01/11/2024

Cán bộ môi trường gửi thư đến Thủ tướng kêu cứu cho bà Ngọc

Sau khi xem clip ghi nhận vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc bị bắt vì cáo buộc chống người thi hành công vụ, Giám đốc Công an Đồng Nai đã yêu cầu báo cáo vụ việc.

 

Cán bộ môi trường gửi thư đến Thủ tướng kêu cứu cho bà Ngọc 

 

 

Sau khi xem clip ghi nhận vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc bị bắt vì cáo buộc chống người thi hành công vụ, Giám đốc Công an Đồng Nai đã yêu cầu báo cáo vụ việc.

 

 

 

 

 

Cán bộ môi trường gửi thư đến Thủ tướng kêu cứu cho bà Ngọc 
Khi bà Ngọc ngăn chặn ghe hút cát, nhiều người lạ mặt đe dọa bà Ngọc trước mặt lực lượng công an (ảnh cắt từ clip do gia đình bà Ngọc cung cấp quay vào tháng 9-2015). Bà Ngọc bị tạm giam vì bị cho rằng có hành vi chống người thi hành công vụ

Liên quan đến vụ bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc tố cáo nhân viên bảo vệ rừng đã bị bắt tạm giam, chiều 20-4 đại tá Huỳnh Tiến Mạnh – giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai – đã chủ động liên lạc với phóng viên Tuổi Trẻ để nắm thêm thông tin vụ việc. 

PV Tuổi Trẻ đã thông tin cho ông Mạnh biết bà Ngọc là nạn nhân trong vụ bị nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ đánh, đang được điều tra.

Việc Công an huyện Nhơn Trạch mời bà lên để làm việc nhưng còng tay và bắt bà để điều tra một vụ “chống người thi hành công vụ” xảy ra từ tháng 9-2015, không thông báo lý do cho gia đình bà là quá bất thường.

PV Tuổi Trẻ đã cung cấp cho ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai một đoạn clip (do chồng bà Ngọc cung cấp vào thời điểm mà công an cho rằng bà Ngọc chống người thi hành công vụ) có những người ăn mặc như xã hội đen trên sà lan cát, chửi tục, đe dọa bà Ngọc trước mặt nhiều chiến sĩ công an…

 

 
 
 
 

 

Clip ghi nhận việc bà Ngọc bị nhiều người lạ mặt văng tục, đe doạ trước mặt lực lượng công an hồi tháng 9-2015

 

Sau khi xem clip, đại tá Mạnh đã yêu cầu lãnh đạo Công an huyện Nhơn Trạch mang hồ sơ cho ban giám đốc để nắm lại toàn bộ sự việc.

Đại tá Mạnh nói: “Ban giám đốc yêu cầu công an huyện báo cáo cụ thể sự việc bà Ngọc chống người thi hành công vụ ra sao và vì sao đến giờ này mới khởi tố trong lúc đang điều tra về vụ nhân viên bảo vệ rừng đánh người. Tôi sẽ kiểm tra và làm rõ vụ việc này”.

Một kiểm sát viên cao cấp, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM:

Phải tách 2 vụ việc

Tôi cho rằng trong vụ việc này khó có thể nói rằng có sự “trả thù” hay không, bởi nên tách hai vụ việc ra không liên quan đến nhau.

Nếu thực sự có việc cán bộ điều tra mời lên để làm việc khác mà thực hiện lệnh bắt luôn thì cần đưa bằng chứng này cho các luật sư và công luận giám sát.

Việc vi phạm của bà Ánh Ngọc, nếu có, cũng phải được xem xét dưới mọi góc độ, tình tiết chứ không thể gắn với vụ việc tố cáo tiêu cực của bà Ánh Ngọc.

Mỗi vụ việc bà Ngọc có hành vi và vai trò khác nhau, nên các hành vi này được xem xét độc lập ở mỗi vụ việc khác nhau.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bà Ngọc đang tố cáo tiêu cực nhưng bà Ngọc lại bị khởi tố, bắt tạm giam về tội chống người thi hành công vụ thì dư luận dễ liên tưởng đến vấn đề tiêu cực.

Tuy nhiên, tôi tin rằng bằng sự giám sát của báo chí và các luật sư thì sự thật sẽ được đưa ra ánh sáng.

Luật sư Trần Hồng Phong:

Không cần phải tạm giam bà Ngọc

Nguyên tắc của pháp luật hình sự là nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật, trong đó việc đúng về thủ tục tố tụng là rất quan trọng.

Vì vậy, nếu ngày 19-4-2016 khởi tố bắt tạm giam về một vụ việc đã diễn ra từ tháng 9-2015 cho thấy trong suốt nửa năm qua cơ quan chức năng đã âm thầm, chủ động, điều tra thu thập chứng cứ, lập hồ sơ, tức là trước cả khi có quyết định khởi tố? Điều này có gì đó bất thường không đúng về mặt tố tụng.

Biên bản do công an lập về việc hút cát trên sông Thị Vải cho thấy đây là vi phạm hành chính, về hành vi khai thác khoáng sản trái phép, hay thậm chí cản trở giao thông đường thủy… nhưng không hoặc chưa thấy dấu hiệu chống công an, chống người thi hành công vụ.

