23/12/2024

Những bữa “cơm một tô, một nắm”

Những bữa “cơm một tô, một nắm” ngày càng xuất hiện nhiều, nhất là ở đô thị. Cả gia đình ngồi với nhau trong một bữa cơm trở thành thách thức mới với rất nhiều gia đình trẻ.

 

Những bữa “cơm một tô, một nắm”

 

Những bữa “cơm một tô, một nắm” ngày càng xuất hiện nhiều, nhất là ở đô thị. Cả gia đình ngồi với nhau trong một bữa cơm trở thành thách thức mới với rất nhiều gia đình trẻ.

 

 

 

Những bữa “cơm một tô, một nắm”
Bữa cơm gia đình là nơi vun đắp hạnh phúc cho mỗi nhà nhưng cũng là điều “xa xỉ” với một số gia đình trẻ tại các đô thị hiện nay – Ảnh: Nguyễn Công Thành

 

 

Nhưng nếu chỉ xem “nhịp sống đô thị” là lý do chính, những bữa “cơm một tô, một nắm” chắc chắn lại tiếp tục lên ngôi.

Vì đâu nên nỗi?

Có hai cậu con trai, một học lớp 5, một mới 3 tuổi nhưng chị Hạnh Nguyên nhiều lần chia sẻ rất muốn tổ chức bữa cơm gia đình vào mỗi cuối ngày. Rồi thực tế “quay cuồng” khi bài toán người lớn đi làm, trẻ con đi học mãi không giải xong.

“Nhà xa nơi làm việc nên tôi chỉ kịp chạy về đón con rồi mua cái gì đấy cho cháu lót dạ để vào học thêm. Thằng nhỏ tôi phải gửi trường tư thục đến hơn 18g mới được đón về sau khi cháu đã ăn luôn bữa tối tại trường. Bữa cơm gia đình gần như là điều xa xỉ với gia đình tôi” – chị Nguyên cho biết.

Những gia đình đến ba thế hệ cũng tương tự. Anh Phạm Khánh Toàn (Q.4, TP.HCM) dù đã lập gia đình, có một con gái 7 tuổi, gia đình nhỏ của anh vẫn ở chung với cha mẹ vậy mà hiếm khi đại gia đình anh có bữa cơm chung.

Anh Toàn cho hay: “Chúng tôi chỉ cố gắng một bữa tối vì cả nhà ai cũng đi làm, cha mẹ thì dù mẹ đã nghỉ hưu vậy mà cũng không được. Nhà cha mẹ tôi có dịch vụ photocopy nên công việc cũng bận, mẹ thường nấu cơm xong để trên bếp, đến bữa ai về trước thì bới một tô ăn một mình.

Con gái đi học về đã được bà cho ăn sớm rồi đi học ngoại ngữ. Ban đầu vợ tôi còn chờ tôi về ăn chung nhưng rồi cái nếp “mỗi người một tô” của nhà đã ngấm vào bà xã tôi tự lúc nào không biết. Thế là bữa cơm chung chỉ có được khi có dịp cả nhà đi ăn hàng quán”.

Không chỉ là chuyện lệch pha về giờ giấc, đã có với nhau ba mặt con nhưng nhà chị T.T.T. (Q.Tân Phú) hiếm khi có bữa cơm gia đình vì chị là người không thích vào bếp. Anh chồng tan sở làm thì bù khú với bạn bè, hôm nào không có “độ” thì ghé làm tô phở rồi về nhà.

Gia đình chị sống đúng theo kiểu “cơm hàng cháo chợ”. Con khi nhỏ thì chị thường xuyên mua cháo dinh dưỡng, đến khi con lớn thì cả bốn mẹ con bữa sáng – bữa tối đều ở quán trước hẻm nhà. Bữa trưa các con ăn ở trường, chị cũng ăn ở quán.

“Cả nhà tôi lâu lâu cũng ăn chung nhưng hầu như đều ngồi ở quán. Cái bếp chắc cả tháng không đỏ lửa. Tôi thấy ăn là chỉ để no bụng thì ăn ở đâu mà chẳng xong” – chị T. nói.

