23/12/2024

Phải hoãn thi hành Bộ luật hình sự mới

Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ – nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Toà án Quân sự trung ương cho rằng phải hoãn thi hành Bộ luật hình sự

 

Phải hoãn thi hành Bộ luật hình sự mới

 

Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ – nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Toà án Quân sự trung ương cho rằng phải hoãn thi hành Bộ luật hình sự

 

 

 

 

Phải hoãn thi hành Bộ luật hình sự mới
Trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ – Ảnh: T.L.

 

 

Trao đổi về việc xin ý kiến tạm hoãn Bộ luật hình sự (sửa đổi) có hiệu lực (ngày 1-7), trung tướng, PGS.TS Trần Văn Độ – nguyên phó chánh án TAND tối cao, chánh án Toà án Quân sự trung ương – cho biết:

– Cách đây không lâu, khi mọi người hỏi ý kiến của tôi về các sai sót của Bộ luật hình sự, tôi nói ngay phải hoãn hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng không nên hoãn vì sợ mang tiếng một bộ luật lớn mà lại để xảy ra sai sót lớn như vậy.

Có ý kiến đề xuất để áp dụng Bộ luật hình sự vài năm, nếu có những bất cập khác bộc lộ thì hãy sửa cho đồng bộ luôn… Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu sai sót nhỏ thì được, còn Bộ luật hình sự có quá nhiều sai sót, nhiều quy định mâu thuẫn, thể hiện không chính xác chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta.

* Bộ luật hình sự với hơn 90 nội dung sai sót từng được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua năm 2015. Là đại biểu Quốc hội khóa XIII, ông thấy những sai sót này có từng được đem ra thảo luận tại nghị trường hay không?

– Thật ra Bộ luật hình sự có quá trình làm lâu dài. Có hai giai đoạn làm luật là giai đoạn soạn thảo (do Bộ Tư pháp chủ trì) và sau khi Quốc hội họp cho ý kiến lần thứ nhất thì dự thảo bộ luật được chuyển cho Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Do có sự chuyển đổi từ hai cơ quan khác nhau nên có cách nhìn nhận khác nhau, quan điểm kỹ thuật làm luật cũng khác nhau.

Chính sách hình sự của Bộ luật hình sự là rất tốt, thể hiện được các tư tưởng mới, nhất là tư tưởng nhân đạo, hướng thiện, vì con người. Tuy nhiên, việc thể hiện các chính sách hình sự đó trong bộ luật đã thiếu chính xác, không đầy đủ. Kỹ thuật bị phá vỡ và sinh ra nhiều mâu thuẫn, bất cập, sai sót trong bộ luật.

Thật ra các sai sót này không được phát hiện đầy đủ trong quá trình thảo luận. Quốc hội chủ yếu chỉ thảo luận ở nghị trường về chính sách lớn; trách nhiệm của những người soạn thảo là phải thể hiện cụ thể được các chính sách đó trong bộ luật, bảo đảm tính thống nhất, hệ thống và chính xác.

Ví dụ Quốc hội thảo luận các nội dung lớn như chính sách với người chưa thành niên thế nào, tội phạm hóa, phi tội phạm hóa thế nào, có quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân hay không, quá trình hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù, tăng cường các hình phạt không phải tù ra sao…

Còn diễn đạt về mặt kỹ thuật thì những người biên soạn có trách nhiệm thực hiện. Quốc hội không có thời gian và không thể làm luật theo kiểu rà soát tỉ mỉ về mặt kỹ thuật từng câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy được.

* Đây không phải lần đầu tiên có luật vừa ban hành đã phải kiến nghị sửa đổi vì sai sót. Theo ông, lý do tại sao?

– Theo tôi, lỗi đầu tiên là do cơ chế làm luật của chúng ta. Cơ chế làm luật của chúng ta hiện nay phải thay đổi thành hai giai đoạn hơi tách rời nhau: ban soạn thảo trình dự thảo luật để Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất, sau đó Quốc hội chuyển dự thảo cho ủy ban của Quốc hội thì nhiều khi quan điểm của uỷ ban của Quốc hội với ban soạn thảo trước đó lại khác nhau.

Từ đó cấu trúc của bộ luật bị phá vỡ, phát sinh sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn là điều tất nhiên. Luật nhỏ thì không nói làm gì, nhưng đây là bộ luật lớn, phải có sự thống nhất, chính sách hình sự phải được thể hiện nhất quán từ phần chung đến viện dẫn từng điều luật. Và có lẽ theo tôi là còn thiếu một sự quán xuyến chung.

Đó là chưa kể thời gian làm luật lại gấp rút, bộ máy giúp việc làm luật tại các uỷ ban của Quốc hội mỏng cả về số lượng và về trình độ, năng lực.

Vì vậy tôi cho rằng khi làm luật, nên chăng cơ quan nào soạn thảo từ đầu thì theo đến cùng, uỷ ban của Quốc hội thẩm định và sau đó Quốc hội chỉ thảo luận, phản biện chính sách pháp luật. Có thể sau này các quan điểm của cơ quan trình và Quốc hội không gặp nhau, chuyện dự án luật bị gác lại là chuyện bình thường nhưng đảm bảo được chất lượng, 
có tính khả thi.

Tôi nhận thấy rằng quá trình xây dựng luật, các chuyên gia chưa có điều kiện phát biểu nhiều để thuyết phục Quốc hội; có những ý kiến của chuyên gia chưa được lắng nghe thoả đáng. Ngay trong buổi thảo luận cuối cùng trước khi Bộ luật hình sự được thông qua, tôi đã có ý kiến rằng nếu thông qua ngay tại kỳ họp thì bộ luật này sẽ có rất nhiều sai sót, không thể áp dụng và đề nghị Quốc hội lùi lại thêm một kỳ họp để có thời gian rà soát.

Ý kiến này của tôi không được chấp nhận. Với tư cách là một chuyên gia hình sự và là một đại biểu Quốc hội, tôi thấy mình cũng có phần trách nhiệm và rất đáng tiếc về những sai sót này.

Việc phải tạm hoãn hiệu lực là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể để một bộ luật có nhiều sai sót như vậy áp dụng trên thực tế được… Đây là kinh nghiệm cho Quốc hội khoá mới sau này.

TÂM LỤA thực hiện ([email protected])