Khi con trai rời vòng tay mẹ
Con trai sang Mỹ du học nhờ học bổng sau những ngày đêm lao vào học tập, thì mẹ cũng đêm ngày lao vào cuộc mưu sinh. Mẹ âm thầm chiến đấu với bệnh tật, nỗ lực từng chút một, như con chim tha mồi về tổ, duy trì sự sống cho các con.
Khi con trai rời vòng tay mẹ
Con trai sang Mỹ du học nhờ học bổng sau những ngày đêm lao vào học tập, thì mẹ cũng đêm ngày lao vào cuộc mưu sinh. Mẹ âm thầm chiến đấu với bệnh tật, nỗ lực từng chút một, như con chim tha mồi về tổ, duy trì sự sống cho các con.
Mẹ và con trai có nhiều kỷ niệm gắn bó từ thuở bé (ảnh minh họa) – Ảnh: T.T.D. |
Kiếm tiền nuôi con ăn học giữa trường văn trận bút biết bao nỗi nhọc nhằn. Nhọc nhằn hơn là hàng triệu những bà mẹ phải giải bài toán ăn gì để sống.
Lương thấp. Muốn mua thực phẩm sạch (mà không biết có sạch thật không), vài ba cái quẹt thẻ là hết sạch tiền. Chưa bao giờ không gian sinh tồn bị thu hẹp và đe doạ đến vậy.
Cũng có biết bao mạch máu dẫn về tim của những bà mẹ bị thu hẹp dần theo tháng năm với lo toan chồng chất như mẹ. Biết bao bà mẹ vàng mắt, xanh mặt vì chuyện con cá, nắm rau cho gia đình.
Mẹ chợt nhớ đến bao bà mẹ thương khó, mắt thâm quầng vì suốt đêm thức canh giấc ngủ cho con. Quanh mẹ có biết bao những người phụ nữ tất tả lo bữa cơm cho gia đình, nét mặt đăm chiêu tìm mua thực phẩm sạch khi đồng lương hạn hẹp.
Mẹ thấy những người phụ nữ đó rất đẹp, bởi đó là vẻ đẹp đời thường gần gũi, khiến mẹ thấy mình trong đó, với dấn thân, thương khó, hi sinh và chịu đựng.
Khi con bắt đầu lớn, mẹ nói nhiều với con về giá trị đích thực của một người phụ nữ. Rồi một ngày con sẽ phải lòng một cô gái. Con trai mẹ sẽ lấy vợ, tạo lập một tổ ấm.
Con dâu mẹ không cần đẹp bởi không có phụ nữ nào xấu. Mọi phụ nữ đều đẹp khi được tạo hóa sinh ra với thiên chức cao quý của phụ nữ. Chính sự hi sinh thầm lặng làm nên vẻ đẹp đích thực của cuộc sống.
Mẹ chỉ mong con gặp được người phụ nữ yêu con và lương thiện. Người phụ nữ yêu con đi cùng con những chặng đường khó khăn. Người phụ nữ lương thiện mang đến cho con sự bình yên, ấm áp.
Từ nhỏ, phải chăng vì sự thấu cảm nỗi nhọc nhằn người mẹ mà con trai đã chia sẻ cùng mẹ những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn đằng đẵng. Con không đòi mua đồ chơi mà tự chế những con tàu, chiếc xe từ những miếng gỗ, bìa nhựa… người ta vứt đi.
Con không mê game vì thấu hiểu nếu chơi game người ta cũng chẳng sáng tạo được gì, lại cận thị, lưng còng, ngực lép vì phải ép mình vào máy tính.
Con học võ để được khoẻ mạnh và tự tin. Con mê đọc sách và chuộng thực chất, giản dị. Con tiết kiệm cho mẹ từng đồng mua đồ dùng học tập, nỗ lực giành học bổng tiếng Anh ở trường chuyên giúp mẹ trang trải học phí.
Vào lớp 10, con mua bộ đồng phục dài và rộng để dùng cho suốt ba năm học. Mẹ nói con không nên hà tiện, vì mặc đồ như vậy giảm đẹp trai. Con nhe răng cười: “Nhưng mà đồ đó sau ba năm con cũng đâu còn mặc nữa, mỗi năm mỗi mua phí mẹ à”.
Con không mặc cảm vì đạp chiếc xe đạp cà tàng tới trường, dùng điện thoại cùi bắp. Nộp đơn vào các trường xin học bổng du học, con cứ đắn đo vì sợ mẹ tốn phí quá nhiều. Mẹ dạy con trai: “Tiền là phương tiện, biết dùng đúng mục đích sẽ hiệu quả, miễn đừng phung phí”.