Dù là một giảng viên trường cao đẳng nhưng bữa cơm gia đình với chị Nguyễn Thanh Thuỷ (Q.Thủ Đức) cũng hiếm khi được chị chăm chút. Chồng thường đi công tác tỉnh, chiều đón con về chị hay ghé hàng quán mua thức ăn nhanh cho hai con hoặc ghé nhà người thân cho hai cháu ăn ké. Riêng chị ăn qua loa chút gì cũng xong bữa.

“Đi làm cả ngày về mệt, lại không có chồng ăn cơm nhà nên tôi lười nấu nướng. Quan niệm về bữa cơm gia đình của tôi cũng đã thay đổi”.

Chỉ trông chờ vào sự cố gắng

Có những thống kê cho rằng đến 30-40% các gia đình trẻ hiện nay lâm vào cảnh “cơm hàng cháo chợ” và rất khó có bữa cơm gia đình chung.

Chị Trần Ngọc Mai (Q.8) thẳng thắn: “Ăn cơm bây giờ không chỉ lấy no, lấy đủ mà còn là niềm vui, hạnh phúc khi cùng ngồi ăn chung với người thân, cảm nhận niềm hạnh phúc của gia đình. Bữa ăn trở thành văn hoá ẩm thực có giá trị truyền thống trong đời sống gia đình Việt sao mình không cố gắng duy trì mà lại để nhiều thứ khác chi phối”.

Chính vì quan niệm bữa cơm gia đình rất quan trọng nên chị Ngọc Mai luôn chăm chút để mỗi ngày gia đình nhỏ của chị với bốn thành viên đều quây quần bên nhau vào buổi tối dù bữa cơm luôn diễn ra lúc gần 20g.

“Tôi cho con ăn nhẹ trước khi bé đi học về, sau đó chuẩn bị bữa cơm rồi cả nhà cùng ăn chung. Ngồi ăn chung tôi luôn được nghe con kể chuyện ở trường, ở lớp và như thế tôi kịp thời hiểu và chia sẻ với các con” – chị Ngọc Mai cho hay.

“Cuộc sống gia đình sẽ luôn có những sóng gió nhất định, nhưng tôi thấy nếu gia đình duy trì được bữa cơm chung mỗi ngày để cùng trò chuyện, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống thì sẽ là một trong những cách để giữ gìn tổ ấm của mình” – chị Nguyễn Thị Ngọc Lam (Q.Phú Nhuận) chia sẻ.

Chính vì thế, chị Lam đã hướng dẫn cô con gái mới 13 tuổi nhưng đã có thể nấu được bữa cơm cho cả nhà nếu hôm nào mẹ bận việc, chưa kịp về sớm.

“Gia đình tôi luôn duy trì một bữa cơm chung trong ngày bởi tôi thấy điều đó hết sức quan trọng với một gia đình” – chị Lam cho hay.

Không nhất thiết phải là bữa chính

Chị Nguyễn Lê Hoàng Quỳnh, giám đốc Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc Trung ương Hội LHTN VN – cho biết bữa cơm gia đình được xem là quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc của mỗi tổ ấm, nhưng không nhất thiết bữa cơm gia đình phải là bữa ăn chính như nhiều gia đình vẫn nghĩ.

Bữa cơm gia đình của các gia đình sống trong môi trường đô thị nên linh động và xem đó như một bữa ăn chung mà mọi người có thể trò chuyện, chia sẻ với nhau và tạo không khí đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc.

Có những gia đình linh động chuyển bữa ăn chung của gia đình thành bữa sáng hoặc bữa ăn trái cây, ăn nhẹ vào buổi tối khi mọi người đã về nhà đầy đủ để cùng chia sẻ những câu chuyện xảy ra trong ngày với mỗi thành viên.

Riêng bữa cơm gia đình chỉ cần có hai thế hệ đã là đủ, ví dụ chỉ cần có mẹ với con hoặc cha với con chứ không nhất thiết phải đợi chờ có đủ cha và mẹ khiến các con phải đợi chờ quá giờ ăn, không nên cứng nhắc.