Được hồi gia nhưng vẫn vô gia cư
Nhiều trẻ mồ côi, lang thang được đưa vào các cơ sở xã hội, mái ấm nuôi dưỡng, khi trưởng thành, các em được cho ra khỏi cơ sở (hồi gia). Nhưng bước chân vào đời bươn chải lại gặp tiếp những khó khăn khác như không có hộ khẩu, không chứng minh nhân dân.
Được hồi gia nhưng vẫn vô gia cư
Nhiều trẻ mồ côi, lang thang được đưa vào các cơ sở xã hội, mái ấm nuôi dưỡng, khi trưởng thành, các em được cho ra khỏi cơ sở (hồi gia). Nhưng bước chân vào đời bươn chải lại gặp tiếp những khó khăn khác như không có hộ khẩu, không chứng minh nhân dân.
Hoàn cảnh của em Bùi Thanh Tú (19 tuổi), học sinh lớp 12 Trường chuyên Năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (Q.8, TP.HCM), ai cũng thương cảm.
Không có CMND,sao vào đại học !?
Quê ở Bình Dương, mẹ em bị thương nặng trong một lần lao động dẫn đến mất sức phải vào Trung tâm bảo trợ xã hội Chánh Phú Hoà để nương nhờ. Tú cũng vô trung tâm ở với mẹ khi mới 2 tuổi. Một thời gian sau, Tú được chuyển qua Làng thiếu niên Q.Thủ Đức. Tại đây, em được đi học. Do có năng khiếu về bóng đá nên lúc 10 tuổi, Tú được tuyển về học tập và tập luyện tại Trung tâm Thành Long (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá – PVF). Đến năm 14 tuổi, do sức khoẻ em không đảm bảo, nên mẹ xin cho em được hồi gia. Lúc này, mẹ em cũng đã rời trung tâm bảo trợ xã hội, về thuê nhà sinh sống tại H.Bến Cát (Bình Dương). Được sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, Tú lại tiếp tục chuyển về học tại Trường chuyên Năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định.
Do quá khó khăn, mẹ em chỉ thuê nhà trọ sống qua ngày, nên không thể nào đi làm hộ khẩu được. Ngay cả giấy khai sinh của em cũng là nhờ Làng thiếu niên làm giúp. Nhiều lần Tú quay trở lại Làng thiếu niên Q.Thủ Đức hỏi thăm việc làm hộ khẩu nhưng không được vì em hồi gia đã quá lâu. Không có hộ khẩu, Tú cũng không thể nào làm được chứng minh nhân dân (CMND). “Sắp tới em tính thi vào Đại học Kinh tế, hoặc một trường nào đó nhưng không có CMND thì không biết phải đăng ký tuyển sinh như thế nào”, Tú rưng rưng nước mắt nhìn xa xăm.
Ra đường trong phập phồng
Còn Lê Văn Mẫn (20 tuổi), hiện sống nương nhờ tại Mái ấm Tre Xanh (Q.1, TP.HCM) cũng có hoàn cảnh đầy éo le. Mẹ Mẫn qua đời khi em được 8 tuổi, còn cha đã không nhìn nhận em từ khi lọt lòng. Từ đó, Mẫn trở thành trẻ bụi đời sống lang thang. Cuối năm 2012, Mẫn được đưa vào Mái ấm Tre Xanh nuôi dưỡng. Năm 2013, Mẫn được mái ấm làm cho giấy khai sinh. Trong thời gian này, Mẫn được học chữ rồi học nghề nên trở thành một tay pha chế nước uống. Nhưng sau khi ra khỏi mái ấm, Mẫn xin việc không biết bao nhiêu chỗ, có nơi khi biết Mẫn không có CMND liền từ chối, có nơi nhận Mẫn vào làm vài hôm rồi cũng cho nghỉ, lý do cũng chỉ vì không có CMND.
Gần đây, nhờ sự giới thiệu của mái ấm, Mẫn được nhận vào làm tại một công ty lớn. Nhưng do không có CMND nên Mẫn không được ký hợp đồng, không được hưởng bất cứ chế độ bảo hiểm nào. “Ra đường em phải né công an suốt vì đi xe máy không chính chủ, không có bằng lái, có hôm đi làm về khuya bị kiểm tra giấy tờ, vì không có nên bị đưa về phường tạm giữ cả đêm, hôm sau phải nhờ mấy cô bên mái ấm đến bảo lãnh mới được về”, Mẫn kể với đôi mắt buồn sâu thẳm.
