Phạt mấy trăm triệu đồng vì xây sai mẫu nhà
Do xây dựng sai mẫu nhà, người dân ở dự án Areco (Q.12, TP.HCM) có thể phải đóng tiền phạt từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng hoặc phải tháo dỡ phần nhà xây dựng sai thì mới được cấp giấy chủ quyền.
Phạt mấy trăm triệu đồng vì xây sai mẫu nhà
Do xây dựng sai mẫu nhà, người dân ở dự án Areco (Q.12, TP.HCM) có thể phải đóng tiền phạt từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng hoặc phải tháo dỡ phần nhà xây dựng sai thì mới được cấp giấy chủ quyền.
Một góc dự án của Công ty cổ phần địa ốc Areco tại phường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Nhiều người dân ở khu phố 4, P.Tân Thới Nhất, Q.12 phản ảnh họ mua nền đất của Công ty cổ phần địa ốc Areco (trụ sở tại Bình Dương, nay là Công ty cổ phần Thương mại và du lịch Bình Dương, gọi tắt là Công ty Bình Dương) từ năm 2002 nhưng đến nay chưa được chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chủ quyền.
Người này nhìn người kia để làm… sai
Ban đầu, Công ty Bình Dương ký với người dân hợp đồng đầu tư xây dựng nền nhà với nội dung công ty cho người dân đầu tư xây dựng một nền nhà phố liên kế tại khu dân cư ở P.Tân Thới Nhất, Q.12.
Giá trị đầu tư là 2,9 triệu đồng/m2 (bao gồm tiền sử dụng đất, chi phí làm hạ tầng, chi phí làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thuế giá trị gia tăng).
Người dân phải thanh toán đúng kỳ hạn trên hợp đồng và công ty sẽ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau 180 ngày kể từ ngày người dân đóng 90% giá trị hợp đồng.
Đến năm 2004, công ty giao cho người dân giấy phép xây dựng của toàn khu do Sở Xây dựng TP.HCM cấp có quy mô và bản vẽ mẫu nhà của từng khu vực, mỗi khu vực có số lô, số thửa theo ký hiệu của dự án.
Chủ đầu tư cũng thông báo khách hàng liên hệ với công ty để làm thủ tục xây dựng và cung cấp đúng mẫu nhà để làm cơ sở cho việc thiết kế, thi công.
Người dân cho biết mẫu nhà theo giấy phép xây dựng chỉ một trệt, một lửng, một lầu, nhưng nhu cầu của người dân cao hơn nên có người xây nhà cao ba bốn tầng, có người ghép ba lô đất liền kề lại xây thành biệt thự nhưng không bị cơ quan chức năng hoặc người của công ty nhắc nhở, ngăn cản.
Vì vậy, nhà này nhìn nhà kia để cùng làm sai và nhiều nhà phớt lờ luôn giấy phép xây dựng cùng bản vẽ mẫu nhà do chủ đầu tư cung cấp.
Sau nhiều năm người dân hối thúc, yêu cầu Công ty Bình Dương phải làm giấy chủ quyền nhà đất thì đến đầu năm nay họ nhận được thông báo của Công ty Bình Dương về việc mỗi chủ nhà phải đóng tiền phạt từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Riêng trường hợp ghép ba lô đất liền kề lại xây thành biệt thự phải nộp phạt số tiền dự tính lên đến 2,5 tỉ đồng.
Thông báo nêu rõ đây là số tiền phạt tạm tính theo khoản 9, điều 13, nghị định 121 năm 2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, những nhà xây dựng sai phép đã hoàn thành phải nộp khoản thu lợi bất chính bằng 40% giá trị phần diện tích sai phép. Theo bảng tạm tính này, phần diện tích xây dựng sai phép được tính là diện tích dư ra so với mẫu nhà theo giấy phép của Sở Xây dựng TP cấp cho công ty trước đó.
