01/11/2024

Vé số, ve chai và giấc mơ 
đến trường…

11g đêm một ngày mưa cuối tháng 9, trên con đường gồ ghề đất đá, bóng đèn đường mờ đục phản chiếu hai bóng người một lớn, một bé liêu xiêu trên chiếc xe ba gác lăn bánh chầm chậm.

 

Vé số, ve chai và giấc mơ 
đến trường…

11g đêm một ngày mưa cuối tháng 9, trên con đường gồ ghề đất đá, bóng đèn đường mờ đục phản chiếu hai bóng người một lớn, một bé liêu xiêu trên chiếc xe ba gác lăn bánh chầm chậm. 

 

 

 

Vé số, ve chai và giấc mơ 
đến trường...
Năm bà cháu – Ảnh: D.P.

Thi thoảng trong chiếc thùng xe che bằng tấm nilông phát ra vài tiếng cười khúc khích. 

Xe dừng lại. Người đàn ông tiến lại gần thùng xe nhẹ nhàng mở lớp phủ nilông ra, ba đứa trẻ tay chân lấm lem từ trên xe leo xuống chạy ùa vào nhà.

Tôi đã khổ còn khiến ổng khổ theo, từ khi về sống chung ổng chưa một lần được sống cuộc sống cho bản thân mình, lúc nào cũng lo lắng cho mấy bà cháu. Cuộc đời cho tôi gặp được ổng là vẫn ưu ái với tôi nhiều lắm

Bà THẠNH

Biến cố gia đình

Bốn đứa trẻ đó là Kiệt, Chung, Thư, Quỳnh, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất 7 tuổi; trông đứa nào cũng già dặn, từng trải hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Cả bốn phải rời quê nghèo theo ông bà vào thành phố mưu sinh đã gần ba tháng nay.

Bà Thạnh, bà nội của các em, có ba người con. Một người lấy vợ xa từ lâu đã không còn liên lạc, người con út bị bệnh não, dù lớn nhưng phải sống dựa hết vào cha mẹ, người còn lại là anh Nguyễn Thành Thạch – cha của bốn đứa trẻ.

Chồng mất sớm, duyên phận đẩy đưa bà gặp ông Cường (thua bà tám tuổi) đồng cảnh ngộ, họ sớm “rổ rá cạp lại” rồi dọn về sống chung như vợ chồng. Tuy không máu mủ ruột rà nhưng ông Cường vẫn ra sức cùng vợ chung tay lo lắng cho bốn đứa cháu kém may mắn trong cuộc đời.

Đang cạo mủ cao su thuê cho các chủ vườn tại xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước thì anh Nguyễn Thành Thạch nhận được điện thoại từ một người bà con xa đang sống tại TP.HCM thông báo có công việc lương ổn định. Anh Thạch khăn gói vào thành phố với suy nghĩ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn để lo cho gia đình.

Sau khi vào thành phố anh được người bà con sắp xếp cho việc chở một số hàng hoá công ty đi giao, nhưng không hề biết những hàng h này là hàng gian. Khi người cầm đầu bị bắt khai ra người chở hàng, anh nhận án 9 năm tù.

Biến cố ập đến bất ngờ, cả gia đình anh Thạch ở quê trở nên điêu đứng, mẹ của những đứa trẻ cũng bỏ nhà đi sau đó ít lâu để lại bốn đứa nhỏ cho ông bà nội. Sau thời gian làm thuê cuốc mướn, sức khỏe yếu dần, hai ông bà không thể lo xuể cho bốn đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi học.

Một ngày cuối tháng 6, ông bà quyết định tạm ngừng việc học của các cháu để cả nhà dắt díu nhau vào TP.HCM bắt đầu cuộc sống mưu sinh, bỏ lại căn nhà cùng đứa con tật nguyền gửi hàng xóm trông coi.

Cuộc sống những ngày đầu nơi thành phố hoa lệ không hề dễ dàng. Trước cảnh không bà con, không nhà ở, mọi thứ đều lạ lẫm, cả gia đình ngày đi lang thang, tối về ngủ tạm công viên.

Rồi một người phụ nữ thấy hoàn cảnh đáng thương của mấy bà cháu nên đã dẫn đi tìm cho một căn nhà trọ tại một con hẻm nhỏ trên đường Tạ Quang Bửu (Q.8, TP.HCM).

Vé số, ve chai và giấc mơ 
đến trường...
Ông Cường và đứa cháu nội lớn của vợ – Ảnh: D.P.

Cuộc mưu sinh

Căn phòng ẩm thấp rộng chừng 15m2 có hai tầng nằm sâu trong một con hẻm nhỏ là nơi trú ngụ của ông bà và các cháu. Hai ông bà và bốn đứa trẻ sinh hoạt phía dưới, phía trên gác chủ trọ cho một người khác thuê.

Nơi họ ở bốn bề lợp tôn, nắng thì nóng, mưa thì dột nước chảy lênh láng khắp nền nhà, những ngày này mưa nhiều có đêm cả nhà phải thức trắng vì nước tràn vào không ngủ được. Mỗi tối về sau một ngày vất vả lao động, đám trẻ lại nằm co cụm, chen chúc nhau dưới nền nhà lạnh lẽo.

Biết được hoàn cảnh của ông bà nên chủ trọ nơi bà đang sinh sống cũng cảm thông không lấy tiền theo tháng, mỗi ngày đi làm về ông bà chỉ việc trích ra 20.000 đồng đóng tiền nhà là được.

Khi ổn định được chỗ ở, mấy bà cháu được một phụ nữ giúp đỡ dẫn tới các cửa hàng vé số quen nhận vé số đi bán mà không cần thế chấp tiền cọc trước. Khi bán xong mới nhận tiền lại và đi lấy vé cho mấy bà cháu bán ngày tiếp theo.

Công việc của họ bắt đầu từ 7g sáng và kết thúc lúc 11g đêm. Mỗi sáng sau khi cơm nước, mấy bà cháu vội vàng đón xe buýt qua khu chợ Kim Biên để bán, hai đứa lớn thì chia nhau ra, còn bà dắt theo con bé út. Một ngày nhận chừng 200 vé, bán từ chiều tới tối khuya mới về nghỉ, công việc của họ cứ thế lặp lại vào ngày kế tiếp.

Còn ông nội của các em đóng một chiếc xe ba gác, hằng ngày ông chở Kiệt, đứa bé lớn nhất trong mấy anh em, từ Q.8 sang Q.10 để nhặt ve chai, sau đó chở ngược về lại Q.8 để bán cho các vựa. Mỗi ngày cả gia đình kiếm được chừng 200.000 đồng, đó là chi phí sinh hoạt cho cả sáu người.

Không biết chữ, sức khỏe lại yếu, hai ông bà không thể tìm được một công việc nhẹ nhàng và ổn định hơn để lo cho các cháu.

“Giá mà tôi với ổng có chút sức khoẻ, có chút học vấn thì vấn đề xin việc sẽ dễ dàng hơn, giờ già vậy ai nhận. Không muốn các cháu phải theo ông bà bươn chải khắp nơi tìm cái ăn nhưng mà hoàn cảnh vậy rồi, sao né được” – bà Thạnh nghẹn ngào.

Có những lúc áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng khiến ông bà không ít lần muốn buông bỏ các cháu nhưng sợi dây huyết thống dễ gì nói cắt là cắt được. Sau những lần suy nghĩ tiêu cực ấy, ông bà lại động viên nhau cố gắng nuôi các cháu đến lúc cả bốn trưởng thành để có thể tự lo liệu cho cuộc sống riêng mình.

“Tôi đã khổ còn khiến ổng khổ theo, từ khi về sống chung ổng chưa một lần được sống cuộc sống cho bản thân mình, lúc nào cũng lo lắng cho mấy bà cháu. Cuộc đời cho tôi gặp được ổng là vẫn ưu ái với tôi nhiều lắm” – bà Thạnh chia sẻ.

“Sao chưa về học lại hả nội?”

Buổi trưa cả gia đình lại hẹn nhau tụ lại tại căn chòi ở công viên trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) để ăn cơm và nghỉ ngơi.

Thư ngồi phịch xuống, gương mặt đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại sau khi lội bộ quanh khu chợ Kim Biên để bán xấp vé số được giao. Cô bé 9 tuổi là chị thứ ba trong nhà thở dài nói với bà Thạnh: “Sáng giờ mà con còn hơn 30 tờ lận. Mà đến bữa nay sao chưa về đi học lại hả nội. Nội nói đi ít bữa rồi về mà?”.

Nghe cháu hỏi bà Thạnh lau vội dòng nước mắt rồi quay đi hướng khác, câu hỏi còn bỏ ngỏ vì chưa tìm được câu trả lời nào khác ngoài những lần khất hẹn với những đứa trẻ.

“Đầu năm học, dưới quê có gọi điện lên vận động cho các cháu về đi học nhưng giờ cái ăn còn chưa đủ, lấy gì cho mấy đứa đi học. Nhiều lúc thấy mấy đứa nhỏ bằng tuổi cháu mình cắp sách đến trường, nghĩ đến sắp nhỏ tôi chỉ biết nuốt ngược nước mắt vào trong” – đó là tâm sự của một người đàn bà nghèo khắc khổ đang đứng trước mặt tôi.

Bé út Ngọc Quỳnh vừa học xong lớp 1 thì theo ông bà và các anh chị vào thành phố mưu sinh. Cô bé nhút nhát, ai hỏi gì cũng chỉ cười rồi rúc vào người bà nội.

Còn Kiệt là anh cả trong gia đình, được đi học tới lớp 4 và cũng từng đạt nhiều thành tích trong học tập nhưng phải bỏ ngang sau khi cha đi tù.

Khi nghe em gái hỏi ngày về, Kiệt nằm quay sang chỗ khác, khoé mắt cậu bé rơm rớm nước mắt. Có lẽ Kiệt nhận thức được ngày về nhà để đi học lại của mấy anh em mình còn rất xa.

Vé số, ve chai và giấc mơ 
đến trường...
Bà Thạnh và hai đứa cháu gái bán vé số trên hè phố Sài Gòn – Ảnh: D.P.

Ông Trịnh Minh Tuất (trưởng ấp Sóc 5, xã Tân Hiệp, Hớn Quảng, Bình Phước) cho biết gia đình bà Thạnh là một hộ khó khăn tại địa phương. Vào năm 2011 địa phương đã tổ chức xây dựng và trao tặng một căn nhà tình nghĩa cho gia đình bà.

Thời gian gần đây bà Thạnh cùng chồng và các cháu nhỏ đã rời địa phương vào TP.HCM. Chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động bà đưa các cháu trở về để tiếp tục việc học nhưng chưa được.

DUYÊN PHAN