Đứa bé cút côi
Mới 8 tuổi, Nguyễn Thị Thuý trở thành đứa trẻ côi cút sau khi mẹ đi tù. Nụ cười và sự hồn nhiên của bé cũng đã biến mất từ sau cái chết của anh trai…
Đứa bé cút côi
Mới 8 tuổi, Nguyễn Thị Thuý trở thành đứa trẻ côi cút sau khi mẹ đi tù. Nụ cười và sự hồn nhiên của bé cũng đã biến mất từ sau cái chết của anh trai…
Anh trai mất, mẹ đi tù, bé Thúy phải ở nhờ nhà người bác ruột – Ảnh: T.L. |
Mẹ thường xuyên vắng nhà rồi đi về thất thường, hai anh em Nguyễn Chiến Thắng (12 tuổi) và Nguyễn Thị Thuý (8 tuổi, thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) thường phải tự chăm sóc lẫn nhau.
Hằng ngày, Thắng đạp xe chở em đi học rồi trưa về nhà nấu cơm cho em ăn. Hôm nào không nấu được cơm thì hai anh em ăn mì gói trừ bữa. Người hàng xóm làm nghề bán bánh cuốn thấy thương hai anh em nên hôm nào bánh còn dư, bà thường mang cho hai đứa trẻ.
Nuôi cháu thì dễ nhưng để thành người thì khó lắm |
Ông NGUYỄN VĂN QUÂN |
Bi kịch gia đình
Thắng và Thuý lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cả cha lẫn mẹ. Ông T. – cha của hai anh em – là người đã có vợ con ở Hà Nội. Vợ không sinh được con trai, ông T. về huyện Sóc Sơn chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Sự (44 tuổi) với mong muốn bà Sự sinh cho mình một thằng con để nối dõi tông đường.
Anh em Thắng chào đời nhưng không được mang họ cha vì ông T. không bỏ vợ con ở Hà Nội, cũng không thể chung sống trọn vẹn với bà Sự.
Năm Thúy được 5 tuổi thì ông T. qua đời vì bệnh. Bà Sự bắt đầu vắng nhà triền miên. Anh em Thúy cứ dựa vào nhau mà sống. Họ hàng thương tình, thỉnh thoảng cho hai anh em một vài trăm ngàn đồng đóng học phí và mua thức ăn.
Rồi bà Sự đem lòng yêu thương một người đàn ông khác cũng đã có gia đình. Bà quên đi hai đứa con luôn mong ngóng mình ở nhà. Khi bà vướng sâu vào lô đề, cờ bạc rồi vỡ nợ thì nhà đất cũng lần lượt bị gán, bị cầm cố cho các chủ nợ.
Số tiền nặng lãi cứ ngày một tăng dần. Cuộc sống ngày một túng quẫn khiến bà Sự nảy sinh ý định giết chết hai con rồi tự tử.
“Anh đến nhà em đi. Thằng Thắng đi học bị ngã xe chết rồi” – ông Nguyễn Văn Quân (anh trai bà Sự) vẫn còn bàng hoàng khi kể lại nội dung cuộc điện thoại mà ông nhận được từ bà Sự ngày 14-12-2015.
Khi ông Quân cùng con trai đến nhà đã thấy bé Thắng nằm co quắp trên tấm phản gỗ với khuôn mặt tím tái. Còn Thuý đứng gần đó hoảng hốt nhìn anh trai. Thắng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sóc Sơn.
Sau khi xem xét các vết thương trên cơ thể Thắng, các bác sĩ nghi ngờ bé chết không phải do bị ngã như lời bà Sự khai. Bà Sự bị bắt trước khi đám tang của con diễn ra.
Tại cơ quan điều tra, người mẹ khai đã dùng chăn trùm kín người con rồi bóp cổ, đập đầu con xuống tấm phản gỗ. Thuý đi học về, may mắn vì nhà có mấy đứa trẻ hàng xóm đến chơi nên bà Sự chưa thực hiện được ý định giết luôn con gái.
Lo lắng muộn màng…
“Em xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Nhờ anh chị cố gắng nuôi dạy cháu Thúy tới khi em ra tù chứ đừng gửi cháu vào trại trẻ mồ côi mà tội nghiệp”… Mấy dòng chữ nguệch ngoạc có nội dung như trên được bà Sự (hiện đang bị giam tại trại tạm giam số 1 Công an TP Hà Nội) viết trong sổ tay của luật sư nhờ nhắn về cho gia đình ông Quân.
Việc bà Sự đánh chết con trai 12 tuổi một cách tàn bạo làm người dân thôn Dược Hạ bàng hoàng đau xót. Những ngày cuối tháng 5, khi chúng tôi về huyện Sóc Sơn thăm Thuý, nhiều người dân vẫn còn nhắc đến bà Sự với đầy vẻ cay nghiệt: “Đứa con ngoan ngoãn, học giỏi như thế mà nó nỡ tâm giết chết”.
Sau khi anh chết, mẹ đi tù, Thuý được đưa về ở với gia đình ông Quân. Bây giờ, thỉnh thoảng lại có người đến nhà ông Quân tìm mẹ con Thúy đòi nợ.
8 tuổi, Thúy biết anh chết vì bị mẹ giết, biết mẹ đã bị bắt đi tù. Trước những lời bàn tán đầy ác ý về gia đình mình, cô bé tuyệt nhiên không bao giờ dám nhắc đến mẹ. Chỉ khi nào có người hỏi: “Có nhớ mẹ không?”, Thúy mới ngập ngừng bảo: “Có”.
8 tuổi, Thuý bé loắt choắt, cân nặng chỉ bằng đứa trẻ lên 4. Ông Quân nói khi còn sống với anh trai, hai anh em dù thiếu vắng tình thương của cha mẹ nhưng vẫn lí lắc cười đùa với nhau cả ngày. Từ ngày anh mất, nụ cười ấy của bé Thúy biến mất.
Ngôi nhà anh em Thúy từng sống giờ bỏ hoang, chỉ còn bàn thờ của Thắng ở đó. Thỉnh thoảng Thuý vẫn theo bác trở về nhà cũ thắp hương cho anh trai. Cô bé ngày càng trở nên ít nói và rụt rè. Tôi hỏi câu gì, bé cũng chỉ trả lời lí nhí và cộc lốc.
“Nó ngoan lắm, bác nói gì thì chẳng bao giờ dám cãi. Tôi cũng không hiểu sao chẳng bao giờ nghe nó hỏi hay nhắc gì đến mẹ…” – ông Quân kể.
Gia đình ông Quân đã nhờ người quen tìm hiểu để gửi Thuý vào làng trẻ SOS. Sau khi hỏi quản giáo và bạn tù, bà Sự mới nhờ luật sư nhắn ông Quân nuôi hộ Thuý đến ngày bà ra tù. Nhưng gia đình ông Quân bảo: “Nuôi cháu thì dễ nhưng để thành người thì khó lắm”.
“Tôi định đợi đến khi ra toà sẽ thuyết phục mẹ nó cho cháu vào làng trẻ SOS” – ông Quân nói. Còn bà Sự vẫn nhất mực không muốn đưa con vào làng trẻ SOS. Những ngày cuối tháng 5, bà Sự đã nhờ luật sư tìm người nhận nuôi con mình.
“Bà ấy cứ mong có người nhận Thuý làm con nuôi” – luật sư nói.