May rủi tìm con qua ngân hàng tinh trùng
Bất chấp những quy định, luật lệ trong việc quản lý các ngân hàng tinh trùng, nhiều nước trên thế giới không khỏi đau đầu với những tranh chấp pháp lý sau khi những đứa trẻ ra đời.
May rủi tìm con qua ngân hàng tinh trùng
Bất chấp những quy định, luật lệ trong việc quản lý các ngân hàng tinh trùng, nhiều nước trên thế giới không khỏi đau đầu với những tranh chấp pháp lý sau khi những đứa trẻ ra đời.
Truyền thông tìm ra người hiến gây vấn đề có tên Aggeles – Ảnh: YouTube |
Bà Angela Collins và người bạn đời Elizabeth Hanson sống ở thị trấn Port Hope, cách thành phố Toronto (Canada) khoảng 40km. Mong mỏi có một đứa con, cách đây gần 10 năm họ quyết định tìm đến ngân hàng tinh trùng Xytex Corp. ở thành phố Augusta, bang Georgia (Mỹ).
Trong số những lựa chọn họ vừa ý một hồ sơ mang mã số 9623 với mô tả là một người đàn ông khoẻ mạnh, có chỉ số IQ 160 và đang học lấy bằng tiến sĩ…
Sự thật đau lòng
Đến năm 2014, khoảng bảy năm sau khi đứa con trai của họ chào đời, gia đình Collins phát hiện sự thật choáng váng về nhân thân của người đàn ông đã hiến tinh trùng. Người này không chỉ nói dối về thành tích học vấn của mình, ông ta còn có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt và từng phạm tội.
“Cảm giác của chúng tôi như có một quả banh chì rơi xuống bao tử”, người mẹ giãi bày trên nhật báo New York Times.
Nhà Collins là một trong ba gia đình phát đơn kiện ngân hàng tinh trùng Xytex Corp. lên Toà án thượng thẩm Ontario trong tháng 4-2016 vì cung cấp thông tin sai sự thật.
Bà Nancy Hersh, luật sư ở San Francisco đại diện cho các nguyên đơn, cho biết những hồ sơ này chỉ là nhóm đầu tiên, hơn chục gia đình khác ở Mỹ, Canada và Anh cũng đang chuẩn bị đơn kiện liên quan đến người hiến tinh trùng mang mã số 9623.
Chỉ riêng 15 gia đình mà luật sư Hersh nhận bào chữa đã cho ra đời 23 đứa trẻ, tất cả đều mang khuynh hướng di truyền của bệnh tâm thần phân liệt nhưng không ai hay biết gì trước đó.
Bà Collins kể họ phát hiện ra sự thật đau lòng hoàn toàn tình cờ khi Xytex nhắc đến tên của người đàn ông cùng thông tin liên lạc trong một email gửi đến các gia đình để đăng ký thông tin anh chị em cùng cha.
Các bậc phụ huynh vì tò mò nên đã lục lọi thông tin để tìm hiểu hoàn cảnh của người đàn ông. Họ chỉ không ngờ những gì mình tìm thấy là một cú sốc tâm lý.
Tuy bức xúc nhưng gia đình Collins cho biết sẽ không phản đối nếu con trai họ sau này muốn gặp lại cha mình.
“Ông ấy chỉ là một người mang bệnh tật. Ông ấy dù sao cũng giúp tôi sinh ra tình yêu trong cuộc đời này”, bà Collins thông cảm. Các gia đình cho rằng lẽ ra ngân hàng tinh trùng phải có những biện pháp nghiêm ngặt hơn để bảo đảm an toàn cho những đứa trẻ sắp ra đời.
Ba đơn kiện ở Canada yêu cầu bồi thường khoảng 3 triệu USD, một phần để trang trải chi phí chăm sóc cho những đứa trẻ có nguy cơ mắc bệnh.
