24/12/2024

Nỗi đau của nạn nhân mắc bệnh Minamata

Nhiều nạn nhân mắc bệnh Minamata khi Nhà máy Chisso xả nước thải có chứa chất độc thuỷ ngân ra vịnh Minamata cảm thấy mình bị sỉ nhục vì nhiều người xem họ là dân xin xỏ, hám tiền.

 XẢ THẢI RA BIỂN: THẢM HỌA VỊNH MINAMATA – KỲ CUỐI:

Nỗi đau của nạn nhân mắc bệnh Minamata

 

Nhiều nạn nhân mắc bệnh Minamata khi Nhà máy Chisso xả nước thải có chứa chất độc thuỷ ngân ra vịnh Minamata cảm thấy mình bị sỉ nhục vì nhiều người xem họ là dân xin xỏ, hám tiền. 

 

 

 

 

Nỗi đau của nạn nhân mắc bệnh Minamata
Kawamoto Teruo ngồi trên bàn đối thoại với chủ tịch Shimada Kenichi vào tháng 7-1973 – Ảnh: Tsuchimoto Noriaki

Từ năm 1968, tức sau khi Nhà máy Chisso ngưng xả nước thải có chứa chất độc thuỷ ngân ra vịnh Minamata, nhà máy, chính quyền hoặc thậm chí các tổ chức ủng hộ nạn nhân mắc bệnh Minamata chỉ xem họ là người nhiễm bệnh và là nạn nhân ô nhiễm công nghiệp. 

Chuyện bồi thường cho những người nhiễm bệnh Minamata được định lượng bằng tiền chứ không ai chú ý đến đời sống nội tâm và nỗi đau của họ.

Đã có lúc chính quyền tỉnh Kumamoto còn hê lên có bệnh nhân giả mạo để đòi tiền bồi thường. Trong xã hội người ta kháo nhau rằng những người nhiễm bệnh Minamata toàn là dân xin xỏ, kẻ hám tiền.

Trong bối cảnh ấy, nhiều người nhiễm bệnh đã cảm thấy mình bị sỉ nhục. Họ đã bị chấn thương tâm lý và tinh thần. Từ đó mới dẫn đến chuyện anh Kawamoto Teruo ngồi trên bàn đối thoại tay đôi với chủ tịch Công ty Chisso.

Đối thoại tay đôi

Ngày 20-3-1973, tòa án TP Kumamoto đã công bố phán quyết về vụ 112 người và 28 gia đình kiện Nhà máy Chisso ở Minamata hồi tháng 6-1969.

Phán quyết nêu Công ty Chisso phải chịu trách nhiệm bồi thường vì hành động bất cẩn hiển nhiên đã dẫn đến bệnh Minamata; phán quyết cũng buộc Chisso phải bồi thường mỗi nguyên đơn 16 – 18 triệu yen (44.800 – 50.400 USD). Đây là số tiền bồi thường lớn nhất từ trước đến nay do một tòa án ở Nhật quyết định.

Những người nhiễm bệnh hài lòng với bản án nhưng họ suy tính khoản tiền bồi thường ấy vẫn không thể bảo đảm lâu dài cho chi phí điều trị trong tương lai.

Họ cũng cho rằng Công ty Chisso cần phải bồi thường tất cả những người nhiễm bệnh Minamata đã được cơ quan y tế thừa nhận chứ không chỉ các nguyên đơn đi kiện.

Đây là lần đầu tiên nỗi khổ đau của những người nhiễm bệnh Minamata được toà án thừa nhận. Quan trọng hơn, đây là cơ sở pháp lý để những người nhiễm bệnh đối thoại trực tiếp với Nhà máy Chisso.

Bốn tháng sau phán quyết của t, những người nhiễm bệnh đã đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo Chisso. Sự kiện này đã được đạo diễn Tsuchimoto Noriaki ghi lại trong bộ phim dài hai tiếng.

Chủ tịch Công ty Chisso Shimada Kenichi cùng ban lãnh đạo tiếp khách tại chiếc bàn dài. Ông ngồi trò chuyện với họ với thái độ hết sức trọng thị. Trong khi một số người nhiễm bệnh vẫn giữ thái độ cung kính thì một số khác đã đảo lộn tôn ti trật tự lâu nay.

Anh Kawamoto Teruo phát biểu mà chẳng cần rào trước đón sau, thậm chí còn ngồi xếp bằng trên bàn nhìn xuống để trò chuyện với chủ tịch Shimada. Dù vậy trong cuộc đối thoại trực tiếp, anh vẫn không thể hiện thái độ oán giận.

Bối cảnh đối thoại như một cuộc cách mạng đối với người dân Minamata. Lâu nay họ luôn xem mấy ông chủ Chisso gần như là thánh sống, sống trong thế giới cao sang bên cạnh hoàng gia (văn phòng Công ty Chisso toạ lạc trong khu kinh doanh ở nhà ga Tokyo cạnh hoàng gia).

Đối với Kawamoto Teruo, đây không phải lần đầu anh gặp chủ tịch Shimada. Lần trước, trong cuộc đối mặt đầu tiên tại văn phòng Công ty Chisso vào ngày 7-12-1971 (một tháng sau nhóm của anh bị dụ đến nhà máy ở Goi và bị đánh), chủ tịch Shimada đã ngất xỉu vì huyết áp tăng.

Chủ tịch Shimada được đưa lên nằm trên bộ ván trong khi Kawamoto quỳ bên cạnh và thì thầm kể lại cái chết của cha anh.

