15/11/2024

Trần ai xử phạt “ma men”

Để giảm thiểu tai nạn giao thông do say xỉn, nhiều đội CSGT trên địa bàn TP.HCM thường xuyên ra quân xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo chân CSGT nhiều đêm, PV Tuổi Trẻ ghi nhận chuyện xử phạt “ma men” không hề đơn giản…

 

Trần ai xử phạt “ma men”

Để giảm thiểu tai nạn giao thông do say xỉn, nhiều đội CSGT trên địa bàn TP.HCM thường xuyên ra quân xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo chân CSGT nhiều đêm, PV Tuổi Trẻ ghi nhận chuyện xử phạt “ma men” không hề đơn giản…

 

 

 

Trần ai xử phạt “ma men”
Đủ kiểu năn nỉ khi bị CSGT lập biên bản vì có men bia rượu khi lái xe – Ảnh: S.BÌNH

Đêm 26-10, tổ công tác đội CSGT Rạch Chiếc (Phòng CSGT đường bộ – đường sắt Công an TP.HCM) phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động ra quân xử phạt nồng độ cồn.

Khoảng 20g30 cùng ngày, các chiến sĩ trang bị dụng cụ, tập trung lực lượng gần trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội (thuộc P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức). Do “người say không chịu say”, tổ công tác rất vất vả mới lập biên bản được 8 trường hợp ôtô vi phạm trong khoảng ba tiếng!

Gặp phải “trùm nhây”!

21g ngày 26-10, ông Y.H. (33 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc) điều khiển ôtô chở bạn bè hướng từ Đồng Nai về TP.HCM. Khi xe đến trạm thu phí bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Tín hiệu máy đo báo ông Y.H. có hơi men, nên CSGT hướng dẫn ôtô qua trạm thu phí đến một chốt cạnh đó tiến hành kiểm tra.

Phải mất một thời gian, tổ công tác mới thuyết phục ông Y.H. ngậm máy đo nồng độ cồn với chỉ số 0,154 mg/lít khí thở. Ông Y.H. ăn mặc lịch sự, luôn hợp tác với tổ công tác nhưng khổ nỗi ông không rành tiếng Việt, nên CSGT phải “căng lỗ tai” ra nghe giữa xa lộ ồn ào.

Nghe xong, CSGT phải “múa tay múa chân” giải thích cho ông Y.H. hiểu vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên phải chờ đến khi bạn ông Y.H. xuất hiện, CSGT mới thở phào nhẹ nhõm và lập biên bản vi phạm.

Khi đang làm nhiệm vụ, một nhóm CSGT, cảnh sát cơ động nhận điện thoại tăng cường tiếp ứng cho một CSGT đang bị “thất thế” trước hai người trong ôtô sang trọng. Người điều khiển xe là ông D.B.H. (55 tuổi, ngụ Q.9), chở theo bạn đến trạm thu phí bị CSGT chặn lại kiểm tra nhưng ông không hợp tác.

Sau thời gian thuyết phục, ông H. cùng bạn mới chịu xuống xe, giọng lè nhè: “Uống một chai thôi, không cần đo”.

CSGT giải thích: “Uống mấy chai cũng phải đo”. Lúc này ông H. “ngậm miệng biết bao lâu” mới cho ra kết quả 0,378 mg/lít khí thở.

Thuyết phục mãi ông H. mới chịu ký kết quả đo nồng độ cồn, rồi theo CSGT đi đến chốt cạnh đó giải quyết. Tuy nhiên, ông H. cùng người bạn không chịu cho lập biên bản khiến CSGT phải thuyết phục “gãy lưỡi”.

Ông H. cùng người bạn cứ đi lòng vòng, điện thoại, xin xỏ, phân bua… đến khi trời về khuya, chỉ còn lại hai chiếc xe vi phạm. Thấy tổ công tác “cứng cựa” nên cả hai mới chịu ký nhận biên bản, đón taxi đi về…

Lúc này, tổ công tác tập trung giải quyết hai “trùm nhây” trên ôtô cuối cùng vi phạm. Đó là chiếc xe do ông M.T.L. (44 tuổi, quê Thanh Hóa) điều khiển. Khó khăn lắm tổ công tác mới mời được ông L. xuống xe giải quyết.

Tuy nhiên khi đo nồng độ cồn, ông L. chỉ ngậm hờ ngoài miệng không chịu thổi, khiến cả chục lần CSGT phải nhắc nhở. Cuối cùng máy đo cũng cho ra kết quả 0,301 mg/lít khí thở. Nhìn kết quả, ông L. nói: “Ai kiểm tra nồng độ cồn phải xuất trình cho coi giấy”.

Một CSGT trả lời: “Anh được quyền khiếu nại sau này, còn bây giờ không được kiểm tra ngược lại chúng tôi”. Người đàn ông đi theo ông L. vung tay ra vẻ “đàn anh”: “Cho hỏi người nào bắt cái lỗi vi phạm này?”.

Một CSGT đáp lại: “Tổ công tác đang làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn, không có người nào bắt ai!”.

Dây dưa không hợp tác, ông L. cùng người bạn đi lòng vòng rồi chuyển qua bắt bẻ cái máy đo nồng độ cồn không đúng, cần phải có cơ quan xác nhận chất lượng. “Tôi uống một lon bia mà các anh nói vi phạm bao nhiêu phần trăm, nói tôi say, tôi không chịu!” – ông L. nói.

Một CSGT trả lời: “Anh uống bao nhiêu sao chúng tôi biết được”. Ông L. tiếp lời: “Nếu các anh nói máy đo đúng thì phải đưa đây cho tôi kiểm tra”. Một CSGT giải thích: “Máy móc của tổ công tác đang sử dụng đã được Bộ Công an kiểm định rồi mới cấp cho hoạt động”.

Ông L. cùng người bạn cứ “nhây” đến hơn 22g30, khiến thời gian của tổ công tác trôi qua hết ca. Khi yêu cầu xuất trình giấy tờ, tổ công tác phát hiện giấy tờ xe của ông L. không hợp lệ. Lúc này ông L. trao đổi với tổ công tác rằng CSGT bắt lỗi nồng độ cồn là sai, còn ông sai về giấy tờ xe nên ông L. yêu cầu “xử huề”.

“Trời ơi trời, vi phạm mà còn đòi xử huề” – câu nói của một CSGT khiến nhiều người đang mệt mỏi cũng không nhịn được cười.

Cuối cùng gần 23g, tổ công tác phải điện thoại cho công an phường, gọi xe cẩu đến đưa xe của người vi phạm về công an phường giải quyết.

Khi xe cẩu đến, lúc này ông L. cùng người bạn đang nằm nghỉ trong xe mới chịu giải quyết bằng cách không để cẩu xe, mà cho CSGT lái ôtô của họ về công an phường…

Trần ai xử phạt “ma men”
Đủ kiểu năn nỉ khi bị CSGT lập biên bản vì có men bia rượu khi lái xe – Ảnh: S.BÌNH

Năn nỉ, hối lộ, cầu cứu… trợ giúp

Hơn 22g ngày 27-10, tổ công tác đội CSGT Bến Thành tập trung lực lượng tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Văn Cừ, nơi tiếp giáp nhiều quận, để xử phạt nồng độ cồn. Chỉ trong thời gian ngắn, tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hơn chục xe máy vi phạm với nhiều chuyện bi hài của “ma men”.

Người “dính” đầu tiên là ông T.H.H. (32 tuổi, ngụ Q.5). Ông H. điều khiển xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Văn Cừ bị chặn lại kiểm tra. Ông H. tỏ ra tỉnh táo như chưa hề đụng đến rượu bia. Miệng ông lí nhí: “Uống gì đâu”. Khi CSGT đưa máy đo thì ông H. chỉ đặt lên miệng nín thở hoặc hít vào.

CSGT nhắc hơn chục lần nhưng ông cứ mím môi, khiến CSGT dừng máy đo nói: “Không được giỡn”. Rồi CSGT phải làm động tác thở đều một hơi nhẹ cho người vi phạm học theo. CSGT yêu cầu ông thực hiện lại nhưng ông này cứ nín miệng như cũ.

Có lẽ do nín quá nên bất ngờ ông H. phải thở mạnh và máy đo báo 0,846 mg/lít khí thở. Lúc này ông H. mới “kêu trời” bởi mức phạt đến 7,5 triệu đồng…

Với trường hợp của T.Q.H. (24 tuổi, ngụ Quảng Nam) khi bị CSGT thổi còi, H. chạy vượt qua tổ CSGT một tí rồi dừng lại, không đợi đo nồng độ cồn hay xuất trình giấy tờ, rút tiền cầm trong tay đưa CSGT. Một CSGT nhắc không được hối lộ, cần phải đo nồng độ cồn. Tuy miệng ngậm máy đo nhưng tay H. cứ lén đưa tiền, buộc CSGT nhắc liên tục.

Kết quả đo của H. là 0,657 mg/lít khí thở nên bị lập biên bản, nhưng H. vẫn tiếp tục động tác đưa tiền. Bị CSGT đòi xử thêm tội đưa hối lộ, H. mới chịu lập biên bản, đón xe ôm đi về nhà…

N.H.T. (29 tuổi, ngụ Long An) lái xe máy chở bạn gái bị thổi lại để kiểm tra. T. ngậm máy đo cho kết quả 0,603 mg/lít, CSGT yêu cầu lập biên bản nhưng T. liên tục năn nỉ. Thấy vậy, bạn gái nói nhỏ vào tai bạn trai rồi móc điện thoại điện.

T. cứ ngồi “cà kê” câu thời gian, không chịu cho lập biên bản, còn cô bạn đi lòng vòng điện thoại. Một lát sau, cô gái sà luôn xuống ghế ngồi, đưa điện thoại vào tai CSGT đang ngồi ghi biên bản.

Dù bực mình nhưng CSGT bị “vô thế” nên hỏi lại: “Anh là ai, không giúp được gì đâu”. Sau đó CSGT tắt điện thoại, tiếp tục lập biên bản, cô gái đứng lên tiếp tục điện thoại nhờ người thân…

Còn trường hợp ông Đ.N.D. (34 tuổi, quê Bắc Giang) khi đang dừng chờ đèn đỏ, CSGT đã yêu cầu đo nồng độ cồn và cho kết quả 0,603 mg/lít. Khi ông được hướng dẫn đến bàn lập biên bản vi phạm thì CMND “tơi tả” đọc không ra, CSGT hỏi ông D. có nhớ số chứng minh, ông D. lắc đầu.

CSGT mở đèn ghi từng số mờ trên CMND để lập biên bản. Khi lập xong, CSGT đọc lại cho ông D. nghe. Đến đoạn “mức phạt 3,5 triệu đồng, giam xe 7 ngày, giữ bằng lái 3 tháng”, ông D. giật mình, móc ra bao thuốc lá, rít một hơi thật dài…

Sau đó, ông D. bắt CSGT phải đọc lại lần nữa rồi nói: “Mấy ông không có quyền kiểm tra người không lái xe máy trên đường bởi tôi đang dừng đèn đỏ”. Hiểu bị “nhây”, CSGT cố gắng giải thích nhưng ông D. không chịu ký nhận biên bản.

Nhiều CSGT phải đến giải thích nhưng ông D. đứng dậy đi lang thang, tay cầm điện thoại nói chuyện dưới trụ đèn đường. Thấy chờ lâu quá, một CSGT đến yêu cầu ông D. ký biên bản nhưng ông quát lại: “Tôi đang tư vấn pháp luật coi mấy ông làm đúng sai”. Rồi ông D. càm ràm thêm mấy câu mới chịu ký vào biên bản.

Xử phạt trên 21.000 vụ

Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho biết theo thống kê từ đầu năm đến nay, CSGT đã xử phạt 21.195 vụ liên quan đến nồng độ cồn. Trong đó có 498 vụ liên quan đến người điều khiển ôtô, 20.697 vụ liên quan đến người điều khiển xe máy.

Trung tá Nguyễn Văn Hội, đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết CSGT rất khổ sở khi xử phạt nồng độ cồn bởi người say xỉn thường phản ứng lè nhè, không chịu hợp tác, rồi tự nhận con cháu “ông này bà kia”.

Có người say xỉn quá liều mạng, nằm trên xe hoặc đòi tự tử… Nhưng CSGT phải bình tĩnh thuyết phục, giải thích, cương quyết làm đến nơi đến chốn để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo PC67, khi điều khiển ôtô và các loại xe tương tự ôtô trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở thì phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng, tạm giữ xe 7 ngày; hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở thì phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng, tạm giữ xe 7 ngày; hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở thì phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

Người điều khiển môtô, xe máy trên đường mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,25-0,4 mg/lít khí thở thì phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng, tạm giữ xe 7 ngày; hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở thì phạt tiền 5-7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng, tạm giữ xe 7 ngày.

SƠN BÌNH – TẤN ĐỨC