Khó xử khi “Tây” phạm luật giao thông
Chỉ cần một khoản tiền nhỏ, để lại hộ chiếu, bất cứ người nước ngoài nào cũng có thể thuê xe máy để vi vu khắp nơi…
Khó xử khi “Tây” phạm luật giao thông
Chỉ cần một khoản tiền nhỏ, để lại hộ chiếu, bất cứ người nước ngoài nào cũng có thể thuê xe máy để vi vu khắp nơi…
Một người nước ngoài không đội mũ bảo hiểm chạy xe máy trên đường Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) – Ảnh: NGỌC DƯƠNG |
Theo quy định, người nước ngoài muốn chạy xe máy tại VN phải trên 18 tuổi, được cư trú, làm việc, học tập tại VN, có giấy phép lái xe (GPLX) chuyển đổi từ nước sở tại sang GPLX của VN… Tuy nhiên, nhiều người chưa đủ các điều kiện trên vẫn dễ dàng thuê xe máy để lưu thông.
Thuê xe quá dễ
Tại khu vực trung tâm TP.HCM, nhiều cửa hàng gắn bảng cho thuê xe với giá từ 100.000-200.000 đồng/ngày tuỳ loại xe. Chủ một cửa hàng ở phố Tây (Q.1) cho biết khách chỉ cần đưa hộ chiếu, nếu không có hộ chiếu thì đặt cọc.
Ở khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng có khá nhiều cửa hàng cho thuê xe máy. Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Các cửa hàng còn có dịch vụ giao xe tận nơi cho khách có nhu cầu thuê.
Còn tại TP Nha Trang (Khánh Hoà), dạo một vòng các tuyến đường trung tâm như Biệt Thự, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Phú… không khó để bắt gặp những biển quảng cáo cho thuê xe máy bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Nga, Trung Quốc. Người cho thuê xe không quan tâm khách là người nước nào, có đủ điều kiện tham gia giao thông hay không…
Bãi cho thuê xe máy M trên đường Biệt Thự với đủ loại xe, giá thuê xe dao động từ 150.000-250.000 đồng/xe/ngày.
Xử lý như thường
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, người nước ngoài nếu vi phạm Luật giao thông đều bị xử lý như công dân VN. Nếu người vi phạm và CSGT không hiểu ngôn ngữ của nhau hoặc người vi phạm bất hợp tác thì CSGT có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ được pháp luật cho phép.
Còn theo luật sư Vũ Mạnh Quỳnh, trong trường hợp người nước ngoài vi phạm có hành vi chống đối thì có thể bị xử lý về hành vi cản trở hoặc chống người thi hành công vụ. Trong các trường hợp này, CSGT nên phối hợp cùng công an địa phương xử lý.
Luật sư Nông cho biết pháp luật cho phép người ngước ngoài cư trú hợp pháp tại VN có quyền quy đổi GPLX của quốc gia mình sang GPLX theo quy chuẩn VN. Thủ tục này rất rõ ràng và đơn giản.
Còn theo luật sư Quỳnh, riêng trường hợp bằng lái ở các quốc gia lưu thông bên trái như Anh, Singapore, Úc thì có thể bị yêu cầu kiểm tra lý thuyết khi muốn quy đổi bằng lái VN. “Đối với trường hợp thi từ đầu thì đang là một trở ngại vì hiện nay chưa có bộ hướng dẫn lý thuyết, đề thi, quy trình thi bằng tiếng Anh cho người nước ngoài” – luật sư Quỳnh nói.
Còn nhiều vướng mắc
Theo luật sư Quỳnh, hoạt động cho người nước ngoài thuê xe máy hiện nay còn rất sơ khai. Bên cho thuê chỉ yêu cầu người thuê cung cấp bản sao hộ chiếu và tiền cọc.
Ở một số nước phát triển, hoạt động cho thuê xe được thực hiện chuyên nghiệp hơn (yêu cầu người thuê xuất trình bằng lái, thẻ tín dụng, hộ chiếu và phải mua bảo hiểm bắt buộc cho người điều khiển).
Trong khi đó, hạ tầng giao thông và hệ thống bảng hiệu ở VN có nhiều khác biệt so với quy chuẩn quốc tế: vị trí đặt bảng, kích cỡ, dấu hiệu… Đơn cử, bảng hiệu giao thông đô thị thường bị che lấp hoặc nằm giữa “rừng” biển hiệu quảng cáo các cửa hàng, quán ăn…
Luật sư Quỳnh kiến nghị Chính phủ nên tham khảo quy định một số quốc gia như Đức về trách nhiệm liên đới của chủ xe trong quy trình xử lý vi phạm giao thông.
CSGT có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng (hình ảnh) về việc vi phạm, sau đó ra quyết định xử phạt và gửi về cho chủ xe. Chủ xe có nghĩa vụ nộp phạt và tự tìm người điều khiển xe để giải quyết với nhau.
Khi làm việc với người nước ngoài vi phạm giao thông, không ít trường hợp cố tình không hiểu tiếng Anh (nói bằng ngoại ngữ khác), hoặc khả năng tiếng Anh của CSGT còn hạn chế, gây khó khăn khi xử lý.
Một cán bộ đội CSGT TP Nha Trang cho biết thấy các “ông Tây” chạy xe máy vi phạm giao thông nhưng không biết xử lý ra sao. “Dừng xe xong rồi không biết nói thế nào về lỗi họ vi phạm để lập biên bản, xử lý” – vị này nói.
Đại tá Nguyễn Văn Cảnh, trưởng Phòng CSGT Công an Khánh Hoà, thừa nhận việc xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông “khá lúng túng vì trình độ ngoại ngữ của CSGT còn hạn chế”.
Vừa xử vừa hướng dẫn
Trung tá Huỳnh Trung Phong, phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM, cho biết khu vực trung tâm TP là nơi có nhiều người nước ngoài lưu trú, đi lại bằng xe máy. Một số điểm cho thuê xe không quan tâm đến việc người đó có GPLX và có hiểu Luật giao thông VN hay không.
“Khi xử lý, một số người không chịu xuất trình giấy tờ, có thái độ chống đối, bỏ xe lại vì sợ khi được mời về cơ quan làm việc sẽ bị kiểm tra hộ chiếu…” – ông Phong nói.
Theo ông Phong, Phòng CSGT đã thành lập các tổ chuyên đề gồm những người giỏi ngoại ngữ, có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống… để xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông. Việc kiểm tra, xử lý đúng quy định, kết hợp giữa việc xử lý với tuyên truyền, hướng dẫn họ chấp hành nghiêm quy định pháp luật.
Trong khi đó, đội CSGT Công an TP Nha Trang cho biết trong một năm trở lại đây xảy ra nhiều vụ tai nạn do người nước ngoài gây ra, làm hai người chết. Các lỗi vi phạm thường gặp là không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ, chưa có GPLX…
Đội CSGT Công an TP Nha Trang cũng đã tham mưu cấp trên thực hiện chuyên đề về xử lý người nước ngoài vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đội cũng đã phối hợp với cảnh sát kinh tế kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở cho thuê xe máy trên địa bàn…
Thời gian qua có tình trạng một số người nước ngoài chưa chấp hành việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Quan điểm của Phòng CSGT Hà Nội là kiên quyết xử lý nghiêm với những trường hợp này. Tuy nhiên, CSGT cũng xử lý linh hoạt một số trường hợp, ví dụ như họ trình bày mới qua VN du lịch nên chưa nắm rõ luật, chưa kịp mua mũ bảo hiểm… Khi đó CSGT chỉ nhắc nhở rồi yêu cầu họ mua mũ bảo hiểm để lưu thông tiếp. Đại tá ĐÀO VỊNH THẮNG (trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội) |