26/12/2024

Ngoại tình: vẫn khó xử lý hình sự

Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành và các BLHS trước đây đều có quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (ngoại tình).

Ngoại tình: vẫn khó xử lý hình sự

 

 Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành và các BLHS trước đây đều có quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng (ngoại tình). 

 

 

 

Tuy nhiên, rất ít trường hợp ngoại tình bị xử lý vì quan điểm giữa các cơ quan tố tụng chưa có sự thống nhất.

Mới đây, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là anh N.H.Đ. và bị đơn là chị C.T.T. (ngụ quận Long Biên), chị T. đề nghị TAND TP Hà Nội xử lý hình sự anh Đ. về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Lúc xử lúc không

Theo lời chị T., khi chị sinh con thứ 2 thì anh Đ. chung sống với người phụ nữ khác và đã có hai con với người đó. Chị T. nộp cho toà hình ảnh anh Đ. chung sống với người phụ nữ đó kèm theo thư từ, tin nhắn giữa hai người.

Chủ tọa phiên toà cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra nên đề nghị chị làm đơn yêu cầu cơ quan điều tra giải quyết. Ông còn cho rằng BLHS năm 2015 đã bị hoãn thi hành, chờ khi nào BLHS có hiệu lực mới có thể xử lý hành vi của anh Đ..

Một số thẩm phán và các luật sư đều cho rằng ý kiến của vị chủ tọa là chưa chính xác, bởi BLHS hiện hành và các BLHS trước đây đều đã có quy định về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Trước đó, TAND Hà Nội từng tuyên phạt anh H.T.D. (ngụ quận Hoàng Mai) hình phạt cảnh cáo về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng.

Anh D. kết hôn với vợ từ năm 2004. Sau 45 ngày sống chung, vợ anh bỏ về nhà mẹ đẻ. Năm 2010, anh D. chung sống và có con với người phụ nữ khác. Vợ anh D. đã làm đơn tố cáo chồng.

Phải có chứng cứ

Ông Đỗ Quảng Oai, phó chánh tòa dân sự TAND TP Hà Nội, cho biết khi xét xử các vụ án hôn nhân gia đình, nếu tòa xét thấy đương sự có căn cứ, dấu hiệu cấu thành tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì HĐXX sẽ có công văn gửi viện kiểm sát đề nghị cơ quan này xem xét, xử lý theo pháp luật.

Thực tế có nhiều trường hợp khi chưa chấm dứt hôn nhân nhưng vẫn chung sống như vợ chồng và có con với người khác.

Theo luật sư Nguyễn Văn Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đối tượng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát…

“Việc thế nào là sống chung như vợ chồng thì TAND tối cao đã có hướng dẫn. Người tố cáo phải có chứng cứ chứng minh vợ hoặc chồng mình chung sống với người khác, có xác nhận của cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương hoặc biên bản xử phạt hành chính về hành vi này…

Nếu có đủ căn cứ thì làm đơn tố cáo gửi cơ quan điều tra đề nghị xử theo quy định của pháp luật” – ông Sơn cho biết.

Nếu vợ/chồng muốn tố cáo hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng của bạn đời thì phải thu thập chứng cứ nộp cho cơ quan điều tra. Việc này mất rất nhiều thời gian nên nhiều người còn e ngại.

Luật sư Nguyễn Văn Sơn

TÂM LỤA – [email protected]