Những người vợ “quản phu”
Khi nói về sự gò bó tù túng của hôn nhân, thành ngữ Việt Nam có câu “Gái có chồng như gông đeo cổ, trai có vợ như rợ buộc dây”, nhưng thời nay nhiều người vợ lại có ý rèn bằng được cái “gông” đeo vào cổ chồng mình.
Những người vợ “quản phu”
Khi nói về sự gò bó tù túng của hôn nhân, thành ngữ Việt Nam có câu “Gái có chồng như gông đeo cổ, trai có vợ như rợ buộc dây”, nhưng thời nay nhiều người vợ lại có ý rèn bằng được cái “gông” đeo vào cổ chồng mình.
Nếu người chăn dắt, điều khiển voi gọi là “quản tượng” thì xin tạm gọi những người vợ quản lý chồng không mảy may sơ sẩy là “quản phu”.
Canh phòng cẩn mật
Tìm hiểu thì thấy trong số này có nhiều chị lớn lên trong gia đình mà những phụ nữ luôn chịu phần thiệt thòi, có chị trực tiếp chứng kiến cảnh mẹ mình cắn răng chịu sống “kiếp chồng chung”, có chị từng chịu bao nỗi ấm ức vì người cha cực kỳ đào hoa hoặc thấy chị em trong nhà không hề áp dụng liệu pháp giảm cân mà ai cũng “mình hạc xương mai” vì gặp phải “người thứ ba” chen vào cuộc hôn nhân…
Thế là chị thề quyết bảo vệ chế độ “một chồng một vợ” và sẽ không bao giờ phải nhỏ một giọt nước mắt nào về chuyện ông xã ăn “chả, phở” bên ngoài.
Quả thực các chị ấy rất biết giữ lời, đã biến gia đình vừa là cái nhà trẻ, vừa là tu viện, vừa giống doanh trại quân đội vừa là trại cải tạo.
Chồng con được chị cưng chiều săn sóc hết mực nhưng cũng chịu sự quản lý hà khắc, đến nỗi nhiều lúc cảm thấy mất tự do, ngột ngạt, ức chế, cáu bẳn, chán nản… Chẳng khác nào người vợ đan những nỗi lo âu, phòng xa, nghi ngờ của mình thành một cái lồng rồi đem chụp lên cái tổ của mình.
Thất bại đau thương của các bà vợ
Họ là những người phụ nữ tốt bụng, nhưng càng tìm mọi cách giữ chân chồng càng đuổi chồng chạy thật nhanh ra khỏi nhà:
1. Từ bỏ mọi thú vui, bạn bè, sở thích cá nhân để chăm lo quá đáng, hết sức chu toàn cho chồng cho con. Cho đó là sự hi sinh vô điều kiện vì gia đình để rồi buồn tủi, bất mãn vì thấy chồng không chịu đền đáp tương xứng như mình mong đợi.
2. Quản lý chồng quá chặt: giờ giấc sinh hoạt, điện thoại, tin nhắn, thư từ, quan hệ bạn bè đồng nghiệp, đồng ra đồng vào… cứ như gián tiếp nói rằng chồng là kẻ không đáng tin, không tự giác.
3. Ép chồng đi theo quỹ đạo riêng của mình, bất chấp ý kiến của anh ấy. Muốn giành quyền kiểm soát và cố gắng “chấn chỉnh” chồng mình thành người đàn ông mẫu mực, gây áp lực và khiến đàn ông thấy căng thẳng, bất an.
4. Dùng những “động từ mạnh” để… giáo dục và đào tạo chồng, nhẹ thì cằn nhằn, nặng thì lên án trách móc, nặng nữa là cãi cọ. Một là điều đó sẽ khiến nhà cửa ồn ào như cái chợ. Hai là chàng sẽ không bao giờ quên những từ ngữ “chướng tai” ấy cho dù sau khi cãi nhau người vợ có trang điểm ăn mặc đẹp đến đâu.
Còn nhớ tiến sĩ Gilda Carle, chuyên gia tâm lý tại New York, đã nhận định: “Phụ nữ cần biết khi nào thì nên gây chiến. Mẫu phụ nữ làm đàn ông yêu thích là những người làm cho họ có cảm giác tốt đẹp về bản thân. Nếu người vợ không ngớt cằn nhằn, người chồng sẽ sẵn sàng xách vali ra đi”.
5. Hay so sánh chồng mình với “chồng nhà người ta”, dù thâm tâm thừa biết rằng mình chẳng thể đổi được chồng!
6. Khi chồng đã nói: “Nếu em còn tiếp tục thì đừng trách anh”, lại dại dột khiêu khích để bị chồng xử lý mạnh tay kiểu “lên gối xuống chỏ”. Thành ra có lần đầu tiên sẽ có lần thứ n, mà lúc đó thì anh ta thậm chí còn không thấy hối lỗi.
Cân bằng giữa quyền sở hữu và tự do cá nhân
Vẫn biết những người vợ “quản phu” thực tâm muốn cùng chồng vun đắp mái ấm nhà mình trở thành bến đỗ bình an và đầy tin cậy, nhưng chị em cần điều chỉnh sao cho tình chồng vợ đạt được sự quân bình giữa quyền sở hữu và tự do cá nhân.
Đảm bảo quyền tự do của người đàn ông trong gia đình khó như giữ lửa trong bếp. Bởi ai cũng biết ánh lửa bập bùng rất quyến rũ và ấm áp có thể gây ra trận hoả hoạn khủng khiếp nếu không biết cách phòng cháy chữa cháy trong quá trình “nhóm lửa”.
Ai đó đã ví người đàn ông giỏi như con ngựa chứng, phải dùng dây cương chứ không phải dây xích. Dây xích để giữ và giam cầm. Trong khi đó dây cương không phải để cấm không cho con ngựa chạy mà là để giúp ngựa chạy đúng hướng và về đích trong cuộc đua. Người giỏi là biết thả lỏng hay ghìm cương ngựa tuỳ từng chặng trên đường đua của cả hai.
Các cụ nhà mình dạy “lạt mềm buộc chặt”, lại cũng nói “già néo đứt dây”. Cái khéo ở đây là vợ và chồng dành cho nhau sự tôn trọng và tin tưởng, đồng thời mỗi người đều phải biết giữ mình và xây đắp lòng tin ở người kia từng ngày.
Theo ước tính của Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), mỗi năm có gần 6 triệu đàn ông Mỹ mắc chứng trầm cảm nhưng rất nhiều người trong số họ chẳng tâm sự được với vợ con, bởi họ luôn bị áp đặt rằng đàn ông là trụ cột gia đình và cần phải mạnh mẽ. Mà khi bị trầm cảm họ dễ hung hăng và bị kích động, ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và công việc. Người vợ không thấu hiểu lại còn siết thêm kỷ luật thì chỉ có nước nội chiến. |