Phiên toà đầy nước mắt từ bàn nhậu đầy rượu
Phiên toà diễn ra đầy nước mắt. Nước mắt đau đớn của người mẹ – đại diện bị hại. Nước mắt khóc tang chồng của con dâu. Nước mắt hối hận của người con trai – bị cáo. Nguyên nhân sâu xa gây ra những giọt nước mắt trên chính là rượu…
Phiên toà đầy nước mắt từ bàn nhậu đầy rượu
Phiên toà diễn ra đầy nước mắt. Nước mắt đau đớn của người mẹ – đại diện bị hại. Nước mắt khóc tang chồng của con dâu. Nước mắt hối hận của người con trai – bị cáo. Nguyên nhân sâu xa gây ra những giọt nước mắt trên chính là rượu…
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần |
Đó là một trong nhiều phiên toà thường thấy ở các tỉnh miền Tây, xử các bị cáo phạm tội khi say rượu. Vụ án tóm tắt như sau: Nhân dịp người quen đến chơi, Huỳnh Văn Lý cùng anh trai là Huỳnh Văn Yên tổ chức lai rai. Sau khi uống hết 1 lít rượu, anh Yên vào võng nằm ngủ, còn Lý đi đám giỗ và uống tiếp.
Đến khoảng 19g, Lý về nhà thấy thau quần áo của anh Yên ngâm từ sáng tới tối vẫn chưa giặt nên cự cãi với anh trai mình. Người anh đánh Lý nhưng không trúng. Lý đánh lại khiến anh Yên té ngã văng vào cạnh bàn gỗ rồi úp mặt xuống nền ximăng.
Người mẹ thấy vậy can ngăn. Thấy đầu của Yên chảy máu, bà nhờ người chở đi bệnh viện cấp cứu, khoảng 5 ngày sau thì người anh tử vong.
“Chính rượu mới là thủ phạm”
Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo Lý 3 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”. Lý, mẹ và chị dâu đều làm đơn kháng cáo xin cho Lý được hưởng án treo. Sau đó, TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên phúc thẩm xử vụ án trên.
Bà Đặng Thị Chính – 80 tuổi, mẹ Lý – đến toà với vẻ mặt khắc khổ, buồn đau. Mỗi khi được toà hỏi bà đều xin cho con được hưởng án treo: “Con tôi không phải là kẻ giết anh trai, chính rượu mới là thủ phạm bởi anh nó nghiện rượu rồi mắc bệnh lâu lắm rồi. Còn nó hôm đó cũng có rượu nên mới hành động như vậy, chứ ngày nào nó cũng làm quần quật để nuôi cả nhà, chính ma men đã xui khiến nó…”.
Chị dâu cũng nước mắt ngắn dài kháng cáo cho em chồng được hưởng án treo bởi: “Ngày nào chồng tôi cũng nhậu. Tôi đi làm về muốn gặp chồng tỉnh táo để tâm sự, bàn chuyện làm ăn, dạy dỗ con cái nhưng ảnh cứ say xỉn triền miên. Giờ ảnh mất rồi, tôi cũng đau lòng lắm nhưng tất cả tại xui rủi, chứ chú Lý không cố ý…”.
Riêng bị cáo Lý bào chữa: “Tại hôm đó bị cáo uống rượu nhiều nên mới xảy ra cớ sự, chứ bị cáo thương anh mình lắm. Giờ gia cảnh hết sức khó khăn. Nếu bị cáo ở tù, một mình vợ bị cáo đi làm thuê không nuôi nổi cả gia đình. Xin cho bị cáo được hưởng án treo”.
Chủ toạ phân tích: “Bị cáo đã biết anh mình vì nghiện rượu mà ra nông nỗi như vầy. Lý ra bị cáo phải uống chừng mực, đằng này bị cáo uống quá nhiều, không làm chủ bản thân, gây nên thảm kịch gia đình. Án sơ thẩm đã cân nhắc xem xét nguyên nhân cái chết người anh có phần do bệnh lý mà ra nên mới tuyên bị cáo 3 năm tù. Án tuyên như vậy là đã quá nhẹ rồi…”. HĐXX bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Lý cùng gia đình ủ rũ kéo nhau về.
