“Ngã giá chung chi” có cấu thành tội phạm?
Trong quá trình xử lý một vụ án hình sự, một viện trưởng viện KSND cấp huyện ở Gia Lai đã gợi ý bị can chung chi để được hưởng án treo.
“Ngã giá chung chi” có cấu thành tội phạm?
Trong quá trình xử lý một vụ án hình sự, một viện trưởng viện KSND cấp huyện ở Gia Lai đã gợi ý bị can chung chi để được hưởng án treo.
Vụ việc bị phát hiện, ông viện trưởng không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử lý kỷ luật cảnh cáo vì “mới ngã giá chứ chưa nhận tiền”.
Từ câu chuyện thực tế này, một vấn đề pháp lý đặt ra là trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tố tụng có hành vi “ngã giá chung chi” nhưng chưa nhận được tiền đã cấu thành tội phạm hay chưa?
Ngã giá
Theo xác minh của Viện KSND tỉnh Gia Lai, tháng 8-2015 Công an huyện Đắk Đoa khởi tố vụ án cố ý gây thương tích đối với Lê Thị Đào (34 tuổi, trú tại thị trấn Đắk Đoa). Trước đó, giữa bị cáo Đào và người cùng trú tại thị trấn Đắk Đoa là bà Lê Thị Ánh đã xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc xô xát, Đào đã cầm một cục đá đánh khiến bà Ánh tổn hại sức khoẻ 10%.
Trong thời gian Viện KSND huyện Đắk Đoa nghiên cứu hồ sơ để ra cáo trạng, bà Đào đã nhiều lần gọi điện cho kiểm sát viên Viện KSND Đắk Đoa là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nhung và ông Trịnh Công Thương (viện trưởng Viện KSND huyện) với mong muốn được xử nhẹ.
Cụ thể ngày 16-12-2015, bà Đào gọi cho ông Thương đề cập việc sẽ bồi dưỡng cho toà án và Viện KSND huyện Đắk Đoa để được hưởng án treo. Nghe xong, ông Thương đã đồng ý.
Trong quá trình đợi phiên toà diễn ra, bị hại Lê Thị Ánh được một người cung cấp bằng chứng về các cuộc nói chuyện “ngã giá” giữa ông Thương và bà Đào. Lo sợ vụ án bị xử không nghiêm minh, bà Ánh đã gửi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng.
Tháng 2-2016, sau khi tiến hành xác minh, Viện KSND tỉnh Gia Lai khẳng định các nội dung tố cáo của bà Ánh là có cơ sở. Cụ thể: ông Trịnh Công Thương có trao đổi qua điện thoại với bị can Lê Thị Đào số tiền chung chi cho toà án và viện KSND để được hưởng án treo.
Trong một cuộc điện thoại, khi bị cáo Đào hỏi chung chi thế nào thì ông Trịnh Công Thương nói: “Bên viện mười lăm, bên toà cũng vậy luôn”.
Chưa nhận tiền
Mặc dù xác định hai cán bộ Viện KSND Đắk Đoa có sai phạm nhưng trong kết luận của mình, Viện KSND tỉnh Gia Lai cho rằng ông Trịnh Công Thương đã bị… đưa vào thế, đồng thời đổ lỗi cho bị can Đào đã có ý đồ trước nên chủ động, trực tiếp gọi điện thoại để trao đổi ngã giá…
Kết luận còn cho rằng ông Thương có đặt vấn đề tiền bạc với bị can nhưng chỉ “dừng lại ở việc trao đổi, ngã giá chứ chưa giao nhận tiền bạc”.
Về các cuộc điện thoại “ngã giá tiền bạc”, ông Trịnh Công Thương giải trình với cơ quan chức năng rằng trong lúc nói chuyện với bà Đào ông đã uống rượu, hơi mệt. Ông có nói đến chuyện tiền bạc nhưng không có ý định nhận tiền.
Từ các nội dung giải trình của các bên, Viện KSND tỉnh Gia Lai đã thành lập hội đồng kỷ luật để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Ngày 16-3-2016, Viện KSND tỉnh Gia Lai đã ra hai quyết định: khiển trách ông Trịnh Công Thương và kiểm sát viên Nguyễn Thị Quỳnh Nhung.
Sau khi có kết quả xử lý, mới đây Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai có công văn yêu cầu Viện KSND tỉnh Gia Lai xử lý lại vụ việc theo hướng nghiêm khắc hơn. Cơ quan này cho rằng việc xử lý hành chính ông Trịnh Công Thương chưa nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và động cơ vi phạm.
Trả lời Tuổi Trẻ về chỉ đạo trên, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Gia Lai trả lời: “Chúng tôi đã xử lý rồi nhưng giờ Uỷ ban kiểm tra yêu cầu như thế thì chúng tôi chấp hành thôi”.
Vẫn bị xử lý hình sự
Theo luật sư Đinh Văn Quế (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao), khi một người có chức vụ, quyền hạn đặt vấn đề, ra giá, hứa hẹn thực hiện một yêu cầu nào đó của người khác, dù sau đó chưa nhận được tiền vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi “nhận hối lộ” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Hình phạt của hành vi này có thể nhẹ hơn nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đồng quan điểm trên, luật sư Trương Xuân Tám (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng tội nhận hối lộ (điều 279 Bộ luật hình sự) được cấu thành do lỗi của người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Như vậy, dù người có chức vụ quyền hạn chưa nhận được tiền mà chỉ hứa hẹn để sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cũng phạm vào tội “nhận hối lộ”. Hơn nữa, hậu quả của hành vi nhận hối lộ không phải là dấu hiệu bắt buộc, có nghĩa dù hậu quả chưa xảy ra thì hành vi của người phạm tội vẫn cấu thành tội phạm.
Tương tự, nếu người tham gia thỏa thuận việc đưa tiền, vật chất không chủ động khai báo trước khi sự việc được phát hiện thì sẽ bị xử lý hình sự về hành vi “đưa hối lộ”.
Liên hệ với vụ việc vừa xảy ra ở Viện KSND Đắk Đoa, luật sư Tám cho rằng hành vi đặt vấn đề tiền bạc của ông Thương không những vi phạm nghiêm trọng về đạo đức tư cách, nguyên tắc của người làm công tác tố tụng mà còn có dấu hiệu của tội phạm, dù việc trao nhận tiền chưa diễn ra.
Việc không khởi tố điều tra các cán bộ có hành vi nhận hối lộ khi đã hội đủ các dấu hiệu phạm tội là thiếu nghiêm minh, có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm.
Tạm đình chỉ công tác ông Trịnh Công Thương Ngày 9-6, Viện KSND tỉnh Gia Lai cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trịnh Công Thương. Việc tạm đình chỉ này nhằm mục đích đánh giá lại tính chất, mức độ các sai phạm của ông Thương liên quan đến vụ bị tố cáo “ngã giá” với bị can. |