Chuyện đau lòng từ thi thể bó chiếu
Từ tối 14-9, trên mạng xã hội đã lan truyền tấm ảnh chụp người đàn ông đi xe máy chở phía sau một thi thể bó chặt trong tấm chiếu, nhưng khoảng chiếu gần bánh xe để hở đôi chân.
Chuyện đau lòng từ thi thể bó chiếu
Từ tối 14-9, trên mạng xã hội đã lan truyền tấm ảnh chụp người đàn ông đi xe máy chở phía sau một thi thể bó chặt trong tấm chiếu, nhưng khoảng chiếu gần bánh xe để hở đôi chân.
Tấm ảnh đau lòng làm nhức nhối nhiều người về sự nghèo khó của bà con ở Sơn La – Ảnh: TÙNG HẢI/otofun |
Từ tối 14-9, trên mạng xã hội đã lan truyền tấm ảnh chụp người đàn ông đi xe máy chở phía sau một thi thể bó chặt trong tấm chiếu, nhưng khoảng chiếu gần bánh xe để hở đôi chân.
Chúng tôi đã đi tìm những người trong ảnh và biết được một câu chuyện đau lòng: người anh ruột Lò Văn Muôn không có tiền nên đành phải lấy chiếu quấn thi thể em gái Lò Thị P. và chở về quê bằng xe máy.
Không tiền, quấn thi thể em vào chiếu
Theo cháu ruột của chị Lò Thị P., chị P. năm nay 40 tuổi, người dân tộc Thái, ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, gia đình có 4 anh chị em và chị là con thứ 2. “Gia đình ông cháu làm nghề nông nên rất nghèo, chồng cô P. đã mất năm 2012 và giờ cô ấy cũng mất rồi, để lại con nhỏ mới vào lớp 1 ở với ông ngoại 80 tuổi” – người cháu chị P. cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Sơn – phó chánh văn phòng UBND huyện Quỳnh Nhai – cho hay lãnh đạo huyện đã đến phúng viếng và hỗ trợ 5 triệu đồng với gia đình chị P.. Theo ông Sơn, dù khó khăn, chính quyền xã và bà con các bản trong vùng đã vận động tiền đến thăm hỏi, chia sẻ với gia đình chị P.. |
Theo ông Lương Văn Tuận – giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La, nơi đã điều trị cho chị P., chị vào viện hôm 29-8 trong tình trạng suy kiệt, chỉ nặng trên 30kg, bệnh nhân nghi nhiễm HIV. Những ngày ở bệnh viện, ông Tuận cho biết chị được điều trị tích cực và truyền dịch, sức khỏe cải thiện hơn ngày mới vào.
“Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân có bị cảm một lần sau khi tắm nên sức khỏe càng giảm sút. Ngày 12-9, khi tình trạng của bệnh nhân vẫn rất nặng thì gia đình bệnh nhân xin về, bệnh viện đã giải thích nhưng gia đình vẫn muốn về và bệnh nhân đã rời bệnh viện lúc 10g30 ngày 12-9” – ông Tuận cho biết.
Lãnh đạo khoa chuyên môn trực tiếp điều trị cho bệnh nhân P. cho biết sáng 12-9, chị P. nói bằng tiếng Thái nhiều lần là “muốn về nhà”. “Trong khoa có 2 y tá người Thái đã nói với tôi là bệnh nhân muốn về nhà, sau đó người nhà bệnh nhân đến xin cho bệnh nhân ra viện. Thời điểm ra viện bệnh nhân tỉnh táo, tự đi được, mạch, huyết áp ổn định, chúng tôi cũng đã hỏi tới 4 lần về việc xe đi lại thì người nhà bệnh nhân nói là thuê xe ôm và bệnh nhân đi xe ôm được” – vị này cho biết.
Trong khi đó, anh Lò Văn Muôn nói với Tuổi Trẻ: “Hôm 12-9 sức khỏe P. yếu quá, bệnh viện cũng nói là không chữa được nên chúng tôi xin cho P. về mất ở nhà. Lúc ra viện tôi phải dìu P., cô ấy cũng chỉ nói được thều thào là cho em về nhà. Tôi thuê xe ôm chở P. về vì không có tiền thuê ôtô, cũng không thấy bệnh viện nói về việc cho xe chở cô về, bệnh viện chỉ nói xin cho P. về thì phải viết đơn nên tôi đã viết đơn”.
Trên đường đi, anh Muôn cho biết đoạn đường đầu tiên chị P. ngồi xe máy được, nhưng càng lúc càng yếu dần, đến Hát Lót thì rất yếu và đến Nà Sản (hai địa danh của tỉnh Sơn La) thì chị P. mất, xe ôm không chở nữa. Từ bệnh viện đến vị trí chị P. mất khoảng 30km, trong khi còn hơn 90km nữa mới về tới nhà. Anh Muôn đã nhờ những người dân ven đường mua chiếc chiếu quấn thi thể em gái vào và trực tiếp chở em về quê.
Hơn 90km trên xe máy với người em gái đã qua đời đang lạnh dần ở phía sau, anh Muôn liên tục trào nước mắt. Trên đường đi, có người đã chụp được ảnh và đưa lên mạng xã hội.
Bệnh viện: “Chúng tôi có sơ suất”
Chiều tối 15-9, khi chúng tôi đang viết bài báo này, ông Tuận và đại diện Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La đang trên đường đến thăm gia đình chị P.. Đoàn đi từ lúc 14g, nhưng hơn 17g ông Tuận nói vẫn chưa biết bao giờ mới đến vì đường xấu, xe đang phải qua phà. “Chúng tôi dự định hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng lo đám tang” – ông Tuận cho biết.
Theo ông Tuận, quy định hiện hành bệnh nhân như chị P. khi đi điều trị bên cạnh việc hỗ trợ viện phí còn được chi trả 10 ngày tiền ăn, có xe chuyên chở khi bệnh nặng lên, chuyển viện đúng tuyến hoặc tử vong, hoặc được hỗ trợ 0,2 lít xăng/km trong trường hợp không sử dụng phương tiện chuyên chở của bệnh viện. “Bệnh án hiện bệnh viện còn giữ ghi rất rõ quá trình điều trị và diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân, trong những trường hợp như thế này thì lẽ ra khoa phải báo cáo ban giám đốc, nhưng khoa lại tự xử lý mà không báo cáo. Chúng tôi đã có sơ suất…” – ông Tuận nói.
Tuy nhiên, ông Tuận và đại diện khoa chuyên môn điều trị cho chị P. không trả lời rành mạch được câu hỏi vì sao chị P. lại không có xe đưa về, trong khi chỉ rời bệnh viện 30km là chị tử vong, tức thời điểm chị rời bệnh viện không thể trong tình trạng “ổn định” như khẳng định của đại diện khoa chuyên môn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết không có quy định về việc có xe đưa bệnh nhân về nhà chờ chết vì quan điểm của ngành y là “còn nước còn tát”, nhưng bệnh nhân quá yếu, đi 30km là tử vong mà bệnh viện để đi xe ôm là không đúng về mặt tình, vô cảm khi ở vị trí người thầy thuốc. “Chiều 15-9, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản gửi Sở Y tế Sơn La yêu cầu xác minh vụ việc này nhưng qua những thông tin ban đầu trên báo chí, tôi nhận thấy bệnh viện đã vô cảm với hoàn cảnh của bệnh nhân” – vị này chia sẻ.
Hôm nay 16-9, như dự kiến, anh Lò Văn Muôn sẽ quay lại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La để thanh toán một số chi phí khám chữa bệnh của em gái. Đám tang em đã xong và đúng phong tục của người Thái Sơn La. Trở lại bệnh viện, anh Muôn sẽ được nhận tiền hỗ trợ vận chuyển của bảo hiểm y tế tương đương 0,2 lít xăng/km tính theo quãng đường chở em gái về quê nhà.
Vậy là tạm khép lại một câu chuyện quá buồn!
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ trách nhiệm của bệnh viện Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã có văn bản gửi Sở Y tế Sơn La yêu cầu xác minh vụ việc, làm rõ trách nhiệm của bệnh viện trong việc tổ chức thăm hỏi người bệnh, người nhà bệnh nhân, nắm bắt thông tin về hoàn cảnh và khó khăn của bệnh nhân để có phương án hỗ trợ. Ông Khuê cũng yêu cầu Sở Y tế Sơn La xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, báo về Bộ Y tế trước ngày 23-9. |