28/12/2024

Ám ảnh với những vụ án dây thun

Việc vi phạm thời hạn xét xử đã trở thành tình trạng phổ biến và là nỗi ám ảnh cho đương sự và các cơ quan tố tụng.

 LOAY HOAY VỚI ÁN “DÂY THUN” – KỲ 1:

Ám ảnh với những vụ án dây thun

Việc vi phạm thời hạn xét xử đã trở thành tình trạng phổ biến và là nỗi ám ảnh cho đương sự và các cơ quan tố tụng.

 

 

 

Ám ảnh với những vụ án dây thun

“BLTTHS quy định rõ về thời hạn xét xử nhưng việc vi phạm thời hạn rất tràn lan, rất phổ biến nhưng lại không quy định chế tài nào cả”

Ông Đinh Thế Hưng

Bị tuyên tử hình rồi lại được kháng nghị trả tự do, được tuyên vô tội xong sau đó lại bị tuyên tử hình, cáo trạng thay đổi hàng chục lần, bị cáo bị bắt rồi thả, thả rồi bắt… Đó là thực trạng trong quá trình giải quyết một số vụ án hình sự hiện nay.

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định rõ thời gian giải quyết kể từ khi khởi tố vụ án đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, hiện nay có những vụ án kéo dài nhiều năm khiến đương sự phải đợi chờ mòn mỏi.

Bấp bênh theo tòa án

Đã 11 năm trôi qua, nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng đối với số phận của “tử tù” Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị điều tra, truy tố, xét xử về tội hiếp dâm.

Vụ án này có thể xem là hi hữu trong lịch sử tố tụng VN khi 11 năm qua ông Long đã 4 lần bị tòa án tuyên tử hình, 2 lần cấp giám đốc thẩm hủy án yêu cầu điều tra lại.

Rất nhiều lần Công an tỉnh Bắc Giang phải gia hạn điều tra và Viện KSND tỉnh phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Theo lãnh đạo Viện KSND tối cao, lý do vụ án Hàn Đức Long bị trả hồ sơ nhiều lần vì các cơ quan tố tụng phải đảm bảo sự chặt chẽ, thận trọng.

Lãnh đạo TAND tối cao cho rằng năm 2009 đã giám đốc thẩm huỷ án lần 1, yêu cầu làm rõ những mâu thuẫn của vụ án. Tuy nhiên quá trình điều tra lại không khắc phục được các thiếu sót.

Đến năm 2014, TAND tối cao giám đốc thẩm lần 2. Do kết quả điều tra lại không có tình tiết mới nên Viện KSND tỉnh Bắc Giang trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, công an tiếp tục đề nghị truy tố, viện kiểm sát tiếp tục yêu cầu điều tra.

Tương tự, còn rất nhiều vụ án hình sự kéo dài khiến đương sự mòn mỏi. Hơn 7 năm nay, vụ án ông Trần Minh Anh (ngụ quận Ba Đình) đã thay đổi 7 bản kết luận điều tra, 4 cáo trạng.

Chín lần ông Anh được đưa ra xét xử, sau đó toà trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tháng 9-2014, TAND TP Hà Nội tuyên ông Anh không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bản án bị Viện KSND TP Hà Nội kháng nghị. Xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại.

Hay như vụ tham ô tài sản tại Công ty cổ phần Bảo Minh Cà Mau kéo dài đến 9 năm với 8 bản cáo trạng.

“Kỳ án” trộm dê ở Bình Thuận đã trải qua 13 lần xét xử vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng.

Đến phiên tòa lần thứ 14, vị chủ toạ tuyên bố vụ án đã kéo dài quá lâu, lần xử này phải xét xử cho xong. Đến nay bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan.

Hạn chế huỷ án, 
trả hồ sơ

“Tình trạng án xử đi xử lại không xong đã gây bức xúc hiện nay” – ông Đinh Thế Hưng, trưởng phòng pháp luật hình sự Viện nhà nước và pháp luật (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhận định.

Theo ông Hưng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng án hình sự bị kéo dài vì theo quy định, viện kiểm sát được quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Cộng với tình trạng cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm thường huỷ án yêu cầu điều tra, xét xử lại đã khiến vụ án bị kéo dài vô thời hạn.

Lý do thứ hai, khâu điều tra có thiếu sót, điều tra viên không thu thập hết các chứng cứ. Đến khi ra tòa thấy có mâu thuẫn nên tuyên huỷ án sơ thẩm hoặc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên đối với các vụ án xảy ra đã lâu thì không tìm lại được chứng cứ.

“BLTTHS quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, mọi nghi ngờ phải được hiểu theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Nếu thấy không đủ chứng cứ kết tội thì phải tuyên vô tội, chứ không thể cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung mãi. Hiện nay vẫn có tình trạng nể nang nhau giữa các cơ quan tố tụng, bởi việc tuyên vô tội thường để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cơ quan” – ông Hưng nói.

Theo các chuyên gia pháp lý, muốn hạn chế án “dây thun” thì mỗi giai đoạn tố tụng phải làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình, đảm bảo tranh tụng tại tòa, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án điều tra lại bằng cách siết chặt quy định được huỷ án, được điều tra bổ sung.

Luật sư Ngô Ngọc Trai nói rằng việc cho phép tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là quy định bất cập, khiến các vụ án bị xoay vòng. Theo luật sư Trai, nên có quy định giới hạn về số lần viện kiểm sát được quyền truy tố, nếu không đủ căn cứ thì cần đình chỉ vụ án, trả tự do cho bị can.

Theo trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Toà án quân sự trung ương), án bị kéo dài lòng vòng xuất phát từ con người áp dụng pháp luật, việc điều tra, truy tố không chặt chẽ, áp dụng pháp luật sai.

“Hiện nay có tình trạng kháng nghị giám đốc thẩm hủy án tràn lan mà không hiểu hậu quả sẽ thế nào. Việc kháng nghị, giám đốc thẩm huỷ án đã dẫn đến tình trạng vụ án bị hủy đi huỷ lại nhưng không giải quyết được vấn đề gì.

Trong khi đó, quy định căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quá rộng. Có vụ án thi hành xong rồi vẫn kháng nghị mà không cần biết kháng nghị xong thì sẽ giải quyết như thế nào” – ông Độ nói.

Ông Ngô Cường – vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế TAND tối cao:

Hiện nay chúng ta còn đặt nặng việc “đấu tranh tội phạm đến cùng”. Cộng với quy định thẩm phán được quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung khi vụ án còn một số vấn đề chưa được làm rõ đã dẫn đến tình trạng vụ án bị xoay vòng. Đó là bất cập cần sửa đổi.

TÂM LỤA