Từ 1-10: ngành đường sắt bán vé tàu tết qua mạng
Thông tin này do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra trong quy định về tổ chức công tác bán vé và vận chuyển hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Từ 1-10: ngành đường sắt bán vé tàu tết qua mạng
Thông tin này do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra trong quy định về tổ chức công tác bán vé và vận chuyển hàng hoá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Cải thiện vệ sinh trên tàu, điều chỉnh giá vé hợp lý là mong muốn của nhiều hành khách. – Trong ảnh: Hành khách chuẩn bị lên tàu tại ga Sài Gòn – Ảnh: HỮU KHOA |
Để vui lòng khách đi tàu, sáng 9-9, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tổ chức buổi họp mặt với khách hàng mua vé thường xuyên, lắng nghe ý kiến đóng góp trong việc phục vụ hành khách đi tàu.
Dành 20% số vé cho tập thể
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu như trên và từ ngày 25 đến 30-9 bán vé cho khách đi tàu tập thể. Sau khi bán vé tàu tập thể xong, các công ty cổ phần vận tải đường sắt phải đưa tất cả các chỗ còn lại lên hệ thống bán vé điện tử để hành khách mua.
Từ ngày 1-10, các công ty tổ chức bán vé cho hành khách trên mạng và các điểm bán vé của ngành đường sắt. Mỗi khách hàng chỉ đặt được mỗi lần không quá 4 vé cho mỗi chiều.
Trường hợp người lớn kèm trẻ em đi cùng (từ 6 đến dưới 10 tuổi) mua vé và ghi vào giấy yêu cầu in sẵn của các ga tàu với nội dung: “Đề nghị mua vé không chỗ cho trẻ em và tự đảm bảo an toàn cho trẻ em khi sử dụng với người lớn”, kèm theo chữ ký của người lớn.
Trường hợp hành khách mua vé ghế phụ trong thời gian cao điểm tết sẽ được bố trí một chỗ ngồi bằng ghế nhựa. Mỗi toa tàu ngồi cứng loại 80 chỗ được bán thêm 12 ghế phụ, mỗi toa giường nằm và các loại toa khác được bán thêm 7 ghế.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các tổ công tác nếu phát hiện hành khách đi tàu không có vé hợp lệ phải kiên quyết mời hành khách xuống tàu.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã lên kế hoạch chạy tàu tuyến Bắc – Nam Tết Nguyên đán Đinh Dậu kéo dài hơn 1 tháng, kể từ 15-1 đến hết ngày 18-2-2017.
Không cần cao sang, chỉ cần sạch sẽ
Tại cuộc họp do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn tổ chức nói trên, bà Nguyễn Thị Thanh, giám đốc Công ty TNHH TM&VT Việt Tân, cho rằng nhà vệ sinh trên tàu chưa được quan tâm đúng mức. Bà Thanh góp ý nên tăng nhân sự trên tàu và bố trí hẳn một người chuyên phụ trách việc dọn dẹp vệ sinh.
Ngoài ra, theo bà Thanh, hiện tàu có loa âm thanh quá lớn và có những toa quá lạnh hoặc quá nóng mà hành khách không thể điều chỉnh được…
Về giá vé, bà Thanh góp ý ngành đường sắt nên xem xét thị phần vận tải so với đường bộ và hàng không để có phương án điều chỉnh giá vé cho phù hợp.
Theo bà Thanh, trong mấy năm qua giá vé tàu liên tục tăng cao, đặc biệt vào ngày cao điểm. Bà Thanh đưa ra ví dụ ngày 29-4 giá vé tàu tuyến Sài Gòn – Đà Nẵng tới 1.150.000 đồng/vé.
Ngoài góp ý nhà vệ sinh trên tàu không sạch sẽ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ du lịch đường sắt Sông Hồng, cho rằng trên mạng đường sắt quảng cáo bán vé vip, nhưng toa tàu bụi dính đầy, chưa tương xứng với giá vé.
Còn ông Nguyễn Minh Đăng Khôi, giám đốc Công ty TNHH du lịch và sự kiện Thiên Phú, phản ảnh trên tàu có đủ loại mùi hôi, từ thuốc lá đến thức ăn khiến hành khách rất khó chịu.
“Theo quy định, người hút thuốc phải ra hành lang ở đầu toa nhưng khi hút xong khói thuốc lại tràn vào trong ảnh hưởng đến khách đi tàu. Cần có biện pháp khử mùi hôi trên các toa” – ông Khôi góp ý.
Ông Nguyễn Thế Vinh, phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Sài Gòn Tourist, nêu mong muốn: “Khách đi tàu chẳng cần cao sang, chỉ cần sạch sẽ, an ninh, an toàn thực phẩm”.
Một số khách mua vé tàu còn thắc mắc vì sao trên tàu không có WiFi. Trả lời vấn đề này, ông Lê Quốc Trung, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, cho biết trước đây công ty đã ký hợp đồng với một đơn vị nhằm đưa WiFi lên tàu. Tuy nhiên, do kết quả chưa được như mong muốn nên đã tạm ngừng…
Dự án đóng mới 30 toa tàu với hơn 300 tỉ đồng Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, hiện công ty đang thực hiện dự án đóng mới 30 toa tàu với chi phí dự kiến hơn 320 tỉ đồng. Theo đó, việc đóng mới một toa tàu giường nằm có chi phí khoảng 12 tỉ đồng, còn toa tàu giường ngồi khoảng 5-6 tỉ đồng. Trước đó, công ty này đã đưa vào sử dụng một toa tàu 28 giường nằm, mỗi khoang 4 giường với các tiện ích hiện đại. Đồng thời, công ty cũng nâng cấp một toa cũ từ 64 chỗ xuống 56 chỗ với nhiều tiện ích… |