27/12/2024

Dạy con một mật khẩu để chống bắt cóc

Các bậc cha mẹ cần vượt qua nỗi sợ tâm lý từ sau vụ bắt cóc và giết hại trẻ em mới xảy ra ở Bình Thuận, đồng thời cần trang bị cho các em những kỹ năng phòng vệ cần thiế

 

Dạy con một mật khẩu để chống bắt cóc

 

 

Các bậc cha mẹ cần vượt qua nỗi sợ tâm lý từ sau vụ bắt cóc và giết hại trẻ em mới xảy ra ở Bình Thuận, đồng thời cần trang bị cho các em những kỹ năng phòng vệ cần thiết.

 

 

 

 

 

Dạy con một mật khẩu để chống bắt cóc
Công an tỉnh Bình Thuận cung cấp thông tin chính thức về vụ án bắt cóc trẻ em tại huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) – Ảnh: Nguyễn Thanh

 

 

Vụ bắt cóc và giết hại cháu N. (11 tuổi, ở Bình Thuận) xảy ra ngày 4-4-2016 đã gây chấn động dư luận. Hung thủ đã bị bắt và sẽ bị luật pháp xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, sau vụ việc này chính là tâm lý hoang mang, lo sợ, bất an của người dân, nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Để giúp các bậc cha mẹ tránh được nỗi sợ tâm lý này và giúp họ trang bị cho các em những kỹ năng phòng vệ tốt, một số chuyên gia tâm lý cho rằng cha mẹ cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:

Luôn cảnh giác, 
đề phòng…

Trước hết, các bậc phụ huynh hãy thật sự bình tĩnh, đừng lo lắng quá mức. Kẻ ác gây ra cái chết thương tâm cho cháu N. vừa qua đã bị bắt và sẽ bị trừng trị thích đáng. Đó cũng là bài học cho những kẻ có âm mưu bắt cóc trẻ và máu lạnh coi thường tính mạng người khác.

Cần tránh bàn tán, thêm thắt câu chuyện hoặc bịa đặt tung tin đồn nhảm làm người khác hoang mang, thậm chí còn bị coi là vi phạm pháp luật. Luôn tạo bầu không khí tâm lý trong gia đình vui vẻ, phấn khởi, không để con trẻ biết và quá lo lắng về sự việc này.

Cha mẹ cần luôn đề phòng, cảnh giác với chính những người giúp việc hoặc thuê mướn trong gia đình, nhất là các đối tượng ham cờ bạc, túng thiếu, cá độ… Đặc biệt, gia đình đừng bao giờ để lộ tài sản có giá trị trong nhà, tránh bị kẻ xấu nhòm ngó và chiếm đoạt bằng mọi cách.

Hãy tin vào pháp luật Việt Nam, những kẻ xấu rồi sẽ bị pháp luật xử lý thích đáng. Hung thủ vừa ra tay sát hại cháu bé có thể cũng vì túng quẫn, quá sợ hãi, thiếu kỹ năng mà dẫn đến hành vi tàn bạo.

Có khi những dư luận về chuyện bắt cóc trẻ em vừa qua lại cổ xuý cho những hành động bắt cóc trẻ em vừa xảy ra. Do đó, trấn an dư luận là biện pháp cần thiết của các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông.

Giúp con trẻ biết cách phòng vệ

An toàn cho con trẻ trong mọi trường hợp là rất cần thiết. Có thể tham khảo một số lưu ý sau đây:

Dạy cho con trẻ tránh tiếp xúc với người lạ, dạy trẻ từ chối khéo như “cha mẹ dặn không được nhận quà từ người lạ, không đi cùng với người lạ”.

Hãy dạy cho con một mật khẩu bí mật mà chỉ có cha mẹ và người thân cận biết. Nếu người lạ muốn tiếp xúc, hỏi han, cho quà… thì họ phải có sự đồng ý của cha mẹ về mật khẩu bí mật, lúc này trẻ mới có thể đồng ý tiếp xúc với người lạ. Không để người lạ biết được trẻ đang ở nhà một mình.

Cha mẹ cần thường xuyên nhắc trẻ không tự ý đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ; không đeo trang sức quý giá khi đi một mình khiến người khác nảy sinh ý đồ xấu cướp giật và bắt cóc; không tự ý đi nhờ xe người lạ; không để cho người lạ đến gần ở mức họ có thể chạm tay vào người mình.

Hãy dạy trẻ khi bị ai đó bắt cóc thì đừng lo lắng, khóc lóc mà thực hiện các kỹ năng cần thiết như kêu cứu để đánh động những người xung quanh, dùng tay, chân đá đấm vào chỗ nguy hiểm của người bắt cóc.

Khi trẻ đi học, hãy dạy trẻ không bao giờ ngồi xe với người lạ mà không có sự đồng ý của thầy cô và cha mẹ. Đừng bao giờ nghe lời của người lạ nói rằng: họ là bạn của bố, mẹ; họ được bố, mẹ nhờ đón về…

Nếu cha mẹ chưa đón về thì hãy tìm đến thầy cô để được giúp đỡ, bảo vệ. Dạy trẻ thuộc lòng số điện thoại của cha mẹ, hoặc số điện thoại 113 kèm mã vùng, khi cần thiết phải gọi ngay cho cha mẹ hoặc cơ quan công an.

Cha mẹ cần giám sát trẻ ở những nơi như trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, công viên… Không bao giờ để trẻ một mình trong xe hơi, xe đẩy hoặc chú tâm vào việc gì đó mà không để ý đến trẻ dù trong thời gian rất ngắn.

Quan trọng là phòng ngừa…

Hơn 250 phản hồi của bạn đọc về vụ bắt cóc học sinh, giết hại rồi tống tiền ở Bình Thuận phần lớn là những lời chia sẻ với gia đình nạn nhân và lên án hành động máu lạnh của kẻ giết người. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng góp thêm một số giải pháp để phòng tránh.

* Quan trọng là phòng ngừa việc con em chúng ta bị bắt cóc. Nên đưa đón trẻ đi, về, khi học ở trường… Nhà trường cấp I, mẫu giáo, nhà trẻ chú ý giao trẻ tận tay phụ huynh khi rước học sinh. Khi con em bị bắt cóc nên báo cơ quan công an có phương án giúp tìm lại con em mình…, tránh tự thoả thuận rất nguy hiểm tính mạng con tin.

(Nguyễn Song Giang)

* Tôi thấy trong các phim về bắt cóc, họ làm những điều hoàn toàn hợp lý. Ví dụ như họ liên tục đòi phải nói chuyện với con tin để chứng tỏ con tin còn sống, đây là điều đặc biệt cần thiết để giữ mạng con tin. Trong vụ bắt cóc gần đây, dường như người thân không thực hiện điều này nên mới dẫn đến tình trạng chạy đôn chạy đáo dù cháu bé đã bị sát hại trước đó rồi.

(Văn Minh)

* Những năm gần đây có nhiều vụ án hình sự dã man. Đây là hồi chuông báo động, cảnh tỉnh về vấn nạn giáo dục trong gia đình. Các bậc phụ huynh nên có trách nhiệm giáo dục con em mình, đừng như phụ huynh của một tên cướp khi biết con em mình phạm tội dã man mà trước toà vẫn đòi trả thù cả nhà người bị hại, còn cho rằng vì người bị hại đi xe, đeo nữ trang đắt tiền nên con mình mới sanh lòng tham để cướp.

(Thiên Tướng)

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN