23/12/2024

Đừng để xa mặt cách lòng

Nhiều gia đình trẻ hiện nay sống cách xa ông bà, cha mẹ. Phải chăng khoảng cách xa xôi về mặt không gian chính là nguyên nhân làm tình cảm giữa các thành viên ở không ít gia đình cứ phai nhạt đi? Làm sao để lấp đầy khoảng trống đó?

 

Đừng để xa mặt cách lòng

 

 

Nhiều gia đình trẻ hiện nay sống cách xa ông bà, cha mẹ. Phải chăng khoảng cách xa xôi về mặt không gian chính là nguyên nhân làm tình cảm giữa các thành viên ở không ít gia đình cứ phai nhạt đi? Làm sao để lấp đầy khoảng trống đó?

 

 

 

 

Khoảng trống vô hình

Cháu gái con chị tôi theo cha mẹ làm ăn ở Sài Gòn đã gần 10 năm, lúc đi cháu mới 8 tuổi.

Hồi còn ở quê, do miệt mài làm ăn nên anh chị tôi gửi cháu cho bà ngoại chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ học hành. Cháu gái tôi lớn lên bằng chính tình thương yêu của ngoại trong những năm tháng đầu đời.

Nhưng do mưu sinh, vợ chồng con cái anh chị tôi quyết định rời quê hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Cũng khoảng thời gian đó, cháu gái tôi phải xa ông bà ngoại và đến nay chưa một lần về thăm quê hương.

Giờ cháu đang học đại học ở TP.HCM. Vì xa xôi, cháu ít thăm hỏi ông bà, cô dì chú bác, anh chị em họ ở quê khiến tình cảm họ hàng ngày càng phai nhạt.

Trường hợp cháu tôi không phải cá biệt khi mà vì mưu sinh, một số gia đình trẻ phải rời quê hương đến vùng đất mới. Họ phải rời xa cha mẹ, ông bà, anh chị em họ hàng để lập nghiệp và cũng từ đó mà tình cảm có thể bị khoảng cách địa lý chi phối. Những gia đình có điều kiện có thể thường xuyên về quê.

Trong khi đó, không ít gia đình vừa xa quê về địa lý, kinh tế lại eo hẹp hiếm khi có dịp về thăm quê hương, có khi 5 năm hay 10 năm mới về một lần.

Hơn nữa, số gia đình ở đô thị thường chịu khá nhiều áp lực cuộc sống, như áp lực học tập, áp lực làm kinh tế dẫn đến nhiều trẻ không có điều kiện thăm quê nhất.

Tuy nhiên, đáng suy nghĩ nữa là do sự giáo dục còn hời hợt của gia đình.

Thực tế, không ít bậc cha mẹ chưa ý thức được việc giáo dục cho con về nguồn cội. Một số cha mẹ lại quá dành thời gian cho việc làm ăn nên cũng ít có điều kiện nhắc nhở, tạo điều kiện cho trẻ được quan tâm đến gia đình của mình cũng như anh em trong họ.

Thậm chí, không ít cha mẹ quan niệm cho rằng điện thoại, máy tính là công cụ kết nối tốt nhất, không nhất thiết phải về quê.

Giải pháp nối gần khoảng cách

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Minh Thức cho rằng: “Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nên mọi người dễ dàng kết nối với nhau. Nhưng quan trọng nhất để sợi dây tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đó chính là cử chỉ, hành vi chăm sóc, gần gũi, thể hiện tình cảm một cách trực tiếp. Đó mới thực sự tạo nên tình cảm bền vững”.

Tiến sĩ Thức còn nhấn mạnh: “Không ít người con xa quê hương thường gửi tiền về cho cha mẹ và đôi khi sự quan tâm đó không đúng cách lại làm phiền lòng các bậc lão thành.

Các bậc cha mẹ lớn tuổi đâu chỉ cần nhiều tiền bạc mà họ mong có con cháu bên cạnh, đó mới là liều thuốc tinh thần quan trọng nhất”.

Để khoảng cách “tuy xa mà gần”, đong đầy tình yêu thương trong gia đình, có mấy vấn đề chúng ta có thể lưu ý:

1. Việc tạo điều kiện cho ông bà, cha mẹ được gần gũi với con cháu là điều quan trọng nhất.

Nếu không thể gần nhau chia sẻ được thì hằng ngày, bên cạnh việc thăm hỏi động viên người thân, cần sắp xếp, bố trí những chuyến về quê vào dịp hè, tết, lễ để con cái có điều kiện quan tâm chăm sóc người thân cũng như thể hiện ý thức bản thân với gia đình, dòng tộc, tổ tiên của mình.

Cha mẹ cần nói nhiều hơn về họ hàng, cũng như thể hiện sự quan tâm, chăm sóc bằng những việc làm cụ thể, làm trẻ hiểu và trân trọng, cũng như thể hiện sự yêu thương với người thân của mình.

2. Nhà trường nên thường xuyên giáo dục cho trẻ về ý thức hướng về cội nguồn.

Chúng ta có thể chưa làm được nhiều nhưng cứ cố gắng để rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ cảm thấy không ân hận, không day dứt lương tâm. Đừng để tình cảm thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình bị nhạt nhoà, phai mờ, khi muốn làm lại 
thì đã muộn.

THS tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG