09/01/2025

Lo thon thót khi con đi dã ngoại

Nhiều phụ huynh cho biết mình không an tâm khi con đi dã ngoại cùng trường nhưng không cho con đi không được.

 

Lo thon thót khi con đi dã ngoại

 Nhiều phụ huynh cho biết mình không an tâm khi con đi dã ngoại cùng trường nhưng không cho con đi không được.
 
 
 
 

Lo thon thót khi con đi dã ngoại - Ảnh 1.

Học sinh tham gia một chuyến dã ngoại tại Thảo cầm viên (TP.HCM) – Ảnh: Như Hùng

 

Quá lo lắng, không ít phụ huynh đã ‘tháp tùng’ con. 

Con về mới thở phào

Chị H.T.H. có con học tiểu học tại TP.HCM được trường cho đi dã ngoại tại khu du lịch Suối Tiên (Q.Thủ Đức). Vì không an tâm nên chị H. đã đi cùng con.

“Đến đó tôi nghĩ mình rất sáng suốt khi tháp tùng con. Buổi trưa ăn xong, các em đi lang thang trong khu đất rất rộng. Trẻ lớp 1 sao có thể tự ý thức được nguy hiểm rủi ro. Tôi thấy các giáo viên không theo sát nhắc nhở mà tụ họp ngồi tám chuyện. May rằng hôm đó không có chuyện gì xảy ra”.

Còn chị N.T.P. (Q.3) có con học lớp 3 tại TP.HCM cũng kể trường cho con đi dã ngoại ở miền Tây. Nhưng sau hôm đó về con trai chị bị ốm. Hỏi ra mới biết các em ăn xong và xuống hồ bơi tắm ngay.

“Nghe con nói như thế, tôi tìm trên Google địa điểm thì vỡ lẽ hồ bơi ở đây không có mái che. Ăn xong không được tắm, điều đó ai cũng biết nhưng thầy cô đã không quản lý tốt. Từ đó tôi không bao giờ để con tham gia”.

Chị Đ.T.T. có con đang học trường mầm non ở Quảng Ngãi. Trường lên kế hoạch cuối tuần cho học sinh đi dã ngoại ở biển Sa Huỳnh. Đúng ngày đi, thời tiết thay đổi, mưa to và lạnh nhưng trường vẫn đi một ngày. Con về đến nhà an toàn chị T. mới thở phào nhẹ nhõm.

Khâu chuẩn bị là quan trọng nhất

Thường tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, cô Lâm Hồng Lãm Thuý – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) – chia sẻ: “Để an toàn cho học sinh, khâu tổ chức là quan trọng nhất.

Công tác tổ chức, sự quan tâm quán xuyến của giáo viên chủ nhiệm, bảo mẫu, nhân viên đến sự chuẩn bị về y tế, bảo hiểm cho học sinh và cả nơi đến cũng phải an toàn. Địa điểm phải được tiền trạm trước, nắm về địa hình, môi trường, khí hậu để lường trước mọi tình huống. Trước lúc đi, trường cho các em sinh hoạt để dặn dò”.

Theo cô Th, những năm gần đây dã ngoại không đơn thuần là chuyến đi, mà mục đích là hướng nghiệp, cho học sinh thấy thực tế cuộc sống. Ví dụ trồng lúa ra làm sao, bắt cá thì phải như thế nào, làm sao ra được chiếc bánh… Vì thế bản thân giáo viên cũng phải nghiêm túc xem dã ngoại như một tiết dạy.

Cô cũng cho biết lúc ở trường các bé ngoan ngoãn nghe lời nhưng chỉ cần ra môi trường mới lạ, khu vui chơi là trở nên hiếu động và đôi khi không nghe lời thầy cô. Giáo viên cũng cần phải thống nhất kỷ luật với học sinh trong chuyến đi.

Còn cô Đỗ Ngọc Chi – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, TP.HCM – cũng lưu ý: “Dù kết hợp với công ty du lịch nhưng tuyệt đối trường không chủ quan giao hẳn, trọn gói cho công ty như họ đã ký cam kết.

Trường nên phân chia nhỏ số lượng học sinh tham gia trong mỗi lần tổ chức dã ngoại (từ 1 đến 2 khối/lần). Nên khuyến khích phụ huynh đi cùng, vừa trải nghiệm cùng con vừa tương tác với giáo viên để tăng tính an toàn cho các em”.

Càng chặt chẽ càng an toàn

Chị Hồ Hồng Bảo Trâm – giám đốc một công ty giáo dục tại TP.HCM, nơi có khoá học đào tạo kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích – nói: “Đi dã ngoại thì khâu tổ chức chuẩn bị chặt chẽ chừng nào thì mức độ an toàn sẽ càng cao.

Giáo viên phải đảm bảo học sinh hiểu được các kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích cần thiết trước khi tham quan một địa điểm nào đó. Công tác khảo sát, xử lý tình huống, kiểm tra thiết bị cứu hộ và lập sẵn các phương án cứu hộ, ai được cứu hộ và cứu hộ luôn sẵn sàng trong chuyến đi”.