06/11/2024

Tội phạm ngày càng dã man

Ngày 25.3, tại Bình Dương, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống tội phạm với công an 9 tỉnh, thành phía nam gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh và Bình Phước.

Tội phạm ngày càng dã man

 

Ngày 25.3, tại Bình Dương, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng chống tội phạm với công an 9 tỉnh, thành phía nam gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh và Bình Phước.



 


Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Đỗ Trường

 

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng phát biểu chỉ đạo hội nghị – Ảnh: Đỗ Trường


Báo cáo của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm cho biết hiện nay địa bàn giáp ranh ở TP.HCM, Bình Dương đang là trung tâm của các loại tội phạm, cũng là nơi tập kết, trung gian để các nhóm tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội khác nhau. Trong đó, nhức nhối nhất là nạn trộm cắp, cướp giật, ma tuý… gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
 
 
Tội phạm ngày càng dã man - ảnh 1
Dân báo mất trộm, mất cắp cho chúng ta quá phiền phức, thậm chí còn bị la mắng. Báo một vụ mất trộm nhưng lại bị công an gọi tới gọi lui, hỏi lên hỏi xuống, chờ đợi mất rất nhiều thời gian. Có nhiều vụ việc mất trộm đã làm rõ rồi, nhưng chưa trả cho người bị hại. Như vậy chỉ có người tiếc của lắm mới báo cho chúng ta

Tội phạm ngày càng dã man - ảnh 2
 
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng
 

“Không còn gì để bình luận”

