26/12/2024

Nhẫn nhịn vượt sóng, gặt hạnh phúc

Mày không được lấy nó. Con gì mà không biết cha mình làm gì, ở đâu. Vô tâm thế là cùng!

 

Nhẫn nhịn vượt sóng, gặt hạnh phúc

 

Mày không được lấy nó. Con gì mà không biết cha mình làm gì, ở đâu. Vô tâm thế là cùng!

 

 

 

 

 Mẹ mắng tôi một trận sau buổi người yêu “ra mắt”. Còn anh sa sầm mặt lúc mẹ tôi không ưng trước những câu trả lời của anh. Vội vã chào mẹ, anh bước ra khỏi nhà với tâm trạng rối bời. Mẹ vừa lên lầu, tôi phóng xe chạy theo anh. Lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến cảnh con trai khóc. Khoé mắt anh đỏ cay, mặt ửng hồng.

Gia đình người yêu tôi là bộ đội, ba tham gia công tác bí mật nên mấy mẹ con anh không được biết. Anh chào đời những năm sau giải phóng, nhưng không gần ba vì ông thường xuyên đi xa. Ở cái tuổi vô tư, hồn nhiên, anh chưa hỏi kỹ nhiệm vụ cha mình làm gì trong chiến tranh, đến lúc sang tuổi thiếu niên thì ông trở bệnh nặng, về hưu sớm, sau đó mất trí nhớ và nằm một chỗ.

Người mẹ vất vả với bốn đứa con, nay thêm chồng bệnh nặng nên câu chuyện cơm áo gạo tiền và những thiếu thốn trong gia đình cứ xoắn lấy bà mỗi ngày. Thông tin về cha, anh biết qua cuốn lý lịch, biểu thị qua những dòng chữ, con số sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn.

Quen nhau, tôi xác định phải “đương đầu” và vượt khó dữ lắm vì mẹ muốn hướng đến đối tượng khác. Hò hét rồi nhỏ nhẹ, thấy vô tác dụng, mẹ bảo: “Dẫn nó về nhà chào gia đình xem”. Và một buổi ra mắt thất bại như vậy.

Anh dứt khoát: “Mẹ em đòi hỏi cao quá, anh không đủ tiêu chuẩn đáp ứng. Xem như mình có duyên không nợ thôi em à”. Dù rất khổ tâm nhưng tôi vẫn động viên anh. Thuyết phục mãi, lúc tĩnh tâm, anh mới dẹp qua sự tự ái để tiếp tục mối quan hệ. Những buổi đi chơi của chúng tôi nhiều hơn, nhưng tuyệt nhiên không về nhà tôi nữa.

Chuyện gì đến phải đến. Quen nhau 4 năm, chúng tôi quyết định kết hôn. Lúc này, chương trình cao học của tôi đã hoàn thành, chờ ngày lấy bằng. Mẹ ra tối hậu thư “khi nào cầm tấm bằng trên tay mới tính”.

Chiều mẹ, hai đứa bảo nhau chờ thêm năm nữa để dành dụm tiền làm đám cưới. Một năm trôi qua, nhắc đến chuyện cưới xin, mẹ ậm ừ: “Hai đứa chưa được kết nạp Đảng nên phấn đấu lên con à”. Năm ấy, cả hai đều được kết nạp, cách nhau hai ngày. Mang niềm vui về khoe với mẹ, bà quyết liệt: “Mới đảng viên dự bị à, khi nào được chuyển đảng chính thức mới chắc”.

Tuổi xuân của tôi trôi tiếp. Thi thoảng, anh vào nhà chơi nhưng mẹ tìm cách từ chối khéo và không tiếp anh. “Anh nặng nợ với em, chứ nếu người khác, có lẽ mọi chuyện gãy gánh lâu rồi”. Chúng tôi cùng cười để mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn.

Ngày cầm quyết định chuyển đảng chính thức trên tay, về “báo cáo mẫu hậu”, tôi cầm chắc mẹ không còn lý do gì ngăn cản nữa. Vậy mà mẹ thản nhiên: “Nhà mình miền Nam, gia đình nó miền Bắc.

Từ nhỏ đến lớn con chỉ lo ăn học, biết nấu nướng gì đâu mà làm dâu, lại là dâu Bắc”… Lúc bình tĩnh, khi khóc ròng, tôi đều cố gắng giải thích để mẹ hiểu tình cảm chúng tôi dành cho nhau. Cản mãi không được, mẹ tôi nói thẳng: “Hai đứa cùng làm cơ quan nhà nước, sao đủ tiền sinh sống, rồi nuôi con cái bằng gì?”. Câu nói của mẹ khiến tôi và anh suy nghĩ rất nhiều. Vì đó là thực tế!

Cuối cùng, chúng tôi vẫn quyết định đến với nhau. Mẹ giận, không đứng ra tổ chức đám cưới, cũng không cho tôi món quà gì về nhà chồng. Ba thương tôi, hiểu lòng con nên vun vén vào. Nhưng ba nói: “Tụi con đã lựa chọn và suy nghĩ kỹ. Sau này dù khó khăn gì cũng phải vượt qua”. “Chiến tranh lạnh” giữa ba mẹ tôi kéo dài cả tháng.

Gần chục năm chung sống, có hai bé con, đứa con rể ngày nào mẹ “dị ứng và khó chịu” vẫn đều đều cuối tuần chở vợ con về thăm bà. Anh ân cần đút mẹ ăn cơm. Đã mấy năm nay mẹ tôi bệnh nặng, không đi đứng, nói chuyện được, cũng chẳng thể tự ăn uống và vệ sinh cho mình.

Chị em tôi thay phiên nhau chăm sóc bà cùng những người con rể. Gợi chuyện ngày xưa “Có bao giờ anh giận mẹ em không?”, anh cười hiền: “Lúc đó anh giận chút nhưng từ ngày có con gái, anh mới hiểu nhiều. Sau này chắc anh khó giống má, vì thương con mà, nhưng “phương pháp” sẽ dễ thở hơn!”. Tôi thấy thương anh và mẹ biết bao.

HẢI HƯƠNG