02/11/2024

Tái diễn cảnh bệnh nhân nằm ghép

“Suốt ba tháng nay tôi phải nằm ghép, có lúc 2-3 người/giường, thậm chí 4-5 người/giường. Ông nào khoẻ thì ngồi, yếu thì nằm”.

 

Tái diễn cảnh bệnh nhân nằm ghép

 

 

“Suốt ba tháng nay tôi phải nằm ghép, có lúc 2-3 người/giường, thậm chí 4-5 người/giường. Ông nào khoẻ thì ngồi, yếu thì nằm”.

 

 

 

 

Tái diễn cảnh bệnh nhân nằm ghép
Một phòng bệnh chưa đầy 20m2 nhưng có hơn 40 người kể cả bệnh nhân và người thân (ảnh chụp tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chiều 14-4) – Ảnh: Duyên Phan

Ông Phạm Văn Tài, quê ở Tuyên Quang, đang điều trị tại Bệnh viện K, trả lời Tuổi Trẻ như vậy.

Chỉ thị mới ban hành của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ.

Đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện sau khi áp dụng viện phí mới (tăng từ ngày 1-3, tối thiểu 30-50% so với trước). Tuy nhiên tình trạng nằm ghép vẫn là căn bệnh trầm kha, khó có thể giải quyết.

2-3 bệnh nhân/giường là bình thường

Khảo sát tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện K, Viện Huyết học – truyền máu T.Ư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong những ngày gần đây không khó bắt gặp hình ảnh 2-3 bệnh nhân nằm ghép trên một giường.

Không riêng gì ông Tài, quan sát tại các phòng bệnh của Bệnh viện K cho thấy có nhiều giường bệnh nằm ghép 2 bệnh nhân. Bệnh nhân nằm truyền dịch trong tư thế đảo đầu với nhau.

Chị Hoa, một bệnh nhân đang nằm truyền dịch, chia sẻ: do bệnh nhân quá đông, lại không đủ giường nên 2-3 bệnh nhân cùng nằm truyền dịch ban ngày là hết sức bình thường. Đêm đến 2 bệnh nhân nội trú nằm chung một giường.

Trong khi đó, chiều 14-4 ở khoa chấn thương chỉnh hình 2 Bệnh viện Việt Đức, không có bệnh nhân nằm ghép nhưng hai bên hành lang được kê kín các cáng và cáng nào cũng có bệnh nhân chấn thương.

Sáng cùng ngày, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dẫn đoàn kiểm tra đến 2 bệnh viện K và Phụ sản T.Ư. Bà Tiến cho hay lần kiểm tra mấy năm trước thì ghép 6 bệnh nhân/giường, nhưng kiểm tra lần này thì khoa xạ trị Bệnh viện K và ung thư phụ khoa Bệnh viện Phụ sản T.Ư vẫn phải ghép 2 bệnh nhân/giường.

Một sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, 31 tuổi, quê ở Thanh Hoá, cho biết phòng chị có 5 giường, mỗi giường đều xếp 2 người.

Không chỉ bệnh viện T.Ư quá tải, mà tuyến tỉnh cũng đang rất khó khăn. Bệnh viện Phụ sản Thái Bình có 240 giường, kê cả giường ngoài kế hoạch cũng chỉ lên khoảng 300 giường, nhưng khảo sát của chúng tôi cuối tháng 3 vừa qua cho thấy ngày ít nhất bệnh viện có 350 người bệnh và sản phụ, ngày nhiều con số lên tới 450 người.

Tương tự, tình hình nằm ghép ở một số bệnh viện lớn tại TP.HCM không phải hiếm gặp. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là một trong những bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, 3-4 bệnh nhân nằm một giường.

Trưa 14-4, tại phòng 305 có 8 giường bệnh nhưng có đến 30 bệnh nhi nằm điều trị. Tính cả người thân, trong căn phòng chưa đầy 15m2 có đến hơn 50 người. Anh L.M.Đ. (quê Cà Mau), đưa con bị ung thư xương đùi trái lên điều trị tại bệnh viện hơn một năm nay, kể buổi tối hai bé nằm trên giường, còn hai bé khác nằm dưới gầm giường.

Khi không thể nằm ghép do quá chật chội, có nơi bệnh nhân được người nhà cho ra nằm ngoài hành lang để mát mẻ hơn. Đó là hình ảnh tại các hành lang trong Bệnh viện Nhi Đồng 1. Chiều 14-4, hành lang phía trước khoa hô hấp, các bậc cha mẹ trải chiếu cho con nằm kín chỗ.

Không tìm được chỗ nằm cho con ở hành lang của khoa, chị N.T.Q.K. (26 tuổi, ở Bình Dương) bế con mới 4 tháng tuổi xuống nằm ở hành lang khoa nội tổng hợp 1. Vừa dỗ con khóc, chị K. vừa kể con trai chị mắc bệnh viêm phổi. Khi nhập viện con chị được xếp vào phòng 306 nhưng một giường nằm ghép tới 5 bé nên không có chỗ nằm.

Chị tìm hành lang của khoa nhưng cũng hết chỗ nên chuyển con xuống tận đây nằm. Nằm ngay cạnh đó, chị N.T.L. (43 tuổi, ở Q.11, TP.HCM) kể con gái chị nhập viện Bệnh viện Nhi Đồng 1 từ ngày 27-2. Gần hai tháng nằm viện, con chị chỉ được hơn hai tuần nằm trên giường sau khi mổ, còn lại đều 
phải nằm hành lang suốt.

Vẫn loay hoay chống quá tải

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cái khó nhất hiện nay là ở VN mới đạt 25,5 giường bệnh/10.000 dân, trong khi con số tối thiểu theo Tổ chức Y tế thế giới đã là 39 giường/10.000 dân. Với số giường quá thấp như vậy, rất khó để chống quá tải.

Chính vì vậy, chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sau tăng viện phí không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ là khó áp dụng với các nhóm bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh viện Bạch Mai dự định chỉ cam kết không để bệnh nhân nằm ghép trong phạm vi khoa, còn Bệnh viện K và Phụ sản T.Ư thì chưa dám cam kết không để bệnh nhân nằm ghép.

Ngoài ra, một cái khó nữa là thiết bị y tế rất thiếu thốn. 55% bệnh nhân của Bệnh viện K hiện điều trị tại cơ sở 3, nhưng cơ sở này mới chỉ có một máy xạ trị. Một máy đang đợi được đầu tư nhưng ít nhất phải cuối năm 2016 mới có thể đưa vào sử dụng. Bệnh viện này cũng đang có 1.800 giường bệnh nhưng thiếu 500 cán bộ y tế, trong đó có hàng trăm bác sĩ.

Về phía công tác quản lý bệnh viện, bác sĩ Lê Hoàng Minh – giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – cho biết nếu thực hiện ngay yêu cầu không để bệnh nhân nằm ghép quá 48 giờ thì rất khó khả thi.

“Bệnh viện sẽ cho bệnh nhân còn khỏe điều trị ngoại trú (điều trị trong ngày) nhằm kéo số bệnh nhân nội trú xuống. Hiện còn khoảng 15 khoa quá tải nên phải từ từ mới hạn chế nằm ghép được”, bác sĩ Minh nói.

Tuy nhiên, Bệnh viện Ung bướu có đến 70% bệnh nhân từ các tỉnh khác đến TP.HCM điều trị. Việc giảm số lượng bệnh nhân nội trú để chuyển thành điều trị ngoại trú sẽ khiến nhiều bệnh nhân ở tỉnh phải thuê nhà trọ.

Một số bệnh nhân không có điều kiện phải nằm ngay các hành lang, dãy ghế của bệnh viện. Điều này khiến bệnh nhân tăng chi phí. Đây cũng là trăn trở của những người 
quản lý bệnh viện.

Cùng quan điểm không thể giải quyết chuyện nằm ghép ngay lập tức, TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 – cho biết bệnh viện sẽ cố gắng làm theo chỉ đạo của Bộ Y tế bằng nhiều cách như tăng khả năng lọc bệnh, kê thêm giường bệnh, điều phối bệnh nhi từ khoa đông bệnh nhi sang khoa khác…

Theo BS Hùng, bệnh viện sẽ cố gắng hết sức nhưng đây là cả quá trình chứ không thể nói một cái 
là làm được ngay.

Về giải pháp hạn chế nằm ghép, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – trưởng phòng kế hoạch tổ chức Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) – cũng cho biết: “Quan trọng nhất là khám sàng lọc bệnh, bệnh nhẹ thì chỉ điều trị ngoại trú”.

Chỉ có cách đầu tư thêm giường bệnh

Về buổi thị sát ngày 14-4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết “cuộc kiểm tra là hoàn toàn bất ngờ, ngay nhiều thành viên đoàn kiểm tra cũng chỉ được báo trước khi đoàn xuất phát”. Bà Tiến nói:

– Tại bệnh viện, tôi đã gặp trực tiếp các bệnh nhân và hỏi cụ thể về tình hình, thì khu vực bệnh nhân nội trú đã có những cải thiện. Bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện K cho biết thái độ của nhân viên y tế chu đáo và tận tình, còn phòng bệnh, phòng vệ sinh đã sạch sẽ hơn nhiều, dù bệnh viện quá đông.

Mới đây, tôi đã đi khảo sát ở Bệnh viện Việt Đức, đã đến những khoa nóng nhất. Bệnh viện Phụ sản, Bạch Mai, Bệnh viện K đều có thể thực hiện không nằm ghép quá 48 giờ theo khoa, nhưng một số khoa quá tải thì sẽ khó khăn. Ở địa phương tôi cho rằng sẽ sắp xếp được đúng theo yêu cầu trong chỉ thị mới.

* Nhiều yêu cầu từ Bộ Y tế là phải chấm dứt nằm ghép sau 48 giờ bệnh nhân nhập viện, nhưng thực tế vẫn phải ghép giường. Bà cho là giải pháp nào có thể giúp chấm dứt tình 
trạng này?

– Bệnh viện quá tải hiện nay giống như tình trạng đường không mở mà có thêm nhiều xe lưu thông, dẫn tới kẹt xe. Chỉ có đầu tư thêm giường bệnh và đào tạo thêm cán bộ mới giải quyết được.

Nếu đợi nguồn chỉ từ ngân sách thì rất khó, nên chúng tôi nghĩ rằng hai hướng công tư kết hợp và kêu gọi đầu tư tư nhân là phù hợp, nhưng đầu tư tư nhân chậm giải toả bệnh nhân hơn vì thương hiệu bệnh viện tư chưa mạnh bằng bệnh viện công lập. Ở những bệnh viện đang còn những khoa quá tải thì cần phải đầu tư thêm giường bệnh.

LAN ANH ghi

NHÓM PV