Gấp rút học bù sau lũ

Sau lũ, nước vẫn chưa rút hẳn nhưng thầy trò nhiều trường tiểu học, THCS, THPT ở Bình Định đã lội nước đến trường kê lại bàn ghế, gấp rút dạy và học bù cho kịp chương trình.

 

Gấp rút học bù sau lũ

Sau lũ, nước vẫn chưa rút hẳn nhưng thầy trò nhiều trường tiểu học, THCS, THPT ở Bình Định đã lội nước đến trường kê lại bàn ghế, gấp rút dạy và học bù cho kịp chương trình. 

 

 

 

Gấp rút học bù sau lũ
Sân Trường THPT số 3 Tuy Phước (Bình Định) sáng 25-12 còn ngập nước – Ảnh: D.THANH

Trường đã mở cửa nhưng nhiều học sinh vẫn chưa thể đến lớp vì đường ngập, sách vở bị nước cuốn trôi…

Sáng 25-12 là ngày chủ nhật nhưng tại Trường THPT số 3 Tuy Phước (xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) toàn bộ các phòng học, kể cả phòng họp hội đồng, phòng thực hành, phòng dạy tương tác… đều được trưng dụng để thầy trò dạy và học bù cho kịp chương trình.

Học cả chủ nhật, Tết Tây…

Huyện Tuy Phước là rốn lũ của Bình Định và Phước H lại là một trong những xã rốn lũ của huyện Tuy Phước. Cô Dương Thị Bích Liên – hiệu trưởng Trường THPT số 3 Tuy Phước – cho biết trường nghỉ học đúng ba tuần vì ngập lụt, mới tổ chức dạy học lại từ ngày 22-12. Đến nay sĩ số các lớp vẫn chưa đầy đủ. Nhiều học sinh ở trong những vùng trũng, đường sá còn ngập lụt, đi lại nguy hiểm nên chưa thể đến trường.

“Dù vậy, trường vẫn phải tổ chức dạy và học trở lại sau khi nước rút khỏi các phòng học bởi tiến độ chương trình đã quá chậm. Ban giám hiệu đã lập một thời khóa biểu đặc biệt sau lũ lụt để dạy và học bù nhằm củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới và ôn thi. Dù lùi thời điểm kiểm tra học kỳ một tuần nhưng cũng chỉ tuần lễ nữa là các em phải kiểm tra rồi.

Trường không đủ phòng học, chúng tôi mượn luôn mấy phòng của trường cấp I gần đây và đang liên hệ với UBND xã mượn chỗ để dạy môn thể dục – quốc phòng cho học sinh” – cô Liên nói.

Thời khóa biểu đặc biệt ấy khiến học sinh phải đến trường hầu như liên tục. “Trước đây mỗi tuần tụi em học sáu buổi sáng, còn ba buổi chiều thì học thêm tại trường. Nhưng do nghỉ lũ quá dài, thời khóa biểu bây giờ là học tất cả bảy buổi sáng và bốn buổi chiều đều là chương trình chính khoá. Học dày như vậy đương nhiên là rất mệt, nhưng phải chấp nhận thôi vì đâu còn cách nào khác” – bạn Nguyễn Đức Duy, học sinh lớp 12A1 Trường THPT số 3 Tuy Phước, kể.

Không chỉ trò mà thầy cũng phải chạy đua sau lũ cho kịp chương trình. Trưa 25-12, nhiều thầy cô giáo của trường này chạy vội ra quán cơm “bụi” cách trường khoảng một cây số để ăn cơm rồi trở lại trường dạy buổi chiều.

“Số tiết chuẩn của mỗi giáo viên là 17 tiết/tuần, nhưng với thời khóa biểu đặc biệt sau lũ, chúng tôi sẽ dạy gần gấp đôi số tiết. Dạy nhiều, liên tục rất mệt nhưng không hề gì, miễn là học sinh có đủ kiến thức, kiểm tra học kỳ tốt là được” – thầy Nguyễn Văn Thao, giáo viên dạy vật lý của trường, bộc bạch.

Nhiều trường tiểu học, THCS ở huyện Tuy Phước cũng đang gấp rút dạy, học bù sau lũ. Tại Trường THCS Nhơn H (xã Nhơn H, thị xã An Nhơn) sau khi nghỉ liên tục 11 ngày vì trường ngập, đường đến trường cũng ngập, đã mở cửa trở lại vào ngày 21-12.

“Chúng tôi tổ chức dạy và học bù liên tục tất cả các ngày trong tuần, không nghỉ luôn cả Tết dương lịch và ngày nghỉ bù. Nếu không dạy và học bù như thế thì ngày 30-12 các em thi sẽ không tốt và đến trước 9-2-2017 là thời điểm vào học kỳ 2 nhưng chưa học xong chương trình của học kỳ 1” – thầy Lê Trọng Hiệp, hiệu trưởng Trường THCS Nhơn H, cho hay.

50.000 học sinh bị trôi mất sách vở

Vì ba cái tràn (nơi trũng trên đường để nước chảy qua) ở tỉnh lộ 640 vẫn còn ngập khoảng 0,5m, nước chảy mạnh nên việc đến lớp của học sinh Trường THPT số 3 Tuy Phước vẫn còn khó khăn.

“Tụi em đi qua tràn rất sợ bị trôi xe đạp nhưng đành phải lội. Lũ gây thiệt hại quá, ba má đâu còn tiền để cho mỗi ngày mấy chục ngàn đồng “tăng bo” xe đạp lên xe lôi máy để qua ba cái tràn này. Mỗi lượt qua là tốn 10.000 đồng” – bạn Nguyễn Đức Duy nói.

Còn Nguyễn Xuân Tâm – học sinh lớp 12A2 Trường THPT số 3 Tuy Phước – cho hay lũ cuốn nhà sập hoàn toàn, cha mẹ phải che tạm tấm bạt phía trước nhà để ở.

“Em phải ở nhờ nhà bà con hơn chục ngày qua. Điện cúp, nhà không còn, sách vở ướt nhẹp, nghỉ lâu nên quên kiến thức, giờ đi học lại đã bốn ngày mà chưa bắt nhịp lại được. Lo nhất là kiểm tra học kỳ cận kề rồi mà hổng kiến thức thì thi không đạt điểm tốt. Trong khi đối với học sinh 12, điểm thi học kỳ 1 rất quan trọng” – Tâm lo lắng.

Học bù liên tục, nhồi nhét kiến thức, học sinh không còn thời giờ nghỉ ngơi… cũng là điều nhiều giáo viên lo lắng. Ngoài ra, việc nghỉ liên tục lâu ngày khiến hầu hết các môn học thiếu các cột điểm kiểm tra.

“Nếu môn nào cũng học bù và đua nhau kiểm tra cho đủ cột điểm thì “chết” học sinh. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các thầy cô giáo chịu khó soạn giáo án riêng, tập trung dạy những nội dung căn bản để đảm bảo các em kiểm tra học kỳ cho tốt. Những môn nào chưa đủ bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết thì sau khi kiểm tra học kỳ xong tiếp tục dạy bù và kiểm tra sau” – cô Dương Thị Bích Liên cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-12, ông Đào Đức Tuấn – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định – nói sở đã yêu cầu phòng GD-ĐT, các trường THPT trên địa bàn cố gắng khắc phục khó khăn, tổ chức dạy và học bù sau lũ, đảm bảo đầy đủ chương trình học tập.

“Quan điểm chỉ đạo cho các phòng, các trường là đề kiểm tra học kỳ 1 sẽ ra theo kiến thức mà học sinh đã được học, lấy mốc kiến thức chương trình của trường nghỉ học lâu nhất để ra đề, nghĩa là học đến đâu thì ra đề thi đến đó” – ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, hiện có khoảng 50.000 học sinh các cấp ở Bình Định bị trôi mất sách vở. Bộ GD-ĐT hỗ trợ trong đợt 1 mới chỉ 2.500 bộ sách giáo khoa, còn vở thì các đơn vị hảo tâm, nhà tài trợ đã giúp đỡ hơn 1 triệu cuốn, nhưng cũng chưa thấm tháp vào đâu so với nhu cầu của học sinh vùng lũ…

Bồi dưỡng học sinh giỏi vào ban đêm

Ông Vương Tử Nghị – phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước – nói do huyện bị ngập quá nhiều nơi nên có đến 44 trường tiểu học và THCS phải tổ chức dạy và học bù.

“Học bù cỡ nào chắc cũng không đủ được, nhưng những môn quan trọng thì phải được dạy bù cho đủ để học sinh kiểm tra học kỳ 1, kiểm tra xong tiếp tục học bù nữa cho đủ kiến thức” – ông Nghị nói.

Riêng Trường THCS Võ Xán (huyện Tây Sơn), theo ông Lâm Thanh Dương – phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện, do chỉ có 16 phòng học nhưng có 32 lớp nên dành phòng cho việc học bù, các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi của trường phải chuyển sang học vào ban đêm.

DUY THANH ([email protected])