Thấu cảm lời mẹ dạy, con trai sẵn lòng giúp đỡ bạn bè. Tiền bán được bức tranh vẽ tôm cua cá mấy triệu đồng, con sẵn lòng ủng hộ chương trình góp đá xây Trường Sa…
Thấm thoát, con trai mẹ đã 18 tuổi, tốt nghiệp phổ thông, được nhiều trường ở Mỹ cấp học bổng. Con ngồi lại với mẹ chọn trường. Sau khi tìm hiểu, so sánh, con trai quyết định chọn trường vừa phù hợp với nguyện vọng của con vừa trong khả năng trang trải của mẹ vì cùng một lúc mẹ phải nuôi cả hai chị em du học.
Rồi con trai lại động viên mẹ: “Mẹ biết không, con được xem một phim tài liệu về ông Obama. Câu nói làm con thấm thía của ông, đại ý là người chiến thắng không phải là kẻ thông minh nhất, khoẻ nhất mà là người bền bỉ nhất. Có thể hôm nay con không được vào trường như mong muốn nhưng trong tương lai con sẽ bền bỉ, nỗ lực. Không gì là không có thể và con có quyền hi vọng phải không mẹ?”.
Mẹ trả lời con bằng những dòng nước mắt: “Con cứ ước mơ đi vì có ước mơ chúng ta sẽ có hoặc chưa có. Nhưng ngay cả giấc mơ mà cũng không có thì chúng ta sẽ không có gì cả. Mẹ sẽ bền bỉ đồng hành cùng ước mơ của các con!”.
Có quá ít thời gian để chuẩn bị hành lý cho con đi du học. Mẹ xếp vào vali cái này lại lấy ra cái kia, thấy cái nào cũng cần cho con nhưng số ký bị giới hạn.
Cuối cùng, mẹ cũng xếp được vào vali con quyển Truyện Kiều, quyển trường ca Kể chuyện rong về những ngày có giặc của nhà thơ Đỗ Trung Lai vì qua đó con sẽ hiểu được lịch sử dân tộc mình một cách đầy gợi cảm và trách nhiệm.
Mẹ cũng không quên gửi vào vali con một ít biển quê nhà: một gói tôm khô, một hủ muối Bạc Liêu, một chai nước muối súc miệng phòng khi viêm họng… Những thứ thật rẻ tiền nhưng hữu ích, bởi chân ướt chân ráo qua trường, lỡ có cảm cúm cũng tự mình cầm cự được.
Và trong sâu thẳm, mẹ muốn gửi đến con chút gừng cay muối mặn mà trĩu nặng ân tình quê nhà.
Ở nơi nào đó trên giảng đường đại học, con đừng quên chiều chiều có những bà mẹ vàng mắt xanh mặt với nỗi lo mua mớ cá nắm rau sạch lo bữa ăn cho gia đình.
Vì thương con, mẹ tự nhủ mình phải khỏe để bền bỉ đồng hành cùng ước mơ của con. Nhưng ngước mắt nhìn ra, mẹ cũng không biết ăn gì để đảm bảo được sức khoẻ.
Ôi, mơ ước của những người phụ nữ thầm lặng làm trụ cột gia đình thật giản dị mà thật không dễ dàng. Một bữa cơm an toàn cho gia đình lấy đi quá nhiều tâm lực của những người phụ nữ thì còn đâu thời gian để tư duy, sáng tạo, kiếm tiền nuôi con.
Giữa bộn bề lo toan, con trai gọi về bộc bạch: “Mẹ à, con xin học bổng ngành kinh doanh quốc tế nhưng con sẽ học thêm ngành phụ là môi trường hoặc giáo dục, bởi đó là những ngành học thật sự quá cần cho con người. Bất cứ nơi đâu cũng cần môi trường trong lành và mọi sự thay đổi, bắt đầu từ giáo dục!”.
Ôi con trai, con cứ ước mơ đi. Dẫu mọi chuyện bộn bề nhưng chúng ta có quyền mơ ước.
Cảm ơn con đã động viên ngược lại để mẹ bền bỉ, đồng hành với ước mơ về một cuộc sống an toàn, tươi đẹp!
Con đi du học trong những ngày đất nước ngổn ngang những khó khăn. Mùa nhập học, biết bao tấm lòng chắp cánh cho những ước mơ tới trường. Nhiều bạn bè trang lứa với con vì biển chết, cá chết, đồng chết phải gác lại giấc mơ vào đại học. Nhiều em nhỏ mơ một chiếc xe đạp đến trường. Nơi những vùng đất xa xôi, còn có những học trò gian nan dò từng bước qua những cây cầu đứt gãy, những chiếc bè trên sông, những chiếc thuyền mong manh đối mặt với sóng gió… |