Mẹ bỏ con mới sinh, trách nhiệm của ai?
Dư luận vừa thương vừa trách một người phụ nữ đã nhẫn tâm đem bỏ con vừa sinh. Thế nhưng trong cuộc sống xã hội, trường hợp này là cá biệt nhưng không phải là hiếm.
Mẹ bỏ con mới sinh, trách nhiệm của ai?
Dư luận vừa thương vừa trách một người phụ nữ đã nhẫn tâm đem bỏ con vừa sinh. Thế nhưng trong cuộc sống xã hội, trường hợp này là cá biệt nhưng không phải là hiếm.
Ở những vùng quê hẻo lánh hay các góc khuất của một vài tỉnh thành vẫn còn đó những phụ nữ như thế!
Phải chăng những suy nghĩ quá mơ hồ và chủ quan đến mức ngây thơ của phụ nữ xuất phát từ sự giáo dục chưa đúng và chưa đủ của cha mẹ. Nắm tay sẽ mang thai, sử dụng các biện pháp tránh thai là không tự nhiên, con cái là trời cho, không được cãi chồng, xấu chàng hổ thiếp, triệt sản là tội lỗi (dẫu người phụ nữ ấy cho biết là đã triệt sản)… đều là những hệ luỵ quá lạc hậu từ tư tưởng đến hành vi.
Sao có thể cam chịu ngần ấy năm để sinh con, sao có thể chấp nhận chồng bạo hành liên tiếp, đó có phải là biểu hiện của sự bí thế, sự bóp nhỏ mình về vị trí phụ nữ… Cái nghèo cùng với cái “khờ” có thể làm người ta trở nên tội nghiệp.
Người phụ nữ ấy có đáng trách không khi phải rứt ruột tự sinh con, rồi chờ người ta nhặt con mình mới dám quay gót và cũng đã âm thầm giấu kín chuyện mang thai.
Chẳng ai muốn đem sinh mạng mình ra để liều đến thế. Liều hơn nữa, đớn đau thay khi có thể tiếp tục đi làm ngay sau đó cũng như về nhà xem như bình thường mọi việc. Nhiều khi sự lý giải sẽ trở nên rất thiếu logic vì cái bất thường xuất hiện do khổ, do nghèo, do khờ, do sợ hay do sự hoảng loạn thường xuyên đã làm cho mọi thứ bất thường có thể bình thường đáng sợ.
Cuộc sống của con người cứ thế trượt dài và chúng ta trở nên tệ đi, xấu đi, hay ác đi ít nhiều vì sự ngây ngô đến vậy… Đừng chỉ cào lớp mặt, đừng chỉ gặt lúa vàng…
Giáo dục và công tác xã hội, đoàn thể từ chính quyền cần biết nghiêng người xuống để mót những cá nhân đáng thương, yếu thế để nhân văn hơn, con người hơn. Đừng chỉ hô hào xoá mù chữ thành công, nhân rộng gương điển hình phụ nữ thành đạt hay biểu dương chỉ tiêu phổ cập mà cần nhận thấy trách nhiệm của cơ sở xác thực và cụ thể. Còn đó những phụ nữ yếu thế không chỉ về vị trí, vai trò mà còn cả nhận thức, tâm trí…
Sẽ không chỉ có một trường hợp này mà còn kéo thêm nếu cứ nêu ra rồi để đó. Sẽ chẳng ai nhột, chẳng ai đau và chẳng ai lo ở địa phương mình có hay không nếu tiếng gọi lương tâm và trách nhiệm của những cá nhân vô lo cứ văng vẳng dần dần rồi xa xăm, mất hút!
Sợ chồng đánh, đem con đi bỏ Đó là chuyện của bà H.T.T.V. (43 tuổi), ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (Tuổi Trẻ ngày 21-3). Bà V. có chín đứa con, trong đó bảy đứa con với chồng hiện tại (lớn nhất là 12 tuổi, nhỏ nhất vừa sinh) và hai đứa con với người chồng trước. Bà V. bỏ con vì sợ chồng đánh do sinh nhiều. Theo bà V., khi đẻ đứa con thứ năm rồi thứ sáu, chồng bà là ông L.V.S. đều đánh bà. Thậm chí ông S. tuyên bố nếu bà đẻ nữa sẽ đánh chết hai mẹ con. Khi biết mình có thai đứa con thứ bảy, bà V. cố giấu mọi người, kể cả chồng của mình. “Đến rạng sáng 18-3, tôi thấy đau lưng và trong bụng đau râm ran. Biết mình sắp sinh, tôi đã ra cái chòi gần nhà để tự sinh con”- bà V. khóc. Sau khi sinh nở, bà lau sơ và quấn đứa con đỏ hỏn vào hai cái áo ấm rồi đặt bên đường. Bà núp vào lùm cây gần đó để chờ người đến nhặt. Khi đứa bé được nhặt đem đi, bà V. quay lại làm việc thường nhật của mình như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Hiện nay dù đã nhận lại con nhưng bà vẫn không dám về nhà và phải tá túc ở nhà hàng xóm. Hàng xóm cho biết sau khi công an vào nhà thông báo việc bà V. đẻ con và bỏ, ông S. liền đuổi đánh vợ nhưng được bà con can ngăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Hiển, trưởng Công an xã Mã Đà, cho biết khi vào vận động ông S. nhận con, ông này cho rằng không hề biết vợ mang thai vì trước đó đã yêu cầu bà này đi triệt sản và bà V. cũng cho biết đã triệt sản rồi. Do vậy ông S. nói với vợ là không đẻ nữa vì con đông quá rồi không nuôi nổi. Hàng xóm cho biết gia đình vợ chồng bà V. rất nghèo nhưng vẫn cố gắng làm lụng để nuôi sáu đứa con. Ông bà không có đất ở ổn định, họ chỉ thuê đất làm vườn xoài và cất nhà tạm trên đất thuê để ở, cuộc sống rất khó khăn. |