Gánh nặng bệnh hiểm nghèo: Bất ngờ bệnh nặng, không tiền
Nhiều người bất ngờ bị bệnh hiểm nghèo như đột quỵ, suy thận, chấn thương sọ não, ung thư, liệt hai chân… Họ không chỉ chịu nỗi đau của một người mắc bệnh mà còn không biết lấy tiền ở đâu để điều trị.
Gánh nặng bệnh hiểm nghèo: Bất ngờ bệnh nặng, không tiền
Nhiều người bất ngờ bị bệnh hiểm nghèo như đột quỵ, suy thận, chấn thương sọ não, ung thư, liệt hai chân… Họ không chỉ chịu nỗi đau của một người mắc bệnh mà còn không biết lấy tiền ở đâu để điều trị.
Anh Nguyễn Minh Phương (26 tuổi, Tiền Giang) đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) -Ảnh: Duyên Phan |
Sáng 4-12, tại khoa nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, anh Nguyễn Minh Phương (26 tuổi, ở Tiền Giang) cố gượng dậy. Phương không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt, ánh mắt đầy sự lo âu, buồn phiền.
Điều trị đến khi không thể lo được nữa
Phương mới được phát hiện mắc bệnh ung thư đại trực tràng gần một tháng nay. Hơn hai tháng trước đó, anh hay bị đau bụng từng cơn xung quanh rốn.
Nghĩ đến chuyện đi bệnh viện khám mất cả buổi, lại tốn tiền bạc nên Phương ráng đợi thêm một thời gian nữa xem bệnh có tự ổn không. Ai dè, những cơn đau đến gần nhau và ngày càng đau hơn làm Phương lo lắng về một căn bệnh nào đó.
Phương quyết định đến Phòng khám đa khoa Hoà Hảo (Trung tâm Medic cũ) để khám bệnh. Tại đây, Phương được các bác sĩ cho làm xét nghiệm, siêu âm bụng và chụp CT. Sau đó, các bác sĩ nói Phương có u manh tràng, di căn gan. Bác sĩ nghi ngờ Phương bị ung thư đại tràng nên chuyển qua Bệnh viện Nhân Dân 115 để được nội soi, sinh thiết.
Một tuần sau, Phương nhận được kết quả “ung thư đại tràng”, giai đoạn cuối.
Ba mẹ Phương ở quê làm ruộng, gia đình khó khăn nên 18 tuổi Phương đã lên TP xin đi làm thuê cho một tiệm bạc ở Q.8 để phụ giúp ba mẹ. Gần 8 năm làm thuê, mỗi tháng Phương được trả 5 triệu đồng. Tháng nào Phương cũng dè sẻn chi tiêu chỉ hơn 1triệu đồng, số tiền còn lại đều gửi về cho ba mẹ nên giờ cũng không có khoản tiền để dành nào. Đi làm thuê không có hợp đồng, cũng không được chỗ làm mua bảo hiểm y tế (BHYT).
“Tôi chẳng thể nghĩ có ngày mình bị bệnh như thế này”, Phương nói chầm chậm từng chữ, ánh mắt mông lung hướng ra ngoài cửa phòng bệnh.
26 tuổi, Phương còn rất trẻ nhưng bệnh ung thư tới đã làm thay đổi tất cả cuộc sống của Phương cùng những người trong gia đình.
Phương không có BHYT, gia đình ráng lo viện phí cho Phương đến lúc nào không lo được nữa thì thôi. Phương mới nhập viện Bệnh viện Ung bướu tối 3-12, mới phải đóng tạm ứng 3 triệu đồng.
Bán nhà cũng không đủ tiền chữa bệnh
Sáng 5-12, tại khoa ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Đặng Văn Long (63 tuổi, ở An Giang) lụi cụi chăm con trai ông là Đặng Tấn Đạt, 25 tuổi, bị gãy đốt sống cổ, gãy chân đùi bên phải, hiện đang bị liệt cả hai tay, hai chân.
Ông Long kể trưa 9-11 con trai ông bị té giàn giáo tại căn nhà mà con ông đang phụ xây. Con trai ông được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang cấp cứu nhưng do tình trạng bệnh nặng quá nên được chuyển tiếp lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
Con trai ông không có thẻ BHYT nên gia đình phải trả một số tiền lớn. Gần một tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số tiền điều trị cho con trai ông là gần 70 triệu đồng. Gia đình cố gắng xoay xở, vay mượn cũng chỉ đóng được 18 triệu đồng, còn lại không biết tìm cách nào để chi trả.
Vợ ông đau ốm ở quê không làm gì ra tiền. Hai bố con ông đi làm phụ hồ cũng chỉ đủ lo cuộc sống của ba người. Chẳng thể ngờ được, con trai ông đang khoẻ mạnh thế đột nhiên lại bị tai nạn nặng.
Ông bàn với vợ rao bán căn nhà ở quê dù biết bán nhà đi hai vợ chồng già với con trai sẽ không còn chỗ ở. Vợ ông rao bán nhưng người trả cao nhất cũng chỉ dừng lại ở mức 35 triệu đồng, trong khi viện phí phải trả là 50 triệu đồng…
Cách cuối cùng mà gia đình làm được cũng chẳng đóng đủ viện phí. Ông rưng rưng kể điều này với một bác sĩ trong khoa. Bác sĩ này nghe xong, chỉ nói: “Ông bán nhà đi rồi, con mạnh khoẻ trở về lấy chỗ nào mà ở?”. Bác sĩ này nói sẽ liên hệ với phòng công tác xã hội của bệnh viện nhờ kêu gọi các nhà hảo tâm lo giúp viện phí cho con ông.
Ông Long kể, nước mắt ông chảy xuống trên gương mặt hốc hác vì đã qua rất nhiều đêm ngày ông vừa chăm sóc con, vừa tìm cách lo viện phí cho con mà vẫn không lo nổi.
Ông Long bảo trước đây ông và con ông cũng tính mua BHYT tự nguyện nhưng ở ấp bắt mua cả gia đình nên ông và con không thể mua được. Ngoài Đạt ra, ông còn 7 người con nữa.
“Cả 7 người con đều lập gia đình, đều đi làm thuê ở các tỉnh. Hộ khẩu nhà tôi hàng chục người như vậy, nếu buộc tất cả cùng mua hết thì không thể mua được” – ông Long giải thích.
Nhiều bác sĩ cho biết có những người bệnh mắc các bệnh hiểm nghèo như bị suy thận, chấn thương sọ não nặng, bỏng nặng, đột quỵ… phải nhập viện điều trị. Đây là những bệnh nặng, chi phí điều trị tốn kém nhưng khi hỏi ra thì người bệnh lại không có BHYT, trong khi gia đình người bệnh lại rất khó khăn.
Chị H.N.B.T. (38 tuổi, ở Bạc Liêu, bị ung thư vú) cho biết: “Tôi làm công nhân nên được mua BHYT 16 năm nay. BHYT chi trả 80%, chỉ phải thanh toán 20% nhưng mỗi tuần đi khám bệnh tôi vẫn canh cánh lo viện phí. Tuần nào cũng phải đến bệnh viện khám bệnh, điều trị, mỗi lần đến viện, số tiền ít nhất tôi phải thanh toán là 400.000 đồng và nhiều nhất là 2,9 triệu đồng. Tuần nào đi khám tôi cũng phải vay mượn”. |