26/12/2024

Phim Hai đứa trẻ – nỗi đau từ vụ trao nhầm con

Từ vụ trao nhầm con ở Bình Phước “chấn động” dư luận tháng 7-2016, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã về nhà của cả hai đứa trẻ, để phim tài liệu Hai đứa trẻ ra đời, kể những chuyện chưa phải ai cũng biết…

 

Phim Hai đứa trẻ – nỗi đau từ vụ trao nhầm con  

 Từ vụ trao nhầm con ở Bình Phước “chấn động” dư luận tháng 7-2016, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư đã về nhà của cả hai đứa trẻ, để phim tài liệu Hai đứa trẻ ra đời, kể những chuyện chưa phải ai cũng biết…

 

 

 

Phim Hai đứa trẻ - nỗi đau từ vụ trao nhầm con  
Anh Khiên chực khóc khi bế hai đứa trẻ, một con ruột (tay trái) và con nuôi (tay phải) – Ảnh chụp màn hình

Con gái tôi từng hỏi: Mẹ ơi, ở ngoài đường có quá nhiều người qua lại, sao mẹ lại đem được con về nhà?

Thật khó để trả lời câu hỏi thiêng liêng này, từ đâu con tôi đã tới, đã riêng có một gương mặt và một cái tên, đã gọi tôi là mẹ, đã định đoạt buồn vui hi vọng cuộc đời tôi, chỉ có thể là đứa bé này thôi chứ tôi không bao giờ muốn bất kỳ một sự thay thế nào khác.

Nhưng nếu một ngày số phận nói nhầm rồi, muôn lần xin lỗi chị, nhưng đứa trẻ này không phải, một đứa trẻ khác mới chính là đứa con của chị, thì tôi phải làm gì đây?

Phim Hai đứa trẻ - nỗi đau từ vụ trao nhầm con  
Bé Thìn hứng nước mưa trong căn nhà dột nát của bố mẹ ruột tại Bản Sóc – Ảnh chụp màn hình

Nước mắt tôi đã rơi khi xem bộ phim tài liệu Hai đứa trẻ. Hai đứa trẻ sau khi chào đời tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước) đã bị trao nhầm cho hai người mẹ nằm chung phòng. Hai người mẹ nuôi hai đứa trẻ lớn khôn.

 

Sự thật chỉ được xác định bằng ADN khi các con 3 tuổi, chuyện tưởng rất giản đơn là con ai sẽ được về nhà nấy nhưng những sang chấn tình cảm của cuộc trao đổi này đã làm tan nát bao trái tim.

“Mẹ ơi, mẹ lấy con lại nuôi con đi mẹ. Con sẽ ở nhà chăm mẹ cho mẹ đỡ khổ mẹ ơi”…Từ hình hài bé mọn mới sinh ra cho đến ngày con biết van xin đau lòng như vậy là mẹ cùng con đã trải qua bao nhiêu tình? Làm sao để thừa nhận rằng đứa trẻ quấn quít mình tha thiết đó từ đây sẽ không còn là con mình nữa?

Xem phim tài liệu Hai đứa trẻ:

Ống kính quay đi quay lại gương mặt ràn rụa nước mắt của chị Thị Liên, người mẹ dân tộc S’Tiêng ngay từ đầu đã phản đối kịch liệt việc có người đến nhận con mình và đòi thử ADN.

Từ lúc đó, chị đã khóc không ngừng, lúc âm thầm, lúc bàng hoàng nức nở, trong khi các bên cố gắng hòa giải chị chỉ biết khóc, trong khi chồng chị lớn tiếng đòi mức bồi thường cao hơn, chị lặng lẽ khóc và khi trao nhận con, chị ngã sụp xuống không còn chút sức lực.

Chị làm tôi chợt nhớ về sự tích người mẹ, trời đã tạo người mẹ và tạo thêm những giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt họ, các vị thần hỏi để làm gì vậy, Trời nói để chịu đựng buồn vui thất vọng đau đớn và cả đơn độc. 

Bao nhiêu nỗi khắc nghiệt như tụ về trong đôi mắt buồn của chị Thị Liên, chị nói: “Em phải ổn định tinh thần em mới trao đổi con được” – và hành trình đi đến kết quả “con nào mẹ nấy” thật sự là cuộc đấu tranh tinh thần đến cạn sức của chị, của cả hai gia đình.

Phim Hai đứa trẻ - nỗi đau từ vụ trao nhầm con  
Chị Liên và bé Ngọc Yến – con ruột của vợ chồng anh Khiên – chị Nga

Bộ phim dài hơn 40 phút, không có lời bình. Chỉ có những tiếng nói của ông bà cha mẹ và con trẻ – người trong cuộc, tiếng nói của hàng xóm, tiếng của thầy thuốc, mà tiếng nói nào thốt ra trong phim cũng xót xa từng lời. Cùng những giọt nước mắt hoang mang, tiếng thở cũng dài vô tận, những giọt mưa trên bản làng buồn tủi và những con đường thăm con, trao con qua lại trong đêm tối có lúc tưởng chừng bế tắc.

Một cách nào đó những cuộc phỏng vấn ngắn gọn chân thực trong phim cuối cùng đã rọi lên câu chuyện buồn này những điểm xuyết của tình cảm con người, sự thông cảm tha thứ, sự động viên lẫn nhau chấp nhận sự thật và yêu thương cả hai em bé, mong chúng được học thành người. 

Phim Hai đứa trẻ - nỗi đau từ vụ trao nhầm con  
Bé Thìn dần làm quen với cuộc sống mới tại nhà anh Tuấn – chị Liên – Ảnh chụp màn hình

Trên con đường đen như mực, ánh đèn xe chở bé Yến về với mẹ Nga loé lên như cái đốm sáng của niềm hi vọng, của sự bắt đầu lần nữa.

Không có lời bình nào trách móc các nhân viên y tế đã làm sai. Nhưng câu nói của một người dân: “Người ta mua rau cải mà mình đưa rau lang có được không?”, cũng chính là điều chúng ta phải tự nhắc mình, khi đứng trước việc gì liên quan đến con trẻ, xin hãy thật thận trọng và nâng niu, để những người mẹ như chị Thị Liên không phải rơi quá nhiều nước mắt. 

Bộ phim tài liệu Hai đứa trẻ được đăng tải trên YouTube kể về hai đứa trẻ bị trao nhầm trong phòng hộ sinh (Tuổi Trẻ từng thông tin diễn biến sự việc từ ngày 14-7)

Chuyện xảy ra vào năm 2012, khi hai người mẹ Trang (còn gọi là Nga) – Liên cùng sinh con tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long (Bình Phước). Nuôi nấng bé Lan Anh (tên gọi ở nhà là Thìn), vợ chồng anh Khiên – chị Trang không ngờ con mình lại là bé Ngọc Yến, đang ở với vợ chồng anh Tuấn – chị Liên.

Cuộc hành trình nhận lại con của đôi bên cha mẹ làm người xem nghẹn lòng bởi đâu dễ gì tách hai đứa trẻ rời xa người bọn trẻ gọi là cha là mẹ hơn ba năm nay. Và với người lớn, điều ấy càng khó gấp vạn lần…

(M.Trang)

Một bất cẩn, nhiều tổn thương

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư năm nay 37 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội, hiện là phó trưởng phòng tài liệu 2, Trung tâm phim tài liệu và phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam. Trước Hai đứa trẻ, anh từng làm một số phim tài liệu như Kè chắn sóng, Cây đời, Lời nhắn, Những đứa con của cuộc chiến, Chuyện của con, Trở về…

Phim Hai đứa trẻ - nỗi đau từ vụ trao nhầm con  
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư – Ảnh: FBNV

Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ về quá trình ghi hình hai gia đình cũng như khiến họ sẵn lòng chia sẻ câu chuyện, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư kể: 

“Chúng tôi chỉ có hai người: đạo diễn và quay phim nhưng dùng cả hai máy quay. Vừa phải đảm bảo hình ảnh chộp được nhiều nhất, đắt nhất có thể, vừa phải chú ý âm thanh, tiếng động, lời thoại… phải bám sát nhân vật, theo sự kiện hiện trường nhanh, phối hợp tốt, tránh chồng chéo.

Nhưng tất cả những điều trên chỉ có thể thực hiện tốt nếu khoảng cách giữa người làm phim và nhân vật phải được xóa bỏ. Có như vậy, họ mới quên đi sự tồn tại của máy quay.

Vì thế khi đến Bình Long, chúng tôi thuê nhà ở ngay sát nhà anh chị Khiên, bé Thìn. Ngày ngày chúng tôi sang trò chuyện, ăn cơm cùng gia đình, để gần gũi và sẻ chia. May mắn là bé Thìn thì vô cùng đáng yêu và hòa đồng.

Cái khó là tiếp cận với gia đình chị Liên – người dân tộc S’Tiêng. Khó là vì dân tộc S’Tiêng theo chế độ mẫu hệ. Họ rất coi trọng nữ giới. Khi chị Liên sinh bé Yến có các đặc điểm khác hẳn với dòng tộc (da trắng, nhỏ nhắn, tóc không xoăn…) người trong bản đều nghĩ cháu là “trời cho”.

Nên khi gia đình anh Khiên vào bản tìm đến nhà chị Liên để tìm con thì cả gia đình nhà chị Liên và dân bản đều phản đối gay gắt. Lại là may mắn, sau một thời gian thuyết phục gia đình về mục đích ghi hình thì chị Liên đã đồng ý”.

Phim Hai đứa trẻ - nỗi đau từ vụ trao nhầm con  
Gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ vô tội – Ảnh chụp màn hình

Đạo diễn của Hai đứa trẻ bộc bạch thêm: “Khi tôi ghi hình tại bản Sóc, lúc bé Thìn trở về với mẹ ruột, gia đình gốc của mình, tôi rất nhớ con gái tôi. Khi tôi làm hậu kỳ tôi lại rất nhớ bé Thìn và bé Yến. Tôi nhớ tiếng cười giòn tan của bé Thìn khi diễn kịch lại câu chuyện cổ tích với chị, dáng điệu thơ thẩn khi nhớ mẹ nhớ chị ngoài thị xã. Tiếng cánh cửa ôtô đóng sập khi đưa bé Yến về với mẹ ruột – mặc cho tiếng khóc xé lòng…

Và rồi khi các con về với bố mẹ đẻ của mình rồi thì các con vẫn chưa thể hòa nhập ngay được, các con vẫn muốn gần gũi gửi gắm tình thương yêu vào bố mẹ đã nuôi các con từ tấm bé… là những điều ám ảnh tôi. Một bất cẩn cách đây gần 4 năm đã để lại những tổn thương lớn lao trong cuộc đời của hai đứa trẻ và cả người lớn hai bên gia đình”.

Cát Khuê ghi

TRƯƠNG BẢO CHÂU