02/01/2025

Đồng tiền chia đôi tình chú cháu…

Hai chú cháu trong câu chuyện dưới đây đã từng có tình cảm tốt đẹp khi họ còn khốn khó. Cho đến khi cả chú lẫn cháu đều ở độ tuổi xế chiều, họ lại phải đưa nhau ra toà…

 

Đồng tiền chia đôi tình chú cháu…

 

 Hai chú cháu trong câu chuyện dưới đây đã từng có tình cảm tốt đẹp khi họ còn khốn khó. Cho đến khi cả chú lẫn cháu đều ở độ tuổi xế chiều, họ lại phải đưa nhau ra toà…

 

 

 

Đồng tiền chia đôi tình chú cháu...
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần

Dân gian có câu “Sẩy cha còn chú…” để nói về tình cảm chú cháu thiêng liêng không khác gì tình phụ tử. Vậy mà…

Trong xấp hồ sơ mà người cháu (59 tuổi) mang ra toà có lá thư của người chú ruột (nay đã 68 tuổi) từ Việt Nam gửi sang Nhật cho bà cách đây gần 20 năm trước.

Trong thư chú kể về cơn bão số 8 vừa tàn phá quê nhà nên gia đình nào cũng đói kém. Nhiều gia đình, trong đó có chú, không có tết. Chú cũng báo tin đã nhận được quần áo, vải vóc của cháu từ Nhật Bản gửi về cho các em.

Cuối thư, chú nhắn cuộc sống còn nhiều khó khăn nên mong cháu thỉnh thoảng tạo điều kiện giúp chú nuôi các em…

“Bố tôi mất sớm, tôi thương chú như bố. Tôi đã không tiếc tiền mua cho chú hai căn nhà ở quê thì sao phải đi tranh chấp với chú căn nhà bé tí ở Hà Nội. Tôi đi kiện vì uất quá!…

Nguyên đơn nói

Chỉ là quá khứ

Giờ thì tình cảm tốt đẹp giữa chú cháu họ đã không còn. Mọi việc bắt nguồn từ khi cháu có quốc tịch Nhật Bản không thể mua nhà ở Việt Nam. Cháu nhờ chú mua giúp một căn nhà ở Hà Nội để mỗi lần về quê có chỗ ở.

Năm 1992, chú mua được căn nhà rộng 70m2 tại Q.Cầu Giấy. Giá mua nhà và sửa sang hết 360 chỉ vàng. Rồi cháu nhờ chú ở luôn trong 
nhà để trông coi.

Mâu thuẫn phát sinh từ năm 2001, khi người cháu phát hiện căn nhà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chú. Năm 2010, khi các con về Hà Nội học, bà muốn chuyển hẳn về Việt Nam sinh sống nhưng chú không cho vào nhà. Bà thuê nhà cho con ở rồi khởi kiện chú ruột ra toà.

“Nhắc đến tình cảm chú cháu, lúc nào tôi cũng muốn khóc” – người cháu nói ở phiên tòa sơ thẩm lần 2. Đây là lần thứ ba họ phải hầu toà.

Xử sơ thẩm lần đầu tiên hồi tháng 10-2012, TAND TP Hà Nội đã xác định toàn bộ nhà đất được mua bằng tiền của cháu, buộc chú phải trả lại tài sản, đồng thời cháu phải thanh toán cho chú 68 triệu đồng tiền công tu sửa nhà cửa, thuế đất hằng năm.

Xử phúc thẩm năm 2013, toà án cấp phúc thẩm lại sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người cháu. Hai bản án này sau đó đã bị cấp giám đốc thẩm tuyên huỷ án để xét xử lại từ đầu.

“Chỉ vì tin tưởng chú cháu chứ không phải người ngoài nên tôi không đề phòng gì” – nguyên đơn trình bày khi toà hỏi sao gửi tiền nhờ chú mua nhà mà không có chứng cứ gì cả.

“Tôi đâu có nhờ ông ấy trông giữ nhà mà toà bắt tôi phải trả công cho ông ấy. Tôi chưa bắt ông ấy trả tiền thuê nhà suốt bao nhiêu năm qua là may rồi. Giờ toà bảo tôi phải trả tiền giữ nhà là sao…” – người cháu trình bày tại tòa.

Trước ý kiến của cháu, người chú chỉ một mực nói căn nhà trên là do ông mua, giờ 
nhờ tòa phân xử.