Theo hướng dẫn của UBND Q.12, sau khi làm thủ tục xử lý vi phạm xây dựng xong thì UBND quận mới làm thủ tục hoàn công nhà, sang tên giấy chủ quyền từ Công ty Bình Dương cho người dân.
Một góc dự án của Công ty cổ phần địa ốc Areco tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Ai phải nộp phạt?
Người dân cho biết trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên – môi trường TP cấp cho Công ty Bình Dương vào năm 2008 có ghi chú: Công ty chỉ được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi đã đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định.
Về mặt pháp lý, nhà đất trong dự án đều đứng tên công ty, việc xây nhà cũng do công ty xây dựng.
Vì vậy, công ty phải chịu phạt và phải có trách nhiệm đóng khoản tiền phạt này để hoàn tất thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người dân.
Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết về mặt pháp lý, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử phạt người thực hiện hành vi vi phạm. Ở đây, pháp lý của toàn bộ dự án còn đứng tên Công ty Bình Dương nên đối tượng bị phạt và người chấp hành quyết định xử phạt sẽ là công ty này.
Ông Nguyễn Đình Nhuần, tổng giám đốc Công ty Bình Dương, cho biết các hộ dân tự ý xây dựng sai mẫu nhà nên dẫn đến số tiền phạt dự kiến quá lớn. Phía công ty cũng rất khó xử lý vấn đề này khi người dân không đồng ý nộp phạt.
Một đại diện của Công ty Bình Dương cũng thừa nhận về mặt pháp lý, cơ quan chức năng sẽ xử phạt công ty.
Vị này cho rằng nếu được toàn quyền quyết định, công ty sẽ tháo dỡ toàn bộ phần diện tích xây dựng sai phép của các căn nhà để tiến hành hoàn công và làm giấy chủ quyền cho dân.
Nhưng thực tế, chính người dân chủ động xây dựng sai mẫu nhà và căn nhà nay là tài sản của người dân nên công ty muốn thương lượng, trao đổi để đạt được một phương án xử lý có lợi nhất cho dân.
Sau khi đạt được thỏa thuận (tháo dỡ phần vi phạm hay đóng tiền phạt để tồn tại) thì cơ quan chức năng mới ban hành quyết định xử phạt, tránh trường hợp quyết định xử phạt đã ban hành, người dân không đồng ý thì sẽ bị cưỡng chế hoặc phạt chậm nộp.
Nếu người dân chấp nhận phương án đóng phạt do cơ quan chức năng đưa ra để tồn tại phần xây dựng sai phép thì công ty sẽ hỗ trợ một phần.
Trao đổi với chúng tôi ngày 12-11, ông Tống Văn Hậu, một người dân đang chờ giấy chủ quyền nhà đất tại dự án của Công ty Bình Dương, cho biết ông và nhiều người dân khác sẵn sàng đóng phạt để được làm giấy chủ quyền nhà nếu có quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, phía công ty cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về việc quản lý dự án để xảy ra sai phạm.
Người dân và chủ đầu tư có thể thoả thuận Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng về pháp lý, Công ty Bình Dương phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng khi các công trình trong dự án của mình xây dựng sai phép, sai mẫu nhà đã được duyệt. Chủ đầu tư có trách nhiệm đóng tiền phạt hoặc thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm của Nhà nước. Tuy nhiên, trước đó giữa công ty và người dân có thỏa thuận với nhau về việc hợp tác xây dựng nhà ở, và những căn nhà xây sai phép thực tế là tài sản của người dân bỏ ra để góp vốn cùng xây dựng trong dự án. Vì vậy, hai bên phải thoả thuận về phương án xử lý (nộp phạt để tồn tại hay tháo dỡ phần sai phép). Đây là thoả thuận dân sự giữa hai bên. Nếu hai bên không thoả thuận được thì dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa về việc chậm thực hiện nghĩa vụ (làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) theo hợp đồng. Khi đó, phía công ty cũng có thể yêu cầu người dân phải chịu trách nhiệm về việc xây dựng không theo giấy phép đã được cung cấp. |