Sẽ không đụng đến “nó” nữa…
Sau phiên tòa tôi tìm đến nhà Lý. Người mẹ nằm trên võng với vẻ mặt u uẩn. Còn Lý đang ngồi thất thần trên ghế. Sau ngày định mệnh đó, bà thường ngồi lặng lẽ trong chiều tà, tóc ngày thêm bạc.
Bà kể trước đây anh Yên rất siêng năng, cặm cụi mưu sinh với công việc thợ hồ để lo cho gia đình nhưng khoảng 5 năm gần đây, con bà bắt đầu chìm vào men rượu. Lúc đầu chỉ lai rai với anh em bạn nghề vào những chiều cuối tuần, sau đó mức độ tăng dần lên, bỏ cả việc mưu sinh.
Từ một người khoẻ mạnh, vì nghiện rượu Yên trở nên ốm tong teo, không làm được việc nặng của thợ hồ. Vợ hết lời can ngăn, thậm chí khóc lóc. Cha mẹ anh em cũng khuyên nhủ đủ điều nhưng đành thất bại trước sức mạnh của men rượu.
Lý bộc bạch: “Vì chuyện này mà không khí gia đình ảnh giống như địa ngục. Thấy vậy nên tôi mới đưa ảnh từ thành phố Cần Thơ về quê nhà ở Vĩnh Long chăm sóc bởi nghĩ một mặt có mẹ trông chừng khuyên lơn ảnh cũng bớt. Mặt khác sợ ảnh trở thành gánh nặng cho chị dâu cùng với mấy đứa cháu…”.
Nhưng có lẽ đã quá muộn. Rượu đã biến người đàn ông trụ cột thành kẻ tâm thần, thỉnh thoảng cười khóc một mình. Hôm nào không có rượu là không chịu được. Ngày nào Yên cũng rảo quanh xóm, gặp nhà ai tổ chức đám tiệc, dù quen hay lạ cũng sà vào bàn, rồi nằm quắc cần câu đến nỗi chủ nhà phải đến kêu người kè về.
Máu chảy ruột mềm. Lý đưa anh trai về nhà chung sống để tiện bề chăm lo cho anh. Nhưng trước cuộc sống bê tha, vô trách nhiệm của người anh khiến nỗi bực dọc tích tụ từng ngày đã vỡ tung thành cú đấm oan nghiệt khi men rượu chảy rần rật trong người Lý.
Lý tâm sự giờ cuộc sống chỉ là chuỗi ngày dằn vặt, ám ảnh khi chính mình đã tước đoạt mạng sống anh trai, gây ra đau buồn cho mẹ, tang thương cho chị dâu và các cháu…
Rồi nỗi lo sợ, bất an ám ảnh cả trong giấc ngủ khi nghĩ tới mẹ già, con thơ sẽ sống ra sao trong những ngày dài sắp tới bởi từ hồi nào tới giờ Lý gắn với việc phụ hồ, giậm đất, cộng thêm với việc làm thuê của vợ mới đủ lo cho cả nhà.
Nay nếu Lý đi tù, vợ Lý với công việc trộn dưa cải thuê, bữa đực bữa cái làm sao lo nổi cho cả gia đình.
Nhắc đến chuyện tù tội, bà Chính bật khóc: “Hai người con trai, một chết, một sẽ vào tù. Sao tôi sống nổi đây…”. Đứa con gái 8 tuổi của Lý nghe nội khóc cũng nức nở theo.
Lý thổ lộ: “Con sợ cha bị bắt bỏ tù. Ngày nào con cũng quanh quẩn bên cha. Không thấy cha là khóc. Cũng tại men rượu đã khiến tôi hành xử lỗ mãng, gây đại hpạ cho gia đình… Từ nay tôi sẽ không đụng đến nó nữa…”.