Trong hồ sơ vụ việc có bản xác nhận của con trai bị đơn cho rằng nhà đất mà gia đình anh đang ở là do người thân của bố gửi tiền về mua rồi nhờ bố anh trông hộ, sau đó bố anh đưa cả nhà về sinh sống. Người thân của bố anh cũng cho tiền để mua nhà đất khác ở quê.

“Tại sao con trai ông lại đứng ra bảo vệ cho nguyên đơn?”. Trước câu hỏi ấy của toà, ông bảo con trai mình là đứa chơi bời lêu lổng, ông đã cho con đi học nghề nhưng nó không đi, rồi sinh ra mâu thuẫn.

Rồi ông “tố” nguyên đơn lợi dụng lúc bố con ông lục đục để chia rẽ tình cảm, xúi giục 
nó về phe mình.

Người cháu nghe vậy liền chất vấn: “Tiền đâu mà chú mua nhà? Ở tòa lúc chú nói mua nhà từ tiền buôn bán, lúc thì nói từ tiền đi vay, lúc lại bảo tiền được cho”. Toà yêu cầu trả lời, người chú im lặng.

Chia đôi

Vị đại diện viện kiểm sát hỏi bị đơn tại sao nhà của ông mua bằng tiền của ông nhưng lại để nguyên đơn giữ sổ đỏ từ năm 2009 tới giờ. Người chú bảo: “Cô ấy mượn xem rồi không chịu trả”.

Một lúc sau người cháu đặt lại câu hỏi ấy, ông lại bảo: “Khi tôi mua nhà, cô ấy về Việt Nam chơi, khen nhà đẹp rồi bảo muốn mua lại. Tôi nói nếu cháu muốn mua thì phải đưa tiền ngay cho chú để chú mua căn khác. Cô ấy đồng ý, bảo mượn sổ đỏ đi sang tên rồi giữ luôn”.

Người cháu cho rằng chú khai bất nhất. Bà ngao ngán: “Chú cháu phải đưa nhau ra toà thế này, tôi rất đau lòng! Nhưng chẳng lẽ tôi gửi tiền nhờ chú mua nhà hộ mà giờ phải chịu mất?”.

Chú cháu họ xuất thân từ một gia đình thuần nông ở Yên Bái. Họ sống tình nghĩa với nhau từ những ngày bữa cơm trộn khoai sắn. Rồi người cháu lấy chồng và sang Nhật định cư.

Thương chú ở quê nghèo khó, bà mua cho chú hai căn nhà, đất rộng rãi ở quê nhà để chú có sản nghiệp làm ăn. Các tài sản được cháu cho, sau này người chú đều thừa nhận trước toà.

Các bản án cũng thể hiện người cháu đã gặp chú để đề nghị giải quyết nhưng người chú đòi xẻ dọc căn nhà để chia cho chú một nửa nằm mặt đường nên bà không đồng ý.

Trong hồ sơ vụ án có giấy xác nhận và tờ khai tài sản năm 2001, người chú đều thừa nhận nhà được mua từ tiền của cháu, chú chỉ mua hộ. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng kết luận chữ ký trong các giấy tờ là do người chú ký.

Tại toà, ông phản bác: “Tôi chẳng ký vào giấy tờ nào cả”. Ý kiến của ông không được hội đồng xét xử chấp nhận.

Tòa xác định căn nhà được mua từ tiền của người cháu. Tuy nhiên khi chú mua nhà, cháu không ở Việt Nam, vì vậy chú có công tôn tạo, làm tăng giá trị lên nhiều lần.

Căn nhà được định giá hơn 7 tỉ đồng. Trừ đi số tiền người cháu mua nhà năm 1992, quy ra giá trị hiện nay khoảng 1,2 tỉ đồng. Giá trị còn lại của căn nhà là tài sản tăng thêm từ khi mua đến nay, chú và cháu mỗi người sẽ được chia hơn 3 tỉ đồng.

Nghe toà tuyên án, người cháu quả quyết: “Phải kháng cáo, nhà của tôi nhờ mua mà sao phải chia đôi”.

Người chú cũng nán lại phòng xử rất lâu để bàn bạc với luật sư thủ tục kháng cáo. Chú cháu họ đã yêu thương nhau từ những ngày bần hàn. Tình cảm ấy giờ đây đã nhạt như nước ao bèo…

TÂM LỤA ([email protected]