27/12/2024

Dùng dằng… tài sản riêng, chung

Vợ chồng sống chung với nhau khi cơm lành canh ngọt không sao. Khi tình cảm sứt mẻ, họ đâm đơn ra tòa ly dị thì nảy sinh vấn đề tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng, tài sản của cha mẹ cho riêng vợ/chồng… Ứng xử thế nào cho hợp tình hợp lý?

 

Dùng dằng… tài sản riêng, chung

 

Vợ chồng sống chung với nhau khi cơm lành canh ngọt không sao. Khi tình cảm sứt mẻ, họ đâm đơn ra tòa ly dị thì nảy sinh vấn đề tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng, tài sản của cha mẹ cho riêng vợ/chồng… Ứng xử thế nào cho hợp tình hợp lý?

 

 

 

Dùng dằng... tài sản riêng, chung

“Nhiều người lo ngại nếu người yêu biết mình lén đi công nhận có khối tài sản riêng thì mối quan hệ có thể đổ vỡ. Theo tôi, việc phân chia rạch ròi tài sản riêng trước hôn nhân rất tốt, tránh tranh chấp về sau, làm ăn thua lỗ bị tịch thu hoặc nếu có cho con cái, người thân cũng dễ xử lý

Ông Nguyễn 
Văn Lạng 
(trưởng văn phòng Thừa phát lại quận 
Ba Đình, TP Hà Nội)

 

 

Khi mái ấm tan vỡ thì căn nhà cũng trở thành tài sản gây tranh chấp khá nhiều tại các phiên toà xử ly hôn.

Bi kịch chia nhà

Yêu nhau ba năm, anh L.T. ngỏ lời cầu hôn, nhưng chị N.T.Q. còn đắn đo bởi tính anh hay tiêu xài quá trớn. Nhưng rồi bạn bè, người thân bàn vô rằng khi cưới vợ, tính xấu này của anh ắt sẽ thay đổi. Vậy là chị bằng lòng.

Mức lương cả hai khá cao bởi đều làm cho công ty nước ngoài. Do buồn phiền về chuyện tiêu xài hoang phí của chồng nên chị nhiều lần khuyên nếu ăn xài như vậy biết bao giờ mới có dư. Chồng quạu quọ nói trong khi vợ tiêu xài như thế nào chồng đâu có nhúng vô, còn vợ sao cứ xen vào chuyện chi tiêu của chồng. Rồi khi có con, chồng vẫn giữ thói quen chi tiêu thoải mái.

Tuy nhiên chuyện tiêu pha của chồng không dừng ở đó khi thêm tật mê cá độ bóng đá.

Sợ chồng mê cờ bạc mà làm gì sai nên chị nói với chồng chị sẽ đứng tên sở hữu riêng ngôi nhà bởi đó là toàn bộ số tiền riêng của chị tích cóp. Anh lúc đầu không chịu nhưng sau đó bằng lòng. Họ làm văn bản thoả thuận ngôi nhà do vợ đứng tên sở hữu riêng.

Vừa đi làm, vừa lo cho con, vừa buồn rầu chồng khiến tâm trạng chị lúc nào cũng bất an.

Rồi lần đó, khi chị ngã bệnh, chủ nợ tới đòi tiền chồng… Chị phải bán xe trả tiền cho người ta. Lúc này, sức chịu đựng vỡ tung, chị nộp đơn ly hôn…

Khi ra toà, anh đòi chia căn nhà. Chị trưng ra thoả thuận đó là tài sản riêng của chị còn rành rành chữ ký của anh. Anh kháng cáo nhưng TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của anh, tuyên y án sơ thẩm: căn nhà là sở hữu riêng của chị…

Thắng kiện, nhưng chị vẫn buồn bã nhìn dáng anh hậm hực bỏ đi, rồi thở dài rằng nếu chị không phòng thủ, giờ này cũng không còn nhà để ở…

Anh chị H. cưới nhau năm 1994. Sau khi hai người kết hôn, cả bố mẹ anh lẫn bố mẹ chị đều cho hai vợ chồng hai mảnh đất. Anh chị làm nhà ba tầng và sinh sống ổn định trên mảnh đất của bố mẹ anh cho.

Sau khi anh làm ăn thua lỗ và nợ nần, chị phải bán mảnh đất của bố mẹ mình cho để trả nợ và lấy tiền chi tiêu trong gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến năm 2013, anh đi làm xa và thường xuyên không về nhà vì có con với người phụ nữ khác. Chị đâm đơn ly hôn.

Không thể tiếp tục ở trong ngôi nhà cũ gần bố mẹ chồng, chị bỏ nhà đi. Các con chị cũng bỏ đi theo mẹ. Ngôi nhà hoang lạnh, không ai ở lại trở thành tài sản tranh chấp của hai vợ chồng.

Ở tòa sơ thẩm, khi bố anh được mời đến tham dự, ông cương quyết đề nghị tòa không chia nhà cho chị vì cho rằng tài sản đó là của ông, giờ hai vợ chồng không ở với nhau nữa thì ông có quyền đòi lại.

Xét căn nhà là tài sản chung của cả hai vợ chồng, tòa sơ thẩm chia đôi cho anh một nửa, chị một nửa. Anh kháng cáo yêu cầu không chia nhà cho chị.

Lên tòa phúc thẩm, bố anh vẫn cương quyết: “Nếu hai đứa ở với nhau thì tôi tạm cho, còn không ở với nhau nữa thì trả lại đất cho tôi”.

Chị nước mắt ngắn dài bảo: “Bố mẹ tôi cho đất thì hai vợ chồng làm ăn nợ nần phải bán mất rồi. Tiền bán đất cũng chi vào việc chung của gia đình, giờ gia đình anh lại lấy cớ không muốn chia đôi căn nhà, vậy các con của tôi là cháu nội của ông sẽ sống ở đâu?”…

Nên thẳng thắn từ đầu

Kể về rất nhiều vụ tranh chấp tài sản sau hôn nhân, bà Đỗ Thị Luyến – chánh án TAND huyện Thanh Trì, TP Hà Nội – thẳng thắn: “Trước đây có nhiều người trước khi kết hôn đã đưa nhau đi xét nghiệm xem có phù hợp nhóm máu hay không, khám sức khoẻ sinh sản, làm tinh trùng đồ… xem có đảm bảo việc có con hay không, có bệnh truyền nhiễm không. Nhiều người cho việc đó là nực cười nhưng bây giờ nó lại trở nên rất bình thường.

Tôi nghĩ việc phân biệt rạch ròi tài sản riêng, chung của vợ chồng cũng vậy. Mọi người nên có ý thức về vấn đề này để tránh những tranh chấp về sau và ảnh hưởng đến tình cảm. Và nếu xác định sáp nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của hai vợ chồng thì cũng không nên hối tiếc”.

Ông Nguyễn Văn Lạng – trưởng văn phòng Thừa phát lại quận Ba Đình, TP Hà Nội – cũng cho biết ngày càng nhiều người tìm đến văn phòng ông để lập vi bằng thể hiện khối tài sản riêng.

“Nhiều người trước khi lập gia đình, họ có số tài sản riêng nên muốn lập vi bằng thể hiện khối tài sản đó được hình thành trước hôn nhân. Tuy nhiên do tâm lý của người VN nên họ vẫn còn e ngại, giấu bạn trai/chồng hoặc vợ sắp cưới của mình chuyện lập vi bằng. Nhiều người lo ngại nếu người yêu biết mình lén đi công nhận có khối tài sản riêng thì mối quan hệ có thể đổ vỡ.

Theo tôi, việc phân chia rạch ròi tài sản riêng trước hôn nhân rất tốt, tránh tranh chấp về sau, làm ăn thua lỗ bị tịch thu hoặc nếu có cho con cái, người thân cũng dễ xử lý” – ông Lạng cho biết.

Trong khi đó, ThS Phan Thị Mai chia sẻ nhiều cặp vợ chồng đều đi làm nên ai cũng có thu nhập riêng, có tài sản, độc lập về kinh tế, có học thức, có tham gia các hoạt động xã hội. Vì vậy nhu cầu được sở hữu tài sản riêng là tâm lý, xu thế chung khi xã hội tiến bộ. Chuyện muốn sở hữu tài sản riêng nghe qua tưởng chừng lạnh lùng, sòng phẳng nhưng nếu xét kỹ thì rất minh bạch bởi cuộc sống khó lường trước điều gì.

Cũng theo bà Mai, vợ chồng cần thảo luận trước khi làm chủ quyền đứng tên riêng. Ngoài ra, nếu đó là tài sản riêng của vợ/chồng mà người bạn đời nhất mực đòi biến nó thành tài sản của họ thì lúc đó phải cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút ký thỏa thuận cho tài sản riêng đó cho người bạn đời để tránh “tiền mất tật mang”.

Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Mỗi cá nhân nên có cách ứng xử phù hợp

Pháp luật hiện nay có quy định khi kết hôn thì tài sản riêng có thể nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng. Vấn đề tài sản riêng, chung làm thế nào để vừa hợp tình vừa hợp lý là câu hỏi rất khó trả lời.

Đưa ra lời khuyên cho vấn đề này rất khó bởi tính đặc thù của mối quan hệ gia đình, nó phụ thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân. Nếu rạch ròi quá ngay từ đầu cũng sẽ làm đổ vỡ mối quan hệ ngay tức khắc.

Mỗi gia đình, mỗi cá nhân nên lưu ý để có cách ứng xử cho phù hợp, vừa đảm bảo tình cảm gia đình, vừa tuân thủ các quy định để tránh rắc rối về sau.

Luật gia Nguyễn Thanh Xuân:

Cần được công chứng, chứng thực

Chế định tài sản riêng của vợ/chồng sau khi kết hôn đã được pháp luật hôn nhân Việt Nam ghi nhận từ năm 1986 và kế thừa đến nay. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ/chồng cũng là tài sản riêng của vợ/chồng. Vợ/chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung của họ theo thoả thuận.

Như vậy sau khi kết hôn, vợ/chồng muốn sở hữu tài sản riêng sẽ được thực hiện bằng văn bản thoