Ông Tư ve chai và người vợ tật nguyền
Bên chiếc giường cũ ọp ẹp, lỉnh kỉnh những chai lọ, thuốc men, quần áo cáu bẩn… ông lão lom khom đứng nắn, duỗi thẳng hai bàn chân đang co quắp của người vợ già.
Ông Tư ve chai và người vợ tật nguyền
Bên chiếc giường cũ ọp ẹp, lỉnh kỉnh những chai lọ, thuốc men, quần áo cáu bẩn… ông lão lom khom đứng nắn, duỗi thẳng hai bàn chân đang co quắp của người vợ già.
Ông Nguyễn Tư chăm sóc người vợ già yếu, tàn tật trong căn nhà nhỏ ở thôn Phước Thọ 1 – Ảnh: TIẾN THÀNH |
Ông lão ấy là Nguyễn Tư (83 tuổi) ở thôn Phước Thọ 1, xã Ea Phê, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk, ngày ngày vẫn rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng, thu mua ve chai để nuôi người vợ già yếu, nằm liệt giường nhiều năm nay.
Căn nhà hay đúng hơn chỉ là căn chòi lụp xụp của ông Nguyễn Tư và bà Đoàn Thị Đức (72 tuổi) được chắp vá bằng những miếng tôn, mảnh gỗ mục. Nền nhà bằng đất, ẩm thấp, chật chội không có chỗ để ngồi.
Những lúc ở nhà, ông Tư cứ đứng bên mép giường nhìn vợ cười nói, thậm chí đọc thơ cho vợ nghe. Có lúc thấy tay vợ run run, ông Tư nhẹ nhàng nắm chặt lấy tay vợ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Quảng Nam, ông Tư kể đã từng rong ruổi qua nhiều tỉnh miền Trung và mưu sinh bằng nhiều nghề. Năm 27 tuổi, ông gặp bà Đức rồi nên duyên vợ chồng.
Những tưởng sự cần mẫn và chịu khó làm ăn sẽ giúp hai vợ chồng ông bà có cuộc sống tươm tất. Nào ngờ, trong một lần đi xe thồ, ông Tư bị tai nạn giao thông gãy chân phải. Không có điều kiện chữa trị, ông Tư đành phải chấp nhận cưa bỏ chiếc chân bị nhiễm trùng.
Năm 1973, vợ chồng ông Tư lại quyết định mang theo bốn người con lên Đắk Lắk để lập nghiệp. Hằng ngày ông bà Tư thu mua ve chai, nhưng cảnh sống gia đình vẫn túng thiếu.
Cả bốn người con của ông lần lượt lập gia đình rồi ra ở riêng nhưng cũng vì nghèo khổ, túng thiếu mà thành ra… xa lạ. Chỉ có cô con gái út Nguyễn Thị Hồng đã lấy chồng, hằng tuần vẫn đón xe buýt về thăm cha mẹ.
Ngặt nỗi, cô Hồng cũng… không bình thường. Đã 42 tuổi nhưng cô Hồng vẫn ngây thơ cười nói như trẻ con.
Đều đặn hằng ngày, ông Tư dậy từ 3g sáng để nấu cơm, đặt sẵn trên giường cho vợ ăn trưa. Sau khi thay quần áo cho vợ xong, ông mới lọ mọ dắt xe đạp đi thu mua ve chai cho tới chiều tối.
“Tui lo đi cũng phải lo về để còn lo cơm nước, trò chuyện với bà ấy nữa” – ông Tư nói.
Nghề mua ve chai của ông Tư lỗ nhiều hơn lời. Bà Lương Thị Bình, một người hàng xóm, cho biết: “Ông Tư thương trẻ con lắm. Kiếm được đồng nào ông lại mua kẹo phát cho chúng. Biết tính ông thật thà nên cứ đi mua nhôm nhựa theo mớ rồi lại bán theo cân, cứ lỗ miết vậy chứ có tiền đâu dư dả”.
Nằm trên giường, cứ nhắc đến chồng, bà Đức lại rơm rớm nước mắt. Đã hơn một năm nay sau khi bị tông xe, nhà không có tiền chữa trị, đôi chân bà Đức đã bị liệt hẳn.
Bà nói: “Ông ấy thương tui lắm, đi mua ve chai nếu được ai cho cái gì để ăn ông cũng cứ dành dụm để mang về cho tui hết”.
Bà Nguyễn Thị Cầm, người hàng xóm, kể lại: “Ngày bà Đức bị tai nạn, người ta bỏ chạy để bà nằm chỏng chơ trên đường. Vì bà ấy không ngồi được xe máy, ông Tư vội mượn chiếc xe kéo hàng rồi cứ thế khập khiễng kéo bà đi khắp nơi tìm bác sĩ. Nhìn cảnh ấy ai cũng xót xa…”.
Căn chòi nhỏ của ông bà Tư tuy chật chội, thiếu thốn nhưng sự ấm áp không thiếu. Hằng ngày hàng xóm, thậm chí những người xa lạ ở xã, vẫn qua lại hỏi thăm, có người còn biếu ông bà Tư vài lạng thịt để nấu cháo.
Ai nấy đều thở dài, khâm phục khi thấy cảnh đôi vợ chồng già: “Khổ cực lắm, ấy vậy mà ông bà rất thương nhau”.