Anh là con thứ bảy trong gia đình hành nghề chài lưới, còn cha anh vào Nhà máy Chisso làm công nhân.

Từ năm 1959, cha anh bắt đầu bộc lộ các triệu chứng nhiễm bệnh Minamata như tê cứng tay chân, rối loạn ăn nói, đi đứng loạng choạng, nhìn kém. Dần dần ông còn không nhận ra ai nữa và qua đời vào tháng 4-1965.

Nỗi đau của nạn nhân mắc bệnh Minamata
Những người nhiễm bệnh Minamata va chạm với đại diện Nhà máy Chisso ở Minamata năm 1971 – Ảnh: EUGENE SMITH

“Tự hoà giải với chính mình”

Ogata Masato là con một gia đình ngư dân ở làng Meshima, cách Minamata chừng vài cây số. Tương tự hoàn cảnh của Kawamoto Teruo, cha mẹ Ogata qua đời do nhiễm chất độc thuỷ ngân.

Anh rời gia đình, sa vào giới tội phạm rồi phải vào tù. Giáo dục viên đã khuyên anh nên trở về quê tìm cách bảo vệ các nạn nhân của Nhà máy Chisso.

Sau đó, Ogata đã sát cánh cùng Kawamoto đấu tranh để Nhà máy Chisso và các cơ quan nhà nước thừa nhận hàng ngàn người nhiễm bệnh Minamata chứ không chỉ thừa nhận một số ít người đi kiện như phán quyết ngày 20-3-1973 của toà án TP Kumamoto.

Khi vấp phải thái độ từ chối của nhà máy, Ogata tìm cách đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Chisso và các cơ quan nhà nước giống như Kawamoto. Và bắt chước Kawamoto, anh luôn ngồi xếp bằng trên bàn trong lúc đối thoại.

Thế nhưng khác với Kawamoto, Ogata muốn tìm kiếm điều gì đó hơn nữa. Tận trong thâm tâm, anh vẫn còn câu hỏi: Tiền bồi thường có thật sự giải quyết rốt ráo món nợ các bậc sinh thành của anh đã qua đời trong hoàn cảnh bệnh tật hay không?

Năm 1985, Ogata đưa ra quyết định hết sức lạ đời. Anh lên tỉnh rút đơn yêu cầu thừa nhận nhiễm bệnh đã nộp 11 năm trước. Người thân trong gia đình, vợ anh và cả Kawamoto đều không hiểu nổi trong khi Ogata rơi vào trạng thái trầm uất nặng.

Sau khi tìm được việc làm, anh hồi phục dần. Một ngày nọ, anh nói với người thân anh sẽ đến Nhà máy Chisso ở Minamata bắt đầu một hình thức phản đối mới.

Tháng 12-1987, Ogata đến ngồi trước cổng Nhà máy Chisso. Trên băngrôn anh nêu yêu cầu muốn đối thoại trực tiếp với toàn bộ nhân viên Chisso nhằm khôi phục tình người vốn đã bị tiền bạc che khuất. Anh cũng yêu cầu cùng gia đình được tham quan nhà máy.

Thế rồi Ogata được mời vào văn phòng để đối thoại, được xem nơi nhà máy từng sử dụng thuỷ ngân. Cán bộ nhà máy dẫn anh đi tham quan với thái độ rất lịch sự. Sau đó nhà máy còn mời gia đình anh dùng cơm tối.

Hình thức đấu tranh để được thừa nhận của Ogata là gì? Ogata luôn tự hỏi: Nếu anh là Nhà máy Chisso hay chính quyền, anh có làm như họ không? Từ đó, anh cho rằng gây ra chứng bệnh Minamata là tội ác chống nhân loại và nguyên nhân vì con người đã không còn xem con người là con người nữa.

Nhà văn Ishimure Michiko đã mô tả trường hợp của Ogata là “tự hoà giải với chính mình”. Đó là tâm thế cố gắng vượt qua oán hận ngày đêm gặm nhấm tâm can để tìm lại được chính mình.

Nhưng, tha thứ hoàn toàn không phải là điều dễ dàng!

Thông qua công ước Minamata

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, chất thải kim loại chứa methyl thuỷ ngân từ Nhà máy Chisso thải ra vịnh Minamata đã ảnh hưởng tối thiểu 50.000 người.

Từ năm 1932 – 1966, Nhà máy Chisso đã xả thải khoảng 400 tấn thuỷ ngân. Số liệu chính thức của Chính phủ Nhật ghi nhận có 2.265 người chết. Đến năm 2009, hơn 13.000 người nhiễm bệnh được công nhận.

Từ năm 1977, bùn nhiễm thuỷ ngân trong vịnh Minamata đã được xử lý và niêm phong. 71.000m2 bùn nhiễm tuỷ ngân đã được xử lý. 1.539.000m2diện tích mặt nước có trầm tích nhiễm thuỷ ngân với hàm lượng hơn 25ppm được nạo vét. Chi phí tốn khoảng 48,5 tỉ yen (543 triệu USD) kéo dài trong 10 năm. Công ty Chisso chi trả 63%.

Sau nhiều năm đàm phán, tháng 1-2013 Liên Hiệp Quốc đã thông qua Công ước Minamata về thuỷ ngân.

Công ước quy định từ nay đến năm 2025 phải đóng cửa các mỏ thuỷ ngân, đồng thời cấm các sản phẩm hoặc quy trình sử dụng thủy ngân hay có chứa thuỷ ngân.

HOÀNG DUY