kể từ ngày 1-1-2015, thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, bệnh viện ngừng thanh toán BHYT vượt tuyến cho người bệnh khám ngoại trú”.

Nhiều người đọc xong liền bước sang khu khám dịch vụ. Trong số bệnh nhân đi khám BHYT vượt tuyến ngoại trú có ông Nguyễn Hải Đăng (68 tuổi, Bình Thuận). Ông Đăng có thẻ BHYT ban đầu ở Bệnh viện huyện Hàm Thuận Bắc nhưng tháng nào ông cũng đến đây khám bệnh, lấy thuốc.

Lý do ông bỏ tuyến ban đầu là: “Tôi bị bệnh tiểu đường hơn mười năm nay, đã bị biến chứng suy thận. Tôi đã khám ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh nhưng không hiệu quả nên mới vượt tuyến. Không được hưởng quyền lợi 30% thì tôi đóng tiền. Bệnh biến chứng rồi, phải chịu thôi. Nếu bệnh viện nơi tôi ở có bác sĩ giỏi, trang thiết bị tốt thì tôi không vào đây. Mỗi lần đi cực khổ lắm. Được hưởng quyền lợi 30% cũng bù được tiền xe, được đồng nào đỡ đồng ấy”.

“Tin buồn với tôi”

Trong khi đó, trước khu khám bệnh Bệnh viện Ung bướu đông nghẹt bệnh nhân đứng chờ. Chị H.T.T., 26 tuổi, ở Bình Dương, mắc bệnh bướu cổ nhưng chị bảo chỉ tin và chọn Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vì tuyến dưới không phải bệnh viện chuyên khoa nên không yên tâm.

“Đây là tin buồn với tôi” – một phụ nữ chừng 50 tuổi, ở Đồng Nai, từng được bác sĩ chẩn đoán theo dõi nang ở vú, chia sẻ. Tuy nhiên, những lần tái khám sắp tới, bà bảo vẫn đón xe đò lên bệnh viện khám cũng chỉ vì bà không yên tâm khi khám bệnh ở tuyến dưới.

 Tại nhà thuốc Bệnh viện Ung bướu, bà L.T.T. (54 tuổi, ở Cái Bè, Tiền Giang), mắc bệnh cường giáp, than thở vẫn đi khám vượt tuyến nhưng trước đây nhờ được BHYT thanh toán 30%, bà chỉ đóng hơn 40.000 đồng tiền thuốc, còn hôm nay thấy bác sĩ cho thêm một loại thuốc mà phải đóng 290.000 đồng.

Một người bức xúc: “Nghe nói cứ phải có giấy chuyển viện mới được BHYT thanh toán. Dưới quê, những trường hợp gần chết mới được chuyển viện. Cứ yêu cầu khó như thế này thì không ai mua BHYT nữa”.

Rồi bà suy nghĩ: “Kiểu này là bác sĩ của TP trị cho người TP, bác sĩ ở quê trị cho người dân quê. Vậy bác sĩ ở quê yếu thì người dưới quê chịu chết hết hả? Làm như vậy đâu có công bằng với những người ở quê”.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số bệnh nhân đến khám cũng không giảm so với những ngày trước đó. Bác sĩ Nguyễn Hữu Long, phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ngày đầu tiên thực hiện Luật BHYT sửa đổi diễn ra suôn sẻ.

Tính đến 15g30 cùng ngày, bệnh viện đã tiếp nhận 3.975 bệnh nhân đến khám vượt tuyến, tương đương với những ngày bình thường khác (4.131 bệnh nhân).

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh – phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết ngày 5-1, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện vẫn không có gì thay đổi và chưa nhận được phản ứng gay gắt nào từ phía bệnh nhân.

Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu, đến 15g cùng ngày bệnh viện đã tiếp nhận 1.658 bệnh nhân đến khám, trong khi trước đó có 1.600-1.700 bệnh nhân. Số bệnh nhân vượt tuyến trước đó 390-400 người/ngày, còn đến 5-1-2015 do BHYT không thanh toán nên bệnh viện không thống kê nữa.

Ông Lê Thanh Phương (70 tuổi, quê Thái Bình) trên đường thăm con ở TP.HCM thì đổ bệnh. Ông chấp nhận điều trị tại Bệnh viện 115 vì không thể về Thái Bình chữa trị – Ảnh: L.Th.Hà

Chính sách chưa theo kịp

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú – phó giám đốc Bệnh viện 115 – cho biết trước khi thực hiện Luật BHYT sửa đổi, trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 200 bệnh nhân BHYT đi khám bệnh vượt tuyến.

Giai đoạn đầu mới thực hiện luật, có thể người vượt tuyến sẽ giảm nhưng về lâu dài nếu bệnh viện tuyến dưới không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh thì người dân sẽ lại vượt tuyến.

Trong khi đó, bác sĩ Vũ Trí Thanh – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện có khoảng 1.000-1.400 bệnh nhân đi khám bệnh BHYT ngoại trú vượt tuyến. Đa số bệnh nhân đi khám bệnh vượt tuyến có bệnh thật sự và đến khám ở các chuyên khoa tim mạch, nội tiết, nội thần kinh, nội tiêu hoá…

Theo các bác sĩ, về lý thuyết Luật BHYT sửa đổi theo xu hướng chung của thế giới là phải có phân tuyến khám chữa bệnh để giảm tải cho tuyến trên, quyền lợi của bệnh nhân sẽ được hưởng nếu đi khám bệnh đúng tuyến, không có bệnh nhân nào “đi thẳng một phát” lên bệnh viện tuyến trên, bệnh viện chuyên khoa…

Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, ở nước ngoài đã phát triển mô hình bác sĩ gia đình rất tốt. Khi người bệnh mắc bệnh vượt quá khả năng của bác sĩ gia đình thì họ sẽ có trách nhiệm giới thiệu lên tuyến trên.

Trong khi hiện nay mạng lưới bác sĩ gia đình cũng như y tế cơ sở (trạm y tế) tại VN chưa phát triển và đủ lực để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Do vậy, việc cắt giảm quyền lợi khi khám bệnh vượt tuyến, trái tuyến là thiệt thòi cho người bệnh.

Bệnh nhân thiệt khi bệnh viện cho ra ngoại trú nhằm giảm tải

Trước công văn hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung về “trường hợp có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến thì cơ quan BHYT không thanh toán các trường hợp điều trị ngoại trú”, cuối tháng 12-2014 Bệnh viện Ung bướu đã làm văn bản khẩn gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM về việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung.

Trong đó nêu rõ: “Theo chủ trương giảm tải của BHYT, bệnh viện phải chuyển số lượng lớn bệnh nhân nội trú sang khu vực ngoại trú (thực chất là bệnh nhân nội trú, chưa xuất viện). Từ trước đến nay, cơ quan BHXH TP.HCM vẫn thanh toán những trường hợp này như quyền lợi của bệnh nhân nội trú (theo hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung là quyền lợi BHYT 40% trái tuyến).

Đề nghị cơ quan BHXH TP.HCM tiếp tục giải quyết quyền lợi BHYT 40% trái tuyến cho những bệnh nhân này như những bệnh nhân nội trú”. Tuy nhiên đến ngày 5-1, Bệnh viện Ung bướu vẫn chưa nhận được văn bản nào từ BHXH TP trả lời về đề nghị này.


LÊ THANH HÀ – THÙY DƯƠNG