01/11/2024

Nhường giảng đường đại học cho em gái

Câu chuyện của hai anh em ruột Nguyễn Trang Sử Ngọc và Nguyễn Ngọc Như Ý đã gây xúc động đối với nhiều thầy cô giáo và sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp.

 

Nhường giảng đường đại học cho em gái

 

Câu chuyện của hai anh em ruột Nguyễn Trang Sử Ngọc và Nguyễn Ngọc Như Ý đã gây xúc động đối với nhiều thầy cô giáo và sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp.

 

 

 

 

Nhường giảng đường đại học cho em gái
Nguyễn Trang Sử Ngọc (bìa trái) trò chuyện với các bạn trong khoa tiểu học mầm non – Ảnh: V.TR.

“Hành động hi sinh chuyện học để đi làm thuê lo cho em gái đi học trước của Ngọc đã khiến thầy cô ở trường rất xúc động. Đó không chỉ là câu chuyện vượt khó bình thường, mà còn là một câu chuyện đẹp về tình cảm gia đình của người Việt

Thầy NGUYỄN VĂN ĐỆ

Vừa học xong năm thứ nhất thì em gái cũng thi đậu vào ĐH. Vì gia đình quá khó khăn nên người anh quyết định nghỉ học đi làm thuê phụ giúp ba mẹ lo cho em gái ăn học. Bốn năm sau, người anh thi ĐH lần thứ hai để tiếp tục ước mơ làm thầy giáo.

Câu chuyện của hai anh em ruột Nguyễn Trang Sử Ngọc và Nguyễn Ngọc Như Ý đã gây xúc động đối với nhiều thầy cô giáo và sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Tháng 6-2016 này Ngọc sẽ tốt nghiệp ra trường khi bước qua tuổi 26 – một cái kết có hậu và rất đẹp giữa đời thường.

Học kiểu chạy gạo 
từng bữa

Ngọc là con trai thứ hai trong một gia đình nghèo ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, còn Như Ý là em út. Anh trai lớn của Ngọc phải rời ghế nhà trường từ rất sớm để phụ giúp gia đình. Mới học xong lớp 9, Ngọc cũng có ý như anh trai.

Bà Võ Mỹ Châu (mẹ Ngọc, là giáo viên) cương quyết không đồng ý. Bà nói: “Phải cố gắng đi học, được ngày nào hay ngày nấy. Nhà có 2,5 công ruộng, một mình ba mẹ làm được rồi. Cuộc sống khó khăn thì cũng sẽ có lúc hết, nhưng nếu các con không học thì sẽ khổ cả đời”. Chuyện mặc quần áo vá, mang dép rách, bụng đói đến trường với hai anh em Ngọc là chuyện rất bình thường.

Học xong lớp 10, Ngọc lại xin ba mẹ cho nghỉ học. “Mỗi lần xin tiền đóng học phí, mua sách vở… là mẹ phải xin ứng lương hoặc đi vay mượn. Nhìn cảnh đó mình chịu không nổi” – Ngọc tâm sự. Lo tiền học cho con xong, bà Mỹ Châu lại tiếp tục động viên các con.

Thi tốt nghiệp phổ thông xong, Ngọc thi vào ngành sư phạm hoá Trường ĐH Đồng Tháp vì ngành này không phải đóng học phí và trúng tuyển. Lúc này bạn không còn muốn nghỉ học nữa mà đặt quyết tâm đi làm thêm để có tiền ăn học.

Hi sinh cho em gái

Ngọc học xong năm thứ nhất thì Như Ý cũng trúng tuyển vào ĐH Đồng Tháp. Nhìn giấy báo nhập học của Như Ý, cả nhà ai cũng vui. Nhưng niềm vui ấy nhanh chóng vụt tắt với nỗi lo lắng làm sao lo nổi hai đứa con học ĐH cùng lúc.

Ngọc kể hôm đó không khí gia đình nặng nề lắm. Anh hai làm công nhân, có tiết kiệm lắm thì mỗi tháng chỉ gửi về chừng 1 triệu đồng. Việc làm thêm của Ngọc cũng chỉ giúp bạn đỡ đần chút chi phí, vẫn cần thêm tiền của gia đình.

Lương giáo viên của mẹ khá thấp, không thể lo nổi cho Như Ý đi học. Nhìn thấy em gái thất vọng, Ngọc thưa với ba mẹ: “Tạm thời con xin nghỉ học để lên Sài Gòn đi làm với anh hai phụ giúp ba mẹ. Khi nào Như Ý ra trường thì con sẽ thi ĐH trở lại”.

Ban đầu cả nhà không ai đồng ý nhưng bàn tới bàn lui không còn giải pháp nào hay hơn nên đành chấp nhận.

Như Ý (hiện đang là giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Đại, huyện biên giới Tân Hưng, tỉnh Long An) kể: “Hôm đó anh ba nói em là con gái phải tranh thủ học hành rồi đi làm. Bây giờ không học sau này khó tìm việc làm. Mai mốt có gia đình mà không có việc làm, không tự chủ được kinh tế thì sẽ càng khổ hơn. Còn anh ba là con trai, nghỉ vài năm rồi đi học trở lại cũng không sao. Anh ba bảo em cứ yên tâm đi học, hai anh sẽ đi làm phụ ba mẹ lo cho em. Thấy anh ba hi sinh chuyện học vì em như vậy, em thật sự rất hạnh phúc”.

Hôm sau Ngọc sắp xếp quần áo đón xe lên Sài Gòn ở trọ và cùng đi làm thuê với anh hai. Một thời gian sau, bạn bè, thầy cô mới biết Ngọc nghỉ học đi làm thuê ở Sài Gòn để lo cho em gái đang học tại trường này.

Trong những năm ở Sài Gòn, Ngọc làm đủ thứ việc từ thợ hồ, phục vụ bàn quán ăn, quán cà phê tới công nhân xưởng sản xuất mút xốp… “Mỗi tháng hai anh em dành dụm từ 1-2 triệu đồng gửi về phụ ba mẹ lo cho Như Ý đi học. Trong thời gian đi làm thuê, những lúc rảnh rỗi mình cũng mang sách vở ra ôn bài để chờ cơ hội thi ĐH lại” – Ngọc kể.

Khi em gái Như Ý học năm cuối thì Ngọc trở về Trà Vinh phụ ba mẹ làm ruộng và tập trung ôn tập để tham gia kỳ thi ĐH. Mấy năm đi làm thuê ở Sài Gòn, Ngọc cũng dành dụm được một ít để trang trải việc học năm đầu nếu thi đậu.

Lần thi ĐH thứ hai này Ngọc chọn ngành sư phạm tiểu học giống như em gái chứ không tiếp tục học ngành sư phạm hóa. Nỗ lực của Ngọc cuối cùng cũng thành công: trúng tuyển ĐH lần thứ hai. Đó cũng là lúc Như Ý tốt nghiệp ra trường, về làm giáo viên ở huyện biên giới Tân Hưng, tỉnh Long An.

Trong bốn năm học ĐH, Ngọc phải làm thêm đủ thứ việc để có tiền trang trải việc học, không phải xin tiền ba mẹ. Năm đầu thì làm phục vụ bàn quán cà phê và đi dạy kèm. Những năm sau phụ huynh biết Ngọc dạy kèm nhiệt tình, có kết quả tốt nên “đặt hàng” rất nhiều.

Nhiều ngày trong tuần bạn phải dạy kèm đến 21g mới được về nhà nghỉ ngơi, ăn uống rồi học bài đến khuya. Nói về dự định cho ngày ra trường, Ngọc cười hiền: “Mình thích nghề giáo từ nhỏ nên mới quyết tâm học sư phạm để được đứng lớp như mẹ”.

Thầy Nguyễn Văn Đệ, hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, cho biết các thầy cô ở trường đánh giá rất cao Nguyễn Trang Sử Ngọc về năng lực học tập và nghiên cứu. Là bí thư Đoàn khoa với khoảng 4.000 đoàn viên – sinh viên, Ngọc chứng tỏ mình là thủ lĩnh có uy tín, luôn đi đầu trong phong trào tình nguyện vì cộng đồng.

Trong bốn năm ĐH, Ngọc đã có hai công trình nghiên cứu dành cho sinh viên có chất lượng tốt là “Một số khó khăn của sinh viên năm nhất của khoa tiểu học mầm non” và “Rèn luyện tư duy cho học sinh tiểu học thông qua giải toán có lời văn”.

VÂN TRƯỜNG