01/11/2024

Giúp con thoát “ảo”

Có thể hiểu nôm na sống ảo nói về phong cách sống của ai đó không đúng với những gì diễn ra ngoài đời họ, hoặc ám chỉ đến những người mơ màng về cuộc sống thực tại hay những cách thể hiện quá đà trên mạng xã hội, Internet…

 

Giúp con thoát “ảo”

Có thể hiểu nôm na sống ảo nói về phong cách sống của ai đó không đúng với những gì diễn ra ngoài đời họ, hoặc ám chỉ đến những người mơ màng về cuộc sống thực tại hay những cách thể hiện quá đà trên mạng xã hội, Internet…

 

 

 

Giúp con thoát “ảo”

Hẳn là chưa có khảo sát, thống kê để biết rằng bao nhiêu trong chúng ta sống ảo hoặc nửa thực nửa ảo!

Những đứa trẻ không thể thiếu mạng xã hội

Đã nhiều lần, chị M. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) than phiền với tôi rằng: “Hai đứa con tôi mê Facebook nhiều khi quên cả học, nhắc nhở, thậm chí bị la mắng mà vẫn không có chuyển biến”.

Qua chuyện trò với chị M., được biết cả hai con của chị, đứa lớn (đang học lớp 10) cứ hở ra là lên mạng, còn đứa bé (đang học cấp 2) mỗi lần đi học về “chưa kịp buông cặp ra là đã sà vào chiếc máy tính”.

Thậm chí nhiều hôm các bé vừa ăn vừa chat. Hai đứa trẻ nghiện mạng đến nỗi nhiều khi chị chỉ ước rằng giá như con mình mê chuyện học hành bằng 1/2 mê mạng thì hay biết mấy.

Dù biết con mình nghiện mạng xã hội và đã nhiều lần anh chị định cấm con sử dụng Internet hoặc không nạp tiền vào điện thoại, nhưng suy đi tính lại chị cũng không dám vì “ở nhà mình còn kiểm soát được, chứ cấm chúng nó, biết đâu chúng nó lại trốn học đi chơi thì khổ hơn nữa”, chị buồn rầu tâm sự.

Cũng giống chị M., gia đình anh H. (Biên Hoà, Đồng Nai) đã nhiều lần phiền lòng vì chuyện con mê mạng xã hội. Trong đó, biểu hiện rõ nét nhất là việc con học hành mất tập trung, thậm chí là “có chiều hướng đi xuống rõ nét”.

Anh H. đã dùng đến những biện pháp mạnh bằng cách kiểm soát con chặt chẽ hơn, không cho con sử dụng điện thoại di động…, nhưng điều anh chị không ngờ được là cứ mỗi lần đến lớp, đi học thêm con lại có thể mượn điện thoại của bạn vào Facebook, hoặc những dịp khác mà chị không thể biết được như tranh thủ lúc cha mẹ đi vắng, nhà hàng xóm, anh em…

Rõ ràng, xã hội càng hiện đại, trẻ em cũng có quyền thụ hưởng những thành tựu của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc kết nối bè bạn, khai thác tài liệu phục vụ học tập hay trong các nhu cầu của đời sống là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng mục đích Internet, mạng xã hội hoặc lạm dụng nó sẽ dẫn đến hiện tượng sống ảo ở trẻ và có thể gây ra những tác hại không mong muốn.

Hiện tượng sống ảo và vấn đề bạo lực

Gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn video clip có tính chất hung hãn, thậm chí là dã man mà “người trong cuộc” chủ yếu là giới trẻ, trong đó có nhiều học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ai cũng bàng hoàng bởi xu hướng “dã man hóa”, “trẻ con hóa” cũng như sự vô cảm đến tột cùng khi những nữ sinh (vốn chân yếu tay mềm) đang học cấp 2 túm tóc, tát bạn, tấn công bạn bằng mũ bảo hiểm hay những cú đạp thẳng vào mặt của các cô gái “trẻ trâu” mà không mảy may thương cảm.

Và có nhiều người xung quanh nhìn thấy nhưng không ngăn cản… Có phải những mâu thuẫn trong quá trình học tập hay trong chuyện tình cảm đã không còn cách giải quyết nào khác!

Thật đau lòng khi phải hay tin một học sinh lớp 8 đã tự tử, còn một nữ sinh là nạn nhân của hành động đó đã “không muốn sống nữa”.

Nếu lướt mạng xã hội, nhất là Facebook, có thể thấy nhiều bạn trẻ hiện nay thường lên mạng bày tỏ suy nghĩ, tâm tư tình cảm, thậm chí chuyện yêu – ghét hay các mâu thuẫn dù nhỏ trong cuộc sống. Các trạng thái này được sự cổ vũ, kích động bằng các like (thích/quan tâm), các comment (bình luận) hoặc các biểu tượng cảm xúc.

Thậm chí nhiều bạn trẻ lấy số like, comment để chứng tỏ mình “cao” hay “thấp” trong nhóm đó nên một số bạn cố tình hành động bất chấp hậu quả để thu hút được nhiều like, nhiều “còm”.

Thoát “ảo” được không?

Một thực tế phải thừa nhận rằng sống ảo đang có độ phủ sóng khá rộng. Có thể nói nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự tác động của mạng xã hội, do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của bản thân cũng như hiểu biết về pháp luật còn hạn chế của nhiều bạn trẻ.

Chính vì vậy, để phòng tránh hậu quả có thể do sống ảo đem lại, trước hết cha mẹ cần có cách cùng con giải quyết mâu thuẫn, những vấn đề liên quan đến cuộc sống cũng như học tập và các quan hệ bè bạn của con.

Trên thực tế, áp lực từ cuộc sống, công việc và sự xuất hiện mạng xã hội đã tạo ra những khoảng cách thực sự giữa cha mẹ và con cái. Nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm, lắng nghe, tâm sự hoặc cùng con giải quyết một vấn đề khó khăn nào đó.

Cũng có trường hợp trẻ muốn có “thế giới riêng” nên từ chối kết nối mạng xã hội với cha mẹ mình, thậm chí có trẻ còn chặn mọi sự theo dõi của cha mẹ mình trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, dù bị con chặn hay từ chối kết bạn, các bậc phụ huynh cũng nên dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con mình, hoặc sử dụng các kênh khác như thông qua người thân, bè bạn thân thiết… của con để “thâm nhập” vào thế giới riêng của con.

Chỉ cần làm bạn thực sự với con, cha mẹ sẽ có thể giúp con trẻ tự trang bị chiếc “áo giáp” khi đối diện với mạng xã hội, với đời sống nghìn like, trăm “còm” một cách bản lĩnh…

Cha mẹ cũng cần tìm kiếm sự hỗ trợ thông tin bằng kết nối rõ nét với nhà trường và các giáo viên đang dạy con mình nhằm mục đích phát hiện sớm nguy cơ và cùng nhà trường, giáo viên giải quyết tận gốc các vấn đề mà trẻ đang gặp phải.

Thực tế, có nhiều trẻ không dám tâm sự với bố mẹ, thầy cô những khó khăn do sợ bị la mắng, bị trả thù hoặc do không nhận được sự đồng cảm, can thiệp kịp thời nên có những suy nghĩ hoặc hành động tiêu cực dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử…

THS NGUYỄN QUẾ DIỆU