01/01/2025

Đòi bồi thường gần 800 triệu vì mang “án oan” nhiễm HIV

Hơn 10 năm mang “bản án” nhiễm HIV, ông Hoàng Khắc Sửu đã bị kỳ thị, gặp khó khăn khi xin việc, kết hôn nhưng Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An chỉ bồi thường 2,2 triệu đồng.

 

Đòi bồi thường gần 800 triệu vì mang “án oan” nhiễm HIV

 


Hơn 10 năm mang “bản án” nhiễm HIV, ông Hoàng Khắc Sửu đã bị kỳ thị, gặp khó khăn khi xin việc, kết hôn nhưng Trung tâm y tế dự phòng Nghệ An chỉ bồi thường 2,2 triệu đồng.

 

 

 

 

 

Đòi bồi thường gần 800 triệu vì mang “án oan” nhiễm HIV
Ông Hoàng Khắc Sửu trả lời báo chí về việc bị nhiễm HIV “oan” hơn 10 năm – Ảnh: Doãn Hoà

Ngày 10-4, TAND TP Vinh cho biết toà này đang thụ lý đơn của ông Hoàng Khắc Sửu - 43 tuổi, ngụ phường Nghi Thu, TX Cửa Lò khởi kiện Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 773 triệu đồng.

Số tiền bồi thường trên, theo ông Sửu là tiền thuê luật sư tư vấn pháp luật, làm đơn thư, tiền thiệt hại tinh thần, không tìm được việc làm…trong suốt thời gian hơn 10 năm ông mang “án oan” nhiễm HIV bởi kết luận của Trung tâm y tế dự phòng này.

Sau khi thụ lý, TAND TP Vinh đang cho hoà giải hai bên, nếu hoà giải không thành sẽ đưa vụ kiện ra xét xử theo quy định.

Mang “án oan” nhiễm HIV hơn 10 năm

Theo nội dung vụ kiện: Năm 2003, ông Sửu thụ án tại trại giam số 3 – Bộ Công an đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An thì được đưa đi lấy máu xét nghiệm theo chương trình giám sát trọng điểm do Ban AIDS thực hiện.

Kết quả xét nghiệm cho thấy ông Sửu “dương tính với HIV”, được quản lý với mã số 1068.

Theo ông Sửu, kết quả xét nghiệm không được tiết lộ, mãi sau này khi ông thi hành án xong về địa phương mới được biết. Năm 2007, hồ sơ ông Sửu nhiễm HIV được chuyển quản lý từ Trung tâm Y tế dự phòng cho Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Nghệ An.

“Năm 2013, sau khi kết thúc thời gian thi hành án và trở về địa phương tôi chịu sự quản lý, chăm sóc của trạm y tế phường Nghi Thu, theo diện đối tượng nhiễm HIV.

Tuy nhiên, qua các kỳ kiểm tra sức khoẻ định kỳ, trạm trưởng trạm y tế phường thấy sức khoẻ tôi vẫn bình thường sau hơn 10 năm nhiễm HIV nên động viên tôi đi kiểm tra lại”, ông Sửu kể.

Sau đó, ông Sửu đi xét nghiệm máu và kết quả kiểm tra tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nghệ An ngày 9-9-2014 cho thấy ông Sửu “âm tính với HIV”. Tương tự, kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũng cho thấy ông âm tính với HIV.

Sau đó, Sở Y tế Nghệ An đã có thông báo gửi ông Sửu và chính quyền địa phương nơi ông sinh sống thông báo việc xoá tên ông Sửu trong danh sách nhiễm HIV.

Đền bù hơn 2,2 triệu đồng?

Sau khi nhận được đơn thư khiếu nại của ông Sửu, Sở Y tế Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức đối thoại hai lần với ông Sửu về những nội dung liên quan như ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thu nhập…của ông và gia đình vì kết quả xét nghiệm “nhầm” ông Sửu nhiễm HIV hơn 10 năm.

Ngày 18-8-2015, ông Bùi Đình Long, giám đốc Sở Y tế Nghệ An ký quyết định số 995 giải quyết khiếu nại của ông Sửu. Ông Sửu đòi bồi thường tổng cộng gần 774 triệu đồng.

Tuy nhiên, tại quyết định này có nêu ý kiến của Sở Y tế Nghệ An chỉ bồi thường cho ông các khoản sau: tiền xét nghiệm lại HIV 425.000 đồng; tiền thuê xe ôm làm xét nghiệm, tiền thuê xe từ nhà lên Sở Y tế để giải quyết việc 1,8 triệu đồng. Tổng số tiền là 2.225.000 đồng.

Theo Sở, các khoản trên là đề nghị chính đáng, đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đền bù cho ông Sửu.

Các khoản còn lại gồm tiền thuê luật sư tư vấn pháp luật, viết đơn đánh máy, photo tài liệu, tiền bồi thường thiệt hại tinh thần gần 772 triệu đồng theo đề nghị của ông Sửu thì Sở cho rằng ”không có căn cứ xác đáng”.

Về việc đề nghị của ông Sửu làm rõ trách nhiệm cá nhân xét nghiệm kết quả sai thì Sở cho rằng qua xác minh không có cơ sở kết luận.

“Mang bản án nhiễm HIV – căn bệnh thế kỷ sau khi ra tù nên tôi rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, bị mọi người kỳ thị, xa lánh. Thậm chí để lấy được vợ, tôi phải hai lần trình giấy kiểm tra sức khoẻ âm tính HIV cho bố vợ mới nhận được cái gật đầu”, ông Sửu kể.

Trường hợp hi hữu

Trả lời báo chí, bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng, phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết trường hợp của ông Sửu là một trường hợp hi hữu của ngành y tế trong số gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV tại Nghệ An được phát hiện từ năm 1996 đến nay. 

“Thời điểm đó toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 2 người chuyên trách về HIV/AIDS, mặt khác trình độ chuyên môn, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị… còn nhiều hạn chế, ngành y tế chia sẻ sâu sắc với ông Sửu và gia đình ông”, ông Hồng nói.

Đòi bồi thường gần 800 triệu vì mang “án oan” nhiễm HIV
Kết luận giải quyết khiếu nại của Sở Y tế Nghệ An đề nghị Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đền bù hơn 2,2 triệu đồng cho ông Sửu – Ảnh: Doãn Hoà
DOÃN HOÀ