Sống cùng mái ấm với Mẫn là Nguyễn Văn Dương, năm nay đã 36 tuổi mà vẫn độc thân, không giấy khai sinh, không CMND, không hộ khẩu. Dương vốn là trẻ mồ côi không biết cha mẹ là ai. Lúc còn nhỏ sống ở cô nhi viện. Sau đó trốn đi chơi bị lạc đường, rồi sống lang thang. Năm 1993, Dương được đưa vào Trường Thiếu niên 3, đến năm 1996 thì chuyển về Mái ấm Tre Xanh. Năm 1998, Dương làm việc cho một cơ sở ở Q.8 nhưng do không có CMND nên không được ký hợp đồng. Không có nhà ở, cuộc sống không ổn định nên tiền lương Dương cũng nhờ chủ giữ, chỉ lấy một ít để tiêu xài. Làm việc ròng rã suốt 10 năm, đến năm 2008 Dương bị đuổi việc, bao nhiêu lương bổng đều không được trả. Không tiền, không giấy tờ tùy thân, không có chỗ ở nên Dương lại quay về mái ấm phụ bán cơm kiếm sống qua ngày.
Tương lai nào cho em?
Bà Nguyễn Kim Tuyến, Phó chủ nhiệm Mái ấm Tre Xanh, cho biết riêng tại mái ấm có khoảng 10 em đã trưởng thành nhưng không làm được CMND, không có hộ khẩu nên cuộc sống bị thiệt thòi vô kể. Bà Tuyến cho biết thêm ngoài 10 em đã trưởng thành, tại mái ấm còn khoảng 10 em nữa sắp tới tuổi hồi gia nhưng chưa biết phải làm sao.
Tiếp xúc với PV, nhiều thanh niên ở các mái ấm đều cho biết đã thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương để xin được làm hộ khẩu và CMND, nhưng hầu hết đều hướng dẫn các em những quy định hết sức khó khăn. Theo quy định, để được nhập khẩu và làm CMND phải có một trong các điều kiện: có nhà ở hợp pháp; được người có hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, để đáp ứng các điều kiện này đối với trẻ hồi gia là vô cùng khó.
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết TP chưa có thống kê cụ thể về số lượng trẻ hồi gia không có hộ khẩu, CMND, nhưng ông Tính khẳng định con số có thể đến cả trăm trường hợp. Ông cho biết thêm, năm 2000 TP làm giấy khai sinh đại trà cho trẻ em tại các cơ sở và đã giải quyết được 70.000 trường hợp. Năm 2011 tiếp tục làm khai sinh cho hàng chục ngàn trẻ em nữa.
“Sở LĐ-TB-XH đã có đề xuất với UBND TP, Công an TP có hướng giải quyết cho các em này nhưng đến nay vẫn còn bị vướng do quy định của luật Cư trú. Không CMND, không hộ khẩu các em lại tiếp tục cuộc sống ngoài vòng pháp luật, vô gia cư”, ông Tính nói.
Có con mà không được khai tên cha
Đó là trường hợp của Nguyễn Công Mạnh (27 tuổi) là trẻ mồ côi. Năm 2008, Mạnh trưởng thành và ra ngoài sống, lấy vợ, sinh con. Tuy nhiên, do không có CMND nên Mạnh không thể đăng ký kết hôn, cũng không thể nhập hộ khẩu vào gia đình vợ. Đến khi làm khai sinh cho con, Mạnh cũng không được ghi tên mình vào giấy khai sinh của con, trong giấy khai sinh của con chỉ mang tên mẹ. Bây giờ Mạnh chỉ mong có CMND để được ghi tên vào giấy khai sinh của con mình.
|
Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (PC64) Công an TP.HCM, trường hợp các em được nuôi dưỡng từ cơ sở xã hội, mái ấm (có giấy phép hoạt động) thì đều được nhập khẩu tại địa chỉ của cơ sở xã hội, mái ấm, sau đó mang hộ khẩu đến Đội cảnh sát quản lý hành chính về TTXH của công an quận, huyện hoặc PC64, Công an TP.HCM để làm thẻ căn cước. Nếu trường hợp cơ sở xã hội, mái ấm hoạt động không có giấy phép thì cơ quan công an không thể nhập khẩu các em vào địa chỉ này được. Tuy nhiên, nếu em nào rơi vào trường hợp không có hộ khẩu nên không thể làm thẻ căn cước được thì gửi đơn cứu xét đến PC64, sẽ tiếp nhận xem xét từng trường hợp cụ thể
Đàm Huy
|
Hải Nam