Chủ trì hội nghị, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, nhấn mạnh: “Trộm cắp, cướp giật bây giờ lộng hành, trước đây giật đồng hồ, túi xách, trộm con gà, con chó… nay tội phạm theo nạn nhân đến tận ngân hàng chờ rút tiền xong là ra tay cướp giật. Trộm bây giờ vào trong nhà khiêng cả két sắt thì không còn gì để bình luận”. Theo ông Hùng, nhiều tổ chức tội phạm nuôi dưỡng đàn em ngay từ trong tù. Sau khi ra tù các nhóm này câu kết lại hoạt động rất manh động và trung thành.
Theo báo cáo, hiện có 89 băng nhóm trên địa bàn 9 tỉnh thành đã được liệt vào “danh sách đen”. Tuy nhiên, thiếu tướng Hùng cho rằng số băng nhóm quản lý được ít hơn và chỉ chiếm khoảng 10% so với số lượng các băng nhóm mà công an các tỉnh thành triệt phá được. “Chúng ta có cả một hệ thống chính trị, cảnh sát cơ động, có CSGT, dân quân, dân phòng… Chúng ta đổ rất nhiều tiền bạc và công sức cho phong trào phòng chống tội phạm, thế nhưng tội phạm vẫn gây án được”, thiếu tướng Hùng đặt vấn đề và cho rằng việc kiểm tra địa bàn, báo cáo lập kế hoạch chưa sát. “Người dân đang bực muốn chết mà các đồng chí đưa cái thành tích ra báo cáo thì càng bức xúc thêm…”, ông Hùng nói.
Đại tá Vũ Hoàng Kiên, Cục phó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (C45, Bộ Công an), thừa nhận tình trạng trộm cắp, cướp giật ngày càng lộng hành và rất chuyên nghiệp. Đại tá Kiên cho biết qua các cuộc điều tra, lấy lời khai của các nghi can trộm cắp chuyên nghiệp cho thấy một đối tượng trộm két sắt được tập luyện rất nhiều từ việc mở khoá, đột nhập vào nhà, phá két sắt lấy tài sản; kỹ năng đối phó với cơ quan điều tra và gần như không để lại dấu vết tại hiện trường.
Báo mất trộm còn bị la mắng
Phát biểu tại hội nghị, thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết tội phạm xâm hại tài sản, đột nhập các khu dân cư trên địa bàn TP xảy ra “rộ hơn” trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng trong tháng 3.2016, ở TP.HCM tăng từ 15 – 20% các vụ án xâm hại tài sản (trộm cắp, cướp giật). “Nạn nhân bị cướp giật, mất trộm hiện nay hầu như không muốn báo công an nhưng lại đưa lên mạng xã hội và báo trực tiếp với Bí thư Thành uỷ luôn. Khi công an gọi điện để ghi nhận tình hình thì nạn nhân trả lời là bận, không có thời gian”, thiếu tướng Minh bày tỏ.
Về vấn đề này, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng cho rằng cần phải xem lại cung cách giao tiếp, ứng xử, tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm của công an với dân như thế nào. “Dân báo mất trộm, mất cắp cho chúng ta quá phiền phức, thậm chí còn bị la mắng. Báo một vụ mất trộm nhưng lại bị công an gọi tới gọi lui, hỏi lên hỏi xuống, chờ đợi mất rất nhiều thời gian. Có nhiều vụ việc mất trộm đã làm rõ rồi, nhưng chưa trả cho người bị hại. Như vậy chỉ có người tiếc của lắm mới báo cho chúng ta”, thiếu tướng Hùng nói.
Kết luận hội nghị, ông Hùng nhấn mạnh: “Phòng chống tội phạm phải hết sức gắn bó với dân, sát cánh với báo chí trong tuyên truyền nâng cao cảnh giác, nhận thức của người dân”.
Theo báo cáo, trong năm 2015 tội phạm hình sự xảy ra trên địa bàn giáp ranh gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương là 1.205 vụ, trong đó: TP.HCM 795 vụ, Bình Dương 177 vụ, Đồng Nai 235 vụ. Án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở 3 tỉnh, thành này là 61 vụ, chiếm 5,06%; các cơ quan công an đã điều tra, khám phá 966 vụ (đạt tỷ lệ 80,16%).
Tội phạm giết người tiếp tục xảy ra nghiêm trọng, diễn biến bất thường về tính chất, hành vi cũng như thành phần, đối tượng gây án, xu hướng hành xử bạo lực, gây án dã man. Tình hình người thân trong gia đình mâu thuẫn giết hại lẫn nhau diễn biến phức tạp. Đáng chú ý tội phạm có yếu tố nước ngoài xảy ra ngày càng nhiều. Tội phạm hình sự có sự dịch chuyển theo vùng miền, các nhóm tội phạm miền Bắc, miền Trung có xu hướng vào miền Nam tập trung ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương để hoạt động. Tội phạm nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc) vào VN để hoạt động có xu hướng gia tăng. Tội phạm hoạt động lưu động, có tổ chức, có xu hướng chuyển hoá, đan xen giữa các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý, môi trường; có sự thoả hiệp với nhau về địa bàn hoạt động, về lợi ích trên các lĩnh vực, tính chuyên nghiệp hoá ngày càng cao, phương thức, thủ đoạn tinh vi, luôn tìm cách đối phó cơ quan điều tra.

Trộm đột nhập lấy sạch phương tiện tác nghiệp của phóng viên
Trong lúc Công an tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội nghị các câu lạc bộ phòng chống tội phạm (ngày 22.3) thì tại nhà riêng của PV Thanh Niên ở P.Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), khoảng 3 giờ sáng 25.3, trộm đã đột nhập vào nhà bằng cửa chính lấy trộm 2 laptop, 1 máy ảnh, 1 camera, 2 ĐTDĐ và gần 15 triệu đồng. Các giấy tờ tuỳ thân, thẻ nhà báo, túi xách… kẻ trộm đều để lại. Đáng chú ý, tuy lấy hết số tiền lẻ và chẵn của những người thân trong gia đình, tên trộm còn để lại tờ mệnh giá 20.000 đồng trong ví của PV. Vụ việc đã được báo cho Công an TP.Thủ Dầu Một và Công an P.Phú Lợi.

Đỗ Trường