28/12/2024

Tiền để dành cho ba càng nhiều, ba càng yếu đi

Mấy ngày nay, ai đến tiệm uốn tóc cũng thấy chị buồn rười rượi. Nước mắt chực chờ lúc nào không biết mà mới hỏi một câu chị đã khóc ướt hai má.

 

Tiền để dành cho ba càng nhiều, ba càng yếu đi

Mấy ngày nay, ai đến tiệm uốn tóc cũng thấy chị buồn rười rượi. Nước mắt chực chờ lúc nào không biết mà mới hỏi một câu chị đã khóc ướt hai má.





 /// Minh họa: Văn Nguyễn

Minh hoạ: Văn Nguyễn


Chị mồ côi mẹ khi mới lên mười. Ba làm thân gà trống nuôi 6 người con. Rồi chị trưởng thành, xa gia đình lên thành phố học nghề, mở tiệm uốn tóc. Từ ngày mở tiệm chị ít về thăm ba. Không phải ngại đường xa mà sợ mất tiền lời, tiền thuê nhà hằng ngày. Chị thương ba một đời vất vả nên cố gắng làm kiếm thật nhiều tiền để sau này lo cho ông tuổi xế chiều.
Tuổi thanh xuân lặng lẽ qua, chị không lấy chồng cũng vì muốn sau này có điều kiện chăm sóc ba tốt hơn. Ngày này qua tháng nọ, hàng xóm không thấy chị đi đâu chơi. Mỗi lần có ai cắc cớ, nửa đùa nửa thật “làm mà không ăn xài tiền để đâu cho hết”, chị cười hiền: để dành cho ba!
Đám giỗ má chị tranh thủ về rồi vội vã trở lại thành phố. Lúc đưa chị ra đón đò, giọng ba buồn: “Bộ không ở lại một ngày với ba được sao con? Ở nhà một ngày con mất bao nhiêu tiền lận”? Chị cúi gằm mặt, rưng rưng. Chị định ở lại nhưng có nhiều khách hàng quen gọi điện hối thúc nên đắn đo, đi chẳng nỡ ở chẳng đành. Nhưng rồi nghĩ phải có nhiều tiền để dành cho ba. Vậy là chị đi mà không biết ba mình hụt hẫng.
…Ba bệnh. Bác sĩ cho hay ông bị ung thư gan giai đoạn cuối. Chị khóc ngất. Chị không tin vì thấy ba đang mạnh khoẻ, vẫn ngày ngày gánh vác chuyện đồng áng. Chị ỷ lại tuổi tác, sức lực của ba và lúc nào cũng đinh ninh rằng mình cực khổ để ba được sung sướng tuổi già. Nhưng không, sự sống của ba giờ đây chỉ được tính bằng ngày.
Bây giờ ai đến tiệm hỏi thăm ba là chị khóc. Không biết khóc ba hay khóc cho mình. Suốt mười mấy năm qua, không tết nào chị về quê bởi đó là cơ hội kiếm được nhiều tiền. Trong khi đó, ba rất cần chị, cần các con có mặt đông đủ trong nhà những ngày đầu năm.
Tiền để dành cho ba ngày càng nhiều. Bệnh tình làm ba ngày càng yếu đi. Nghĩ đến điều này, lòng chị nghẹn đau. Giờ thì chị mới ngộ ra không ai định đoạt được thời gian, tuổi tác và sức khoẻ cho mình. Giá như trước đây chị dành nhiều thời gian cho ba hơn thì đó mới chính là “của để dành”.

 

Thanh Trang