02/11/2024

Quyền được chết không khả thi ở nước ta hiện nay

Đã có nhiều bàn luận trái chiều quanh câu chuyện “Xin chết nhân đạo. Được không?” (Tuổi Trẻ ngày 8-7), trong đó nhiều ý kiến cho rằng quyền được chết chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất ở nước ta.

 SỰ KIỆN VÀ DƯ LUẬN

Quyền được chết không khả thi ở nước ta hiện nay

 

 Đã có nhiều bàn luận trái chiều quanh câu chuyện “Xin chết nhân đạo. Được không?” (Tuổi Trẻ ngày 8-7), trong đó nhiều ý kiến cho rằng quyền được chết chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất ở nước ta.

 

 

 

 

Quyền được chết không khả thi ở nước ta hiện nay
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết là người đã làm đơn xin được chết nhân đạo và hiến xác cho y học – Ảnh: KIM ANH

Theo thống kê, hiện nay có ba quốc gia bao gồm: Hà Lan, Bỉ, Luxembourg áp dụng hình thức trợ tử – cái chết nhân đạo chủ động. Thuỵ Sĩ, Argentina và năm bang của Mỹ áp dụng cái chết nhân đạo thụ động.

Các quốc gia, lãnh thổ áp dụng cái chết nhân đạo đều có quy định pháp lý về điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ đối với mỗi hình thức.

Với hình thức chết chủ động thì phải hội đủ bốn điều kiện:

– Một là người bệnh mắc bệnh nan y và không thể chịu đựng được nỗi đau thể xác.

– Hai là qua kiểm tra, hội đồng y khoa xác định cái chết của người ấy là không thể tránh khỏi trong một tương lai gần.

– Ba là bệnh nhân đồng ý chết trong tình trạng tỉnh táo.

– Bốn là các bác sĩ trực tiếp điều trị xác định không còn khả năng điều trị giảm đau. Khi đáp ứng các điều kiện này thì bệnh nhân được “chết” bằng thuốc an thần, rồi sau đó là thuốc làm ngừng tim, ngừng phổi.

Với hình thức chết thụ động, người bệnh phải đáp ứng ba điều kiện: bệnh nan y giai đoạn cuối, không thể hồi phục và đồng ý ngừng điều trị (sự đồng ý lập thành văn bản bởi người bệnh khi còn tỉnh táo hoặc dựa vào yêu cầu của tất cả thành viên gia đình nếu người bệnh không còn tỉnh táo, sống thực vật).

Các tranh cãi xung quanh việc có nên quy định cái chết nhân đạo diễn ra tại rất nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, khi xây dựng Bộ luật dân sự 2005, đã có ý kiến về việc đưa cái chết nhân đạo vào quy định luật nhưng không được sự đồng thuận.

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, dự thảo sửa đổi Luật dân số do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo thì vấn đề cái chết nhân đạo cũng được các chuyên gia đưa ra. Các tranh cãi về vấn đề này vẫn chưa kết thúc giữa ý kiến ủng hộ và phản đối.

Dẫu ủng hộ hay phản đối thì cái chết nhân đạo – quyền được chết sẽ kéo theo rất nhiều hậu quả về pháp lý, y tế, đạo đức. Nếu pháp luật quy định không chặt chẽ, cơ chế để thực hiện quyền không đảm bảo thì khó tránh khỏi việc lợi dụng, thiếu trách nhiệm… gây ra các hậu quả rất xấu đến nhân mạng, gây rối xã hội.

Hiến pháp Việt Nam hiện tại (Hiến pháp 2013) chưa thừa nhận quyền được chết. Lý do là Nhà nước nhận thấy quyền được chết chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó cũng chưa có một nghiên cứu xã hội nào đưa ra con số ủng hộ và phản đối quyền này đối với người dân nước ta là bao nhiêu. Quyền được sống, kể cả được chết là quyền nhân thân hết sức quan trọng của con người phải được hiến định.

Vì vậy, nếu muốn thừa nhận quyền được chết thì phải dựa trên cơ sở nghiên cứu cẩn thận, từ đó bổ sung quy định vào hiến pháp. Mà quá trình đó là rất lâu dài, rất khó.

Như thế ở thời điểm hiện tại quyền được chết, dẫu là nhu cầu có thật của một bộ phận dân cư, nhưng không khả thi do không có quy định, chưa phù hợp với phát triển xã hội.

Khó đưa vào thực tế

* Đạo lý là phải đi đôi với nguyện vọng của con người. Có đạo lý không khi nhìn người bệnh phải đau đớn quằn quại, không ai chăm sóc và nhất là không còn chút hi vọng nào? Chưa kể gia đình, người thân phải tán gia bại sản, sức khoẻ suy kiệt vì phải chăm lo cho người bệnh? Tôi ủng hộ cái chết nhân đạo.

Quang Dũng

* Quá được ấy chứ, sống khỏe ai mà không muốn, nhưng có những trường hợp vô phương cứu chữa thì cái chết êm ái quá tuyệt vời cho cá nhân và xã hội. Chết không phải là điều đáng sợ mà đáng sợ là khoảng thời gian chờ chết.

hoangminhhanh@…

* Đây là nhu cầu chính đáng nhưng quá khó để đưa vào thực tế. Đã là con người, nhất là người Việt Nam, sao có thể đành lòng kết thúc sự sống của người khác khi mình rất khao khát điều đó, dù là hi vọng rất mỏng manh.Fan K.

(leandgiang@…)

* Hôm nay không cứu được không có nghĩa là ngày mai không cứu được, y học tiến bộ từng ngày; ký một chữ ký để chấm dứt những đau đớn thể xác do bệnh tật hay cuộc sống của người thân của mình, dù hiểu như thế nào thì đó cũng là một chữ ký vô cùng khó khăn và đau đớn cho người ở lại…

Người Việt ta hiếu nghĩa, nhân hậu, liệu mấy ai có thể cầm bút ký để “ban cái chết” cho người thân của mình. Cần cân nhắc kỹ.N.T.

(snt.ngocthanh@…)

* Khó lắm, xã hội thiếu gì cảnh cha mẹ chưa chết con cái đã xâu xé nhau. Anh em tố tụng nhau vì phần đất nhiều hơn của đứa em tật nguyền… Nhiều người muốn chết, đúng. Nhưng còn những người sẽ lợi dụng việc đó để bức tử người thân nhằm đoạt lợi thì sao? Người già, người thiểu năng… bị bắt ký mà không biết ký cái gì thực chất là bức tử hợp pháp thì phải làm sao?

tuongnguyenluong@…

LS HỨA THỊ THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM) ÁI NHÂN ghi