Quy định mỗi nước
mỗi khác
Hiện nay, luật hiến tinh trùng ở mỗi nước đều khác nhau. Hầu hết các nước đều đặt ra giới hạn số lượng những đứa trẻ có thể ra đời nhờ tinh trùng của cùng một người để tránh nguy cơ quan hệ cùng huyết thống. Nhưng giới hạn này cũng khá đa dạng, có nơi ràng buộc, có nơi chỉ tự nguyện.
Tại Bỉ và Pháp, một người đàn ông có thể hiến tinh trùng cho tối đa sáu gia đình nhưng lại không giới hạn số lượng đứa trẻ.
Đức quy định số lượng tối đa là 15 đứa trẻ trên mỗi người hiến, Na Uy là 8, Tây Ban Nha là 6… Trong khi đó Canada lại không có luật cụ thể nào, đa số các ngân hàng tinh trùng nước này tuân theo khuyến nghị của Mỹ, tức tối đa khoảng 25 đứa trẻ trên tổng dân số 800.000.
Theo cổng thông tin về luật HG.org, kiện tụng pháp lý liên quan đến cho – nhận tinh trùng trên thực tế là không hiếm.
Không ít người hiến tinh trùng bị người nhận “truy lùng” để đòi tiền cấp dưỡng cho đứa bé, mặt khác cũng có người hiến tinh trùng sau khi biết mình có đứa con ở đâu đó lại khăng khăng đòi tìm hiểu đứa bé là ai để nhận làm cha.
Bên cạnh đó, luật ở các nước trong lĩnh vực này khác nhau nên dẫn đến hiện tượng “du lịch sinh đẻ”, tức các cặp đồng tính hoặc người độc thân chọn đi đến những nước có quy định “thoáng” để thụ thai…
Ở Mỹ từng có một trường hợp tranh chấp pháp lý khá hi hữu. Diễn viên Jason Patric ở California có một đứa con với người bạn gái cũ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau khi đứa trẻ ra đời, đã xảy ra tranh cãi khi người mẹ cho rằng Patric chỉ là… người hiến tinh trùng và không có quyền pháp lý gì với đứa trẻ, còn Patric tin rằng anh cũng có trách nhiệm của người làm cha.
Không may cho Patric là California có một luật bảo vệ người hiến tinh trùng tránh các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm cấp dưỡng, kết quả là anh bị từ chối quyền gặp đứa con chỉ vì phương pháp thụ thai ống nghiệm!
Quảng cáo của Công ty Xytex – Ảnh chụp màn hình |
Một câu chuyện kết thúc có hậu Tạp chí Women’s Weekly của Úc ngày 19-4 có bài viết về cuộc đời kỳ lạ của một phụ nữ 42 tuổi tên Aminah Hart. Do mang một gen gây bệnh về cơ hiếm gặp, Aminah mất cả hai đứa con trai Marlon và Louis ở những năm tháng đầu đời. Cô tìm đến ngân hàng tinh trùng và chọn một hồ sơ trong đó người đàn ông tự mô tả mình là “hạnh phúc”. Lần này may mắn đến với Aminah khi bé gái Leila chào đời một cách khoẻ mạnh. Chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Do có lần Leila hỏi về cha mình, Aminah đấu tranh tư tưởng và cuối cùng quyết định liên lạc với người đàn ông tên Scott Andersen, một nông dân chăn nuôi gia súc kiêm huấn luyện viên một đội bóng địa phương. Trong hồ sơ của mình, Scott đánh dấu vào mục “đồng ý được liên lạc” nên việc này không quá khó khăn. Họ đồng ý gặp nhau và có chút bối rối. Tháng 12 năm ngoái, Aminah và Scott đã tổ chức một hôn lễ lãng mạn ở thị trấn ven biển Sorrento, phía nam thành phố Melbourne ở Úc. Leila năm nay đã lên 4 tuổi và là bông hoa của hai vợ chồng. |