Thông thường, sau khi lập biên bản vi phạm thì trong vòng 30 ngày phải có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Và nếu vậy thì sẽ chứng minh bà Ánh Ngọc không chống người thi hành công vụ. Hoặc có thể là công an có ghi hình, quay phim về hành động “chống đối” của bà Ánh Ngọc chăng?

Bất luận thế nào thì sự việc từ tháng 9-2015 đến nay sau hơn nửa năm mới khởi động, mà lại về mặt hình sự, lại diễn ra ngay sau khi bà Ánh Ngọc là nạn nhân trong một vụ án khác, đang thanh tra cho thấy có gì đó bất thường, mang hơi hướng trả thù hoặc thậm chí để “chìm xuồng” vụ thanh tra.

Cuối cùng là việc bị bắt tạm giam, đây là biện pháp ngăn chặn, chỉ áp dụng cho những tội danh nghiêm trọng và bị can có dấu hiệu bỏ trốn. Bà Ánh Ngọc chắc chắn không phải là đối tượng bị áp dụng.

H.ĐIỆP ghi

Sau khi Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, ông Trần Quốc Bảo – trưởng phòng quản lý môi trường Cục Môi trường miền Nam – đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Được sự cho phép của ông Bảo, Tuổi Trẻ trích đăng:

“… Kính gửi: Anh Nguyễn Xuân Phúc

Tôi xin mạo muội gửi anh lá thư này vì một lý do cấp thiết vì có một vụ việc xảy ra như sau:

Tháng 5-2015, Cục Môi trường miền Nam nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc ngụ tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cáo giác việc Công ty Nhân Thiện Hòa thực hiện nạo vét luồng rạch, kết hợp tận thu khai thác cát tại khu vực đã gây ô nhiễm đến môi trường, gây thiệt hại cho tôm nuôi.

Cục Môi trường miền Nam đã phân công tôi tìm hiểu xử lý đơn thư này.

Sau 6 tháng điều tra nghiên cứu theo dõi vụ việc, tôi đã nắm rất rõ các vấn đề có liên quan đến vụ việc và vừa có báo cáo hệ thống hoá toàn bộ vụ việc gửi cho lãnh đạo cục, trong đó có đề cập đến những vấn đề nhạy cảm có liên quan đến sự tiếp tay cho tiêu cực của các cán bộ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Tôi xin phép được gửi đến anh nội dung của bản báo cáo (kèm theo) để anh có được thông tin về những vấn đề có liên quan đến vụ việc này (nói riêng) và tình hình xã hội hoá nạo vét luồng rạch kết hợp khai thác cát tận thu sản phẩm ở phía Nam (nói chung), và nếu được, để có những chỉ đạo kịp thời.

Lẽ ra tôi chưa gửi đến anh bức thư này nhưng có vụ việc đau lòng xảy ra ngày 19-4-2016 khi Công an huyện Nhơn Trạch đã bắt giam bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc vì tội chống người thi hành công vụ cho một vụ việc xảy ra vào ngày 5-9-2015.

Vụ việc này tôi được chứng kiến cụ thể (vì tôi được cục cử xuống nắm tình hình). Về vụ việc xảy ra mà dựa vào đó bên công an bắt bà Ngọc thì tôi cũng đã có báo cáo tường thuật sự việc gửi lãnh đạo cục (nội dung báo cáo xin được gửi kèm theo thư).

Tóm tắt là bà Ngọc yêu cầu công an lập biên bản tại chỗ về hành vi vi phạm của các phương tiện khai thác cát, công an từ chối lập biên bản tại chỗ mà kéo ghe đi, bà Ngọc có hành động tìm cách giữ ghe lại để đòi lập cho được biên bản tại chỗ, bên công an không thực hiện mà đưa ghe đi, hai bên nhùng nhằng với nhau một lúc lâu nhưng không có xô xát gì và bây giờ (sau hơn 6 tháng kể từ lúc xảy ra vụ việc) họ bắt bà Ngọc vì hành vi chống người thi hành công vụ.

Trong khi bà Ngọc cho rằng nếu không lập biên bản tại chỗ thì sự việc lần này sẽ dần dần chìm xuồng giống như những lần trước đã từng diễn ra như vậy.

Tôi không có liên quan lợi ích gì đến vụ việc này (thậm chí tôi còn có lợi ích nếu đứng về phía nhóm khai thác cát) nhưng vì đã tìm hiểu và biết quá rõ mọi việc liên quan nên nhận thấy phải hết sức giúp đỡ người dân.

Chính vì vậy tôi xin phép được sử dụng tư cách cá nhân (nhưng với công vụ đã được cơ quan giao điều tra kỹ lưỡng vụ việc này) gửi đến anh các bản báo cáo để anh nắm rõ sự việc (vì tôi được biết bà Ngọc cũng đã gửi đến anh một lá đơn kêu cứu).

Vì sự nhạy cảm, phức tạp của vụ việc này và tính khẩn cấp liên quan đến sự an toàn của người dân yếu thế trong nỗ lực bảo vệ lẽ phải nên tôi xin phép được gửi đến anh lá thư cá nhân này trong khi chờ đợi các thủ tục báo cáo, xử lý theo trình tự hệ thống của Tổng cục Môi trường.

Tôi cảm ơn anh rất nhiều”.

TRẦN QUỐC BẢO

H.M