Đó là cách quản lý mới của TP.Hà Nội được giới thiệu tại Hội nghị triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức tại Hà Nội ngày 12.5.
Thí điểm phần mềm quản lý người bán dâm
Đó là cách quản lý mới của TP.Hà Nội được giới thiệu tại Hội nghị triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức tại Hà Nội ngày 12.5.
Bà Trương Thị Thu Thuỷ, Phó ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) VN, cho biết để hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng, các cấp hội LHPN đã tổ chức các lớp học nghề cho chị em. Tuy nhiên, có nhiều ca không thành công, người bán dâm vẫn quay về con đường cũ. “Nhiều chị em ngày tham gia học nghề, nhưng đêm vẫn bán dâm. Chưa kể có những đối tượng lười lao động, bán dâm không phải do hoàn cảnh xô đẩy”, bà Thuỷ chia sẻ và cho rằng hoạt động mại dâm xuất phát từ nhu cầu thực tế và nó đang xảy ra hằng ngày, trên nhiều địa bàn cả nước. “Chúng tôi vẫn nói với lực lượng công an rằng nhìn bằng mắt thường thì cũng phát hiện ra khối đấy, nhưng tại sao vẫn hoạt động nhiều thế?”, bà Thuỷ nói.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng cần phải “nghĩ mở, nói thẳng”, nhìn vào sự thật. Ngay ở Hà Nội hoạt động mại dâm bắt đầu có từ xưa. Ở phố Thổ Quan, Khâm Thiên, nhu cầu mua dâm, bán dâm là có thật. Từ quan điểm này, chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 – 2020 đưa ra cách cách tiếp cận mới, đó là đảm bảo quyền công dân, quyền con người của những người bán dâm. Đặc biệt chương trình sẽ mở ra mô hình hỗ trợ người bán dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí; hỗ trợ tư pháp cho những người mua bán dâm.
Phi hình sự hoá hoạt động mại dâm
Chấp nhận hoạt động mại dâm để quản lý
Từ kinh nghiệm học hỏi tại Hà Lan, ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai, đề xuất: “Quan điểm của tôi, chúng ta nên chấp nhận hoạt động mại dâm để giảm hại. Vấn đề quan trọng là địa bàn đó có mất trật tự an ninh hay không, có yên ổn hay không, cuộc sống của người dân có ổn định hay không. Nếu bỏ lệnh cấm, địa bàn vẫn ngon lành thì tốt chứ sao”.
Cũng từ quan điểm mới về công tác phòng, chống mại dâm, TP.Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý gái mại dâm. Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.Hà Nội, hiện số nữ bán dâm trên địa bàn Hà Nội dao động từ 2.000 – 3.000 người. “Từ tháng 1.2016, ngành
LĐ-TB-XH chủ trì xây dựng phần mềm và hiện chúng tôi đang thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý gái mại dâm ở 59 phường thuộc 3 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Mục tiêu khi xây dựng xong phần mềm sẽ hỗ trợ, giảm hại cho người bán dâm. Chúng tôi dự kiến phối hợp với bên công an định kỳ quý hoặc 6 tháng/lần ngồi lại để chốt danh sách người bán dâm. Thông tin dữ liệu sẽ được cập nhật vào phần mềm trong thời gian sớm nhất có thể”, ông Thức nói.
Ủng hộ các địa phương có những giải pháp, sáng kiến trong công tác phòng, chống mại dâm, ông Nguyễn Xuân Lập cho rằng VN có thể học tập các quốc gia ở châu Á, châu Âu cố gắng làm sao phi hình sự hoá về mại dâm, tiếp cận theo hướng tôn trọng Hiến pháp, quyền công dân để bảo vệ quyền công dân, quyền con người. “Phương pháp tiếp cận tiến bộ đối với hoạt động mại dâm mà chúng tôi và các tổ chức, các cơ quan từ T.Ư đến địa phương mong muốn là phải nhân văn hơn và thực tế hơn”, ông Lập chia sẻ.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, việc tiếp nhận đối tượng người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội không bị coi là xử lý vi phạm hành chính.