Vì sao án ma tuý bị tắc?
Dù có đầy đủ thông tư liên tịch, công văn hướng dẫn nhưng quy định giám định hàm lượng ma tuý vẫn khiến các cơ quan tố tụng gặp phải nhiều vướng mắc, dẫn đến án ma tuý bị tồn đọng kéo dài.
Vì sao án ma tuý bị tắc?
Dù có đầy đủ thông tư liên tịch, công văn hướng dẫn nhưng quy định giám định hàm lượng ma tuý vẫn khiến các cơ quan tố tụng gặp phải nhiều vướng mắc, dẫn đến án ma tuý bị tồn đọng kéo dài.
Những tranh cãi về giám định hàm lượng ma tuý suốt hai năm qua vẫn chưa dừng lại, khi mới đây ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 tiếp tục đưa quy định “phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy” vào luật.
Càng nhiều quy định càng vướng
Suốt một thời gian dài, quy định “trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất” tại thông tư liên tịch (TTLT) số 17 năm 2007 không được thực hiện.
Lý do theo các cơ quan tố tụng, hướng dẫn này không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu không thống nhất và không phù hợp với quy định tại BLHS năm 1999.
Trong khi hướng dẫn trên chưa được sửa đổi thì TAND tối cao ban hành công văn số 234 và thông báo số 264 quy định việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc, để từ đó xác định trọng lượng chất ma tuý làm căn cứ xử phạt.
Khi thực hiện công văn 234 và thông báo 264, phần lớn TAND đã quyết định trả hồ sơ vụ án cho viện KSND với lý do chưa giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là ma tuý. Viện KSND tiếp tục trả hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Việc này đã dẫn đến tình trạng giám định, trả hồ sơ nhiều lần gây ách tắc trong quá trình giải quyết án ma túy.
Sau nhiều tranh cãi, liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương đã ban hành TTLT số 08 sửa đổi, bổ sung TTLT số 17.
Sau đó, TAND tối cao tiếp tục ban hành công văn quy định thêm các trường hợp phải giám định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy mà TTLT 08 không quy định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng thông tư và công văn nêu trên vẫn gặp nhiều vướng mắc.
“Nhiều vụ án ma tuý không xử được nếu căn cứ vào kết quả giám định hàm lượng ma tuý trong trường hợp ma túy thu giữ rất ít, không đủ khối lượng để giám định.
Đối với các vụ án truy xét, nhiều trường hợp bị can bị khởi tố chỉ căn cứ vào lời khai của các đồng phạm nên sẽ không có vật chứng để giám định.
Hiện nay, cả nước chỉ có Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội mới có đủ điều kiện giám định hàm lượng chất ma túy. Việc này đã dẫn đến sự quá tải, không thể thực hiện được, không đảm bảo thời hạn phê chuẩn các quyết định tố tụng và xử lý vụ án đúng thời hạn” – bà Dương Thị Ngọc Thuỷ, Viện KSND TP.HCM, cho biết.
Phân biệt đối xử?
Để khắc phục những vướng mắc và tranh cãi nêu trên, khi sửa đổi BLHS năm 2015, ban soạn thảo đã bổ sung quy định phải xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma tuý làm cơ sở cho việc xử lý hình sự đối với các trường hợp phạm tội về ma túy quy định tại khoản 4, các điều từ 248 đến 252 BLHS năm 2015.
Theo đó, đối với những trường hợp người phạm tội về ma tuý bị khởi tố theo khung hình phạt từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình thì sẽ phải xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy.
Trong khi đó, người phạm tội bị truy tố ở khoản 1, 2, 3 của các điều luật lại không cần giám định hàm lượng. Ban soạn thảo lý giải sở dĩ phải quy định như trên vì thực tế chúng ta chưa đủ khả năng thực hiện giám định hàm lượng đối với tất cả các vụ án về ma tuý.
Quy định bất bình đẳng này đã vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia.
Theo bà Dương Thị Ngọc Thuỷ, nếu chỉ thực hiện giám định hàm lượng ma túy các vụ án bị truy tố tại khoản 4 sẽ dẫn đến việc pháp luật hình sự không công bằng đối với người phạm tội bị truy tố ở khoản 1, 2, 3 (không bị giám định hàm lượng).
“Tính chất, mức độ của những người phạm tội ở khoản 4 thường rất nguy hiểm cho xã hội, là các đối tượng chủ mưu cầm đầu, mua bán trọng lượng lớn, siêu lợi nhuận nhưng lại được hưởng các chế định đặc biệt sẽ làm giảm tác dụng đấu tranh, phòng chống tội phạm” – bà Thuý nhận định.
Từ đó, bà Thuỷ kiến nghị việc giám định hàm lượng ma tuý không cần phải bổ sung vào khoản 4 của các điều từ 248 đến 252 BLHS.
Khi báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng cho biết Uỷ ban Tư pháp không tán thành quy định nêu trên.
“Quy định này là không hợp lý, bất bình đẳng vì trong cùng một điều luật, khoản 4 phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích, trong khi đó khoản 1, 2, 3 lại không giám định hàm lượng.
Ví dụ một người mua bán 100g heroin, theo quy định của dự thảo luật sẽ phải giám định hàm lượng. Khi giám định, hàm lượng chất ma tuý chỉ còn dưới 1g, như vậy họ sẽ bị xử với khung hình phạt lên tới 7 năm tù (khoản 7 điều 251).
Trong khi một người khác mua 99g heroin thuộc khoản 3 có khung hình phạt đến 20 năm thì không phải giám định hàm lượng và áp dụng quy định này để xử phạt. Đồng thời, cách quy định nêu trên cũng dẫn đến việc không thể xác định được thẩm quyền xét xử, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự” – bà Nga nói.
Thống kê của Viện KSND TP.HCM cho thấy từ tháng 9-2014 đến tháng 12-2015 còn tồn hơn 1.500 vụ án về ma túy với hơn 2.200 bị can, tỉ lệ giải quyết chỉ đạt 33,67%. Từ ngày 31-12-2015 đến cuối tháng 6-2016 vẫn còn tồn 741 vụ với 1.240 bị can, tỉ lệ giải quyết cũng chỉ đạt 62,69%. |