02/11/2024

Mẹ chồng người ta

“Nói thương một người không khó, sống với người ấy lâu dài và bỏ qua những thói xấu thường ngày của người đó mới là việc khó khăn. Tình thương ấy đòi hỏi sự sáng suốt của lý trí” – người mẹ chồng ấy nói như vậy.

 

Mẹ chồng người ta

 

“Nói thương một người không khó, sống với người ấy lâu dài và bỏ qua những thói xấu thường ngày của người đó mới là việc khó khăn. Tình thương ấy đòi hỏi sự sáng suốt của lý trí” – người mẹ chồng ấy nói như vậy.

 

 

 

 

Mẹ chồng người ta
Minh hoạ: Nguyễn Ngọc Thuần
“Tôi không phải là thiên thần đâu, tôi chỉ là người bình thường nhưng tôi thấu hiểu nỗi đau và sự mất mát, chồng tôi vừa qua đời, trước cái chết của ông ấy tôi hiểu chỉ có cái chết là không thể cứu vãn, còn lỗi lầm gì thì cũng có thể bỏ qua

 

 

Và bà không nói suông.

Tôi “biết” bà lần đầu thông qua con dâu của bà – một cô bạn tôi quen trên Facebook. Khi ấy cô nhờ tôi tìm giúp cho mẹ chồng cô ít sâm Ngọc Linh. Tôi hỏi bà cần làm gì, qua điện thoại thì bà nói bà cần cho chồng. Ông đang bị ung thư phổi, đã xạ trị, hóa trị và nay cần thêm sâm để phục hồi sức khoẻ. Con dâu bà kể với tôi rất nhiều điều về bà với vẻ mặt thật sự yêu thương và kính trọng.

Bà là người Malaysia nhưng chẳng khác gì kiểu mẫu đàn bà Việt Nam ngày xưa: tất cả cái gì ngon nhất, tốt nhất đều dành cho chồng, cho con, từ miếng ăn đến tấm áo. Bà ở nhà nội trợ, giờ rảnh thì thêu thùa, đan lát, đọc sách về dinh dưỡng, rồi làm công tác thiện nguyện với nhà thờ… Khi B. – chồng cô – đưa cô về nhà và nói sẽ cưới cô, bà không hạch hỏi gia cảnh, xuất xứ gì, chỉ nhẹ nhàng: “Các con đã chọn nhau, mẹ chúc phúc cho các con”.

Cô thuyết phục chồng nói với bà là cô đã có một đời chồng và hai đứa con cô đang ở Việt Nam. Chồng cô sợ nói ra thì cha mẹ sẽ không đồng ý vì chồng cô là con trai một và nhà cũng có chút của ăn của để, có tiếng tăm 
trong vùng.

Con dâu của bà kể: “Em ở chung với ông bà, bà lo cho tụi em không thiếu thứ gì, mỗi tối khi ăn tối xong mà B. định lái xe đi uống cà phê với bạn là bà đẩy em đi theo: “Để đó mẹ rửa chén, chồng con, con phải coi chừng, nó ham vui, bên ngoài con gái đẹp nhiều lắm, nó lại có tiền, con đi giữ nó…”.

Việc lớn việc nhỏ trong nhà bà dạy bảo con dâu tận tình, kiên nhẫn từng chút, dạy cô nói tiếng Malaysia, hiểu văn hoá gia đình, nếp nhà, rồi cho cô vốn làm ăn và luôn nhắc cô hiếu thảo với 
cha mẹ ở Việt Nam.

2 Lần thứ hai tôi “gặp” bà, lần này gặp tận mặt khi tôi sang Malaysia có công việc. Bà niềm nở đón tiếp bạn của con dâu, nấu nướng công phu với những món tươi ngon, giữ tôi ngủ lại nhà và chăm sóc tôi như một người mẹ chăm sóc bạn của con chứ không phải là mẹ chồng tiếp đãi khách của con dâu. Tôi thật sự cảm thấy ấm áp khi ở bên bà.

Tôi nói với hai vợ chồng cô bạn: “Mẹ tốt quá … Chị thấy ái ngại khi các em giấu mẹ… Lỡ mẹ biết mẹ sẽ tổn thương…”. Hai vợ chồng tần ngần. Hai năm rồi vẫn giấu, B. định sẽ đem hai con riêng của vợ sang Malaysia cho các cháu đi học nhưng sẽ thuê nhà trọ ở gần trường, chứ không thể đem về được vì sợ bố mẹ mình biết. Họ cũng muốn nói sự thật với bà nhưng nói ra thì lại sợ… B. rất yêu vợ và hai đứa con riêng của vợ, mỗi lần về Việt Nam với vợ, B. đều chăm sóc các cháu như thể con mình đến nỗi hai đứa (một đứa 9 tuổi, một đứa 6 tuổi) xem 
B. như cha ruột.

Tiễn tôi ra sân bay, hai vợ chồng trầm ngâm: “Chắc tụi em sẽ nói thật với bà…”. Tôi gật đầu: “Nên nói sớm, để muộn nếu phát hiện bà sẽ rất tổn thương”.

Lần thứ ba tôi gặp bà ở Sài Gòn. Bà đi du lịch để khuây khoả nỗi đau chồng mất. Ông vừa mất trước tết vì ung thư phổi đã di căn dù xạ trị, hoá trị đầy đủ, thuốc thang đủ cách. Tôi nói: “Xin bác đừng quá buồn đau, bác trai đi sớm sẽ đỡ đau đớn”. Bà cười, nụ cười thật mạnh mẽ nhưng đượm buồn: “Tôi hiểu như vậy tốt hơn”. Trò chuyện một lúc, bà hỏi thăm con trai tôi, xong bà nói với con dâu: “Khi nào có dịp, con đem con của con đến chơi với con 
của cô ấy (là tôi)”.

Tôi choáng váng trố mắt nhìn hai vợ chồng cô bạn, hỏi bằng mắt: “Bà biết?”. Cô bạn chưa kịp trả lời, bà đã cười rất bao dung: “Tôi tự khám phá đó, chúng nó không chịu nói sợ tôi buồn, sợ tôi bị tổn thương”. Tôi thiếu điều nghiêng mình vái bà vì sự bao dung và thấu hiểu đó. “Bà không trách con dâu chứ? Chỉ vì cô ấy sợ bà không chấp nhận”, tôi hỏi và bà trả lời ngay: “Tôi có trách vì hai con đã để các cháu xa mẹ lâu quá, hai năm qua các cháu được bên mẹ chỉ vài tháng, 
tôi thấy đau lòng”.

Tôi nhìn thẳng vào mặt người mẹ chồng này để cố tìm xem có sự giả dối hay lịch sự vờ vịt nào không vì thật sự không tin bà bao dung đến mức đó. Nhưng tôi hoài công. Ánh mắt bà chân thành đến mức tôi tự thấy xấu hổ vì nghi ngờ bà.

Bà nói tiếp: “Tôi không phải là thiên thần đâu, tôi chỉ là người bình thường nhưng tôi thấu hiểu nỗi đau và sự mất mát, chồng tôi vừa qua đời, trước cái chết của ông ấy tôi hiểu chỉ có cái chết là không thể cứu vãn, còn lỗi lầm gì thì cũng có thể bỏ qua”.

Ai cũng cần một bàn tay chìa ra để đỡ mình đứng dậy sau cơn bão, cô bạn tôi rất may mắn đã có một người đàn ông tốt và càng may mắn gấp bội khi có một người mẹ chồng quá đỗi tốt như vậy. Tôi nhớ mãi lời bà nói khi chia tay: “Thương một ai đó cũng cần nhiều lý trí để bỏ qua lỗi lầm của họ”. Tôi ước mong tất cả cô dâu Việt lấy chồng xứ người đều có một bà mẹ chồng như người đàn bà này…

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH