11/01/2025

Cùng con vượt qua tuổi dậy thì

Ở giai đoạn tuổi mới lớn, con bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý và khó dạy bảo hơn. Nhiều cha mẹ than rằng bất lực và nhiều khi không biết phải làm thế nào.

 

Cùng con vượt qua tuổi dậy thì

Ở giai đoạn tuổi mới lớn, con bắt đầu thay đổi về tâm sinh lý và khó dạy bảo hơn. Nhiều cha mẹ than rằng bất lực và nhiều khi không biết phải làm thế nào.
 
 
 
 
Cha mẹ tham gia các lớp học kỹ năng /// Phạm Thị Thúy

Cha mẹ tham gia các lớp học kỹ năng   PHẠM THỊ THUÝ

 
Khổ như nuôi dạy con tuổi mới lớn !
Với nhiều phụ huynh nuôi dạy con ở tuổi dậy thì, họ có chung một nỗi bận tâm: Con thay đổi và rất khó dạy bảo.
 
Chị Q. có con đang học lớp 8 Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM), mặc dù sau 16 giờ 30 con mới tan trường nhưng chị đến đón con từ rất sớm. Gặp chị Q. ở cổng trường, lúc đó còn vài phút mới đúng 16 giờ, tôi hỏi: “Sao chị đón con sớm thế?”, chị Q. nói: “Cả tuần nay phải đón sớm, vì tuần trước hầu như buổi chiều mình đều bận việc rồi đi trễ nên kẹt xe, thế là đến đón con trễ. Về nhà nó giận lẫy rồi không nói chuyện gì hết. Mình phải nói nhỏ nhẹ với con là từ nay sẽ đón đúng giờ”.
 
Nhưng rồi chị Q. lại than rằng: “Nuôi con ở tuổi này vất vả quá. Tôi đau hết cả đầu, nhiều khi bị tâm lý luôn. Con bướng bỉnh, khó dạy. Nói gì cũng cãi lại được. Mới lớp 6 còn nghe lời, mà kể từ khi lên lớp 7 đến giờ là tôi và chồng đều bó tay”.
 
Còn chị N.M (Q.1, TP.HCM), cũng có cậu con trai đang học lớp 7 Trường THCS Minh Đức, tâm sự: “Con thích gì là làm nấy, áo quần, tóc tai toàn phải theo ý con, mình chẳng thể nào can thiệp được. Mua áo quần về con không thích là tuyệt đối không mặc dù chỉ một lần. Ba nó đi công tác, muốn mua cho nó đôi giày nên chụp hình gửi về, con xem vừa ý rồi mới mua. Thế mà về nhà nó lại đổi ý không thích, thế là không chịu mang. Mình thì tiếc của nên nổi cáu. Mà mỗi lần như thế là nó giận lẫy, lên phòng đóng cửa ở một mình”.
 
Chị M. cũng kể thêm: “Mình còn may mắn là con dù khó bảo nhưng cũng không hư đốn. Còn đứa em của mình, có đứa con gái ở tuổi dậy thì mà chẳng thể nào dạy bảo được. Lên trường giao du với mấy đứa bạn ăn chơi nên mẹ nó cấm đoán. Thế là mỗi lần mẹ nó mắng là nó lại bỏ nhà đi. Thiệt khổ”.
 
Chờ đón con đang học tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), chị L.T.T chia sẻ: “Khổ như nuôi dạy con. Tuổi nó mới lớn đủ thứ để lo và sợ, rồi thêm tính tình nó thay đổi, khó dạy nên nhiều khi tôi cũng bất lực. Nó giận gì là đóng sầm cửa ngay trước mặt mình, nhịn ăn, không thèm nói chuyện. Lúc bất lực quá thì tôi chỉ mong con nhanh lớn, qua giai đoạn này chắc con sẽ thay đổi và dễ dạy bảo hơn”.
 
Học kỹ năng làm cha mẹ
Theo tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thuý, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM, đây là hiện tượng rất phổ biến và hầu như ông bố bà mẹ nào cũng gặp phải.
 
“Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là cha mẹ còn quá thiếu kỹ năng. Không đủ cập nhật sự phát triển của con trong giai đoạn hiện tại. Tức là tuổi dậy thì bây giờ so với cách đây mấy chục năm khác quá xa. Vốn dĩ cảm xúc giai đoạn này của các em đã không ổn định cộng xã hội bây giờ thay đổi nhiều, các con làm bạn với internet có cả những vấn đề tốt và xấu nên biến đổi tâm sinh lý rất nhanh”, bà Thúy nhìn nhận.
 
Không những thế, bà Thuý còn cho rằng bố mẹ ngày nay quá bận, con cũng bận (bận học, bạn bè, mạng xã hội) nên khoảng cách cha mẹ và con cái ngày càng xa. “Mình muốn dạy được thì phải hiểu con. Chính vì thế, cha mẹ cần phải quay trở lại để học cách hiểu con, gần con, làm bạn cùng con. Cha mẹ phải thu xếp cuộc sống, sắp xếp công việc. Giai đoạn con ở tuổi dậy thì, cha mẹ cần xem lại mục tiêu để có thời gian gần con, hiểu con”, bà Thúy phân tích.
 
Bà Thuý đặc biệt nhấn mạnh: “Nghề làm cha mẹ là nghề cần phải học nhất. Bây giờ muốn làm nghề gì cũng phải học vì cuộc sống mỗi ngày một thay đổi, vậy tại sao kỹ năng làm cha mẹ lại không học?”.
 
Bà Thúy khuyên hãy tìm đến những tài liệu, khóa học về tâm lý tuổi dậy thì để cập nhật, hiểu con. Rồi đặt mình vào vị trí của con để xem con có những tâm tư, nguyện vọng gì. Luôn phải hiểu rằng mình là một người độc lập với con và con là một người độc lập với mình. Nếu không đặt vào vị trí của con, để hiểu con thì không bao giờ dạy được con.
 
“Có hiểu mới có thương, cứ nghĩ là tôi không thương con tôi thì thương ai, nhưng thật ra cha mẹ ngày nay không biết thương con. Vì không hiểu con nên áp đặt tình thương theo kiểu độc đoán”, bà Thuý nói.
 
Đặc biệt, khi trẻ ở tuổi dậy thì, cha mẹ không được nói theo kiểu ra lệnh hoặc cấm đoán. Càng như thế thì càng gặp phản lực mạnh từ phía con. Tâm lý của con ở tuổi này là thích chứng minh bản thân, thích mọi người lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Mà mình càng bắt ép thì con sẽ càng chống đối lại. “Cách nói chuyện với con ở giai đoạn này là biết đặt câu hỏi để con nói, rồi sau đó đặt câu hỏi để gợi mở cho con cách nào là tốt hơn”, bà Thuý khuyên.
 
Bên cạnh đó phải biết điều hòa cảm xúc khi dạy con. Cha mẹ luôn phải nhớ một nguyên tắc là nếu không bình tĩnh thì không bao giờ dạy được con. Giận quá mất khôn, mình sẽ nói những câu xúc phạm, độc đoán với con. Từ đó, con quay trở lại để chống đối mình.
 
 
NỮ VƯƠNG