23/12/2024

Mong các em sớm trở lại trường

Mới 7g30 sáng 23-12, chị Nguyễn Thuỵ Kiên Tâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã dắt cậu con trai Gia Phú (5 tuổi) đến toà soạn báo Tuổi Trẻ. Cậu bé đang bị sốt nhưng vẫn muốn theo mẹ đến gửi tiền cho các bạn học sinh vùng lũ miền Trung.

 

Mong các em sớm trở lại trường

Mới 7g30 sáng 23-12, chị Nguyễn Thuỵ Kiên Tâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã dắt cậu con trai Gia Phú (5 tuổi) đến toà soạn báo Tuổi Trẻ. Cậu bé đang bị sốt nhưng vẫn muốn theo mẹ đến gửi tiền cho các bạn học sinh vùng lũ miền Trung.

 

 

Mong các em sớm trở lại trường
Đoàn viên giúp dọn dẹp sân trường sau lũ tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) – Ảnh: NHẬT THẢO

“Bé bị ốm phải xin nghỉ học. Sáng nay, trước khi đến đây mình hỏi: Lát nữa má đi gửi tiền giúp các bạn học sinh ở miền Trung, con có muốn đi cùng má không? Bé liền xin đi theo” – chị Tâm cho biết.

Các con phải có 
trách nhiệm chia sẻ…

Chị Tâm kể vợ chồng chị mở cho hai con mỗi bé một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng. Chị đọc báo Tuổi Trẻ rồi kể cho hai bé nghe chuyện các bạn học sinh miền Trung bị lũ nên không có tập vở, phải ăn mì sống cả tuần…, rồi bảo:

“Các con ở Sài Gòn sung sướng, không bao giờ bị bão lũ, nên phải ráng học và phải có trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ các bạn lúc khó khăn này”. Khi chị nói rút tiền tiết kiệm mỗi bé 1 triệu đồng để gửi các bạn, hai bé còn bảo: rút nhiều hơn đi má.

 

Nhìn con hớn hở nhận tờ biên nhận và thư cảm ơn của báo Tuổi Trẻ, chị kể tiếp: “Hôm đọc Tuổi Trẻ thấy mấy cô giáo trường mầm non cứu các học trò trong lũ, mình xúc động, nước mắt cứ chảy ra. Mình đưa cho hai bé coi. Mấy bữa nay các bé cứ hỏi: Cô giáo làm sao rồi má?”.

Một người mẹ trẻ ở Q.Bình Thạnh dẫn hai cậu con trai tên Bạch Hiếu Anh và Bạch Đăng Anh đến gửi 1.046.000 đồng và 50 cuốn tập trắng cho học sinh vùng lũ. Chị cho biết đó là số tiền tiết kiệm của hai anh em, nghe mẹ kể về các bạn học sinh miền Trung bị lũ ướt hết sách vở, không đi học được, hai bé rủ mẹ đi gửi tiền giúp các bạn.

“Đây là cách mình dạy cho các bé có lòng nhân ái ngay khi còn nhỏ. Mình có con nên hiểu được nỗi vất vả của những người mẹ, xót lắm trong tình cảnh này” – chị chia sẻ.

Một người mẹ khác đã luống tuổi cũng dẫn con theo cùng, ngỏ lời muốn ủng hộ cho người dân vùng lũ. Chị từ chối cho biết tên và bảo cứ ghi tên con gái. “Mỗi lần đi đóng tiền từ thiện tôi đều dắt con theo, ghi tên con. Bé vui và tự hào lắm” – chị bảo.

“Bé” của chị đã 39 tuổi nhưng hồn nhiên như một đứa trẻ. Chị bảo con gái bị bệnh nặng về não nhưng rất thích đi làm từ thiện. Chị vừa nghỉ hưu, có nhiều thời gian dành cho con hơn và muốn con sống vui khi giúp đỡ người khác.

Mong các em sớm trở lại trường
Em Trần Thị Hiếu Hậu (học sinh lớp 7 Trường Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM) cùng mẹ đến báo Tuổi Trẻ gửi 1 triệu đồng cứu trợ đồng bào miền Trung bị lũ lụt – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Thơm thảo tình người

Mấy hôm nay, phòng tiếp bạn đọc còn có những câu chuyện xúc động từ những người con, người cháu đến gửi tiền giúp đỡ người dân bão lũ nhưng ghi tên người thân đã khuất.

Anh Trần Huy Việt (Q.Phú Nhuận) gửi tổng cộng 5 triệu đồng cho chương trình Ước mơ của Thuý, chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp), người già cô đơn và 2 triệu đồng dành riêng cho đồng bào Bình Định bị lũ lụt.

Trong thư cảm ơn, anh đề nghị nhân viên phòng tiếp bạn đọc ghi tên ông nội và anh trai của ông nội – hai người đã đi xa.

“Tôi theo thuyết nhà Phật, tiền bạc rất quan trọng nhưng biết tạo phước mới quan trọng hơn. Tôi ghi tên ông nội và anh trai của ông nội với mong muốn cầu siêu cho người đã khuất. Mình không làm được gì lớn lao, chỉ mong tạo phước cho ông bà” – anh Việt chia sẻ.

Nhà ở mãi bên Q.7 nên khi lần đầu tiên đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, cô sinh viên Trường ĐH Kinh tế – tài chính Bùi Thị Thanh Hiền bị lạc đường, chạy thẳng ra tận… sân bay Tân Sơn Nhất. Hiền cho biết trong số tiền 1.300.000 đồng, của mẹ bạn là 1.000.000 đồng, còn lại là tiền Hiền để dành từ lì xì hồi tết.

“Em đọc báo thấy lũ lớn quá, nhiều bé không đến trường được, xót quá! Em hỏi mẹ có muốn góp không, mẹ đưa tiền ngay. Em nghĩ số tiền này chẳng đáng là bao nhưng ít nhất mình cũng giúp được cái gì đó cho người dân của mình trong lúc khó khăn này” – Hiền chia sẻ.

Trong những bạn đọc của Tuổi Trẻ đang đau đáu hướng về đồng bào miền Trung còn có không ít người là giáo viên, giảng viên, trong đó có cả những người đã nghỉ hưu. Một nhà giáo ở Q.6 đến gửi tiền cho chương trình Ước mơ của Thuý và học sinh nghèo vùng lũ nhưng từ chối cho biết tên.

Thầy mặc chiếc áo sơmi sọc carô đã cũ, sờn cả cổ áo. Một nhà giáo về hưu khác, đang sống ở Q.12, cũng không cho biết tên, đã gửi 5.000.000 đồng với tâm nguyện “Mong các em học sinh vùng lũ được sớm trở lại trường”. Hỏi ra mới biết số tiền ấy là cả một tháng lương hưu của thầy.

Đoàn viên, thanh niên dọn vệ sinh 
35 trường học bị ngập

Trong hai ngày 24 và 25-12, Tỉnh đoàn Bình Định đã huy động hơn 1.700 đoàn viên, thanh niên đồng loạt ra quân giúp dân trên địa bàn cả tỉnh khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.

Anh Nguyễn Xuân Vĩnh – bí thư Tỉnh đoàn Bình Định – cho biết lực lượng này đã giúp dân dọn hơn 10ha ruộng bị sa bồi thuỷ phá, sửa chữa gần 4km đường giao thông nông thôn bị hư hỏng nặng, gia cố 8km đê kè bị sạt lở và nạo vét 18km kênh mương nội đồng để nhân dân chuẩn bị gieo sạ vụ lúa đông xuân.

Hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên cũng ra quân dọn vệ sinh 35 trường học bị ngập lụt để các trường mở cửa trở lại sau thời gian dài phải nghỉ dạy, nghỉ học.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn Bình Định cũng vận động, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trao tặng học bổng, 2.224 suất quà gồm cặp sách, vở, sách giáo khoa, áo lạnh, nhu yếu phẩm cho học sinh vùng lũ với tổng giá trị hơn 1,2 tỉ đồng.

DUY THANH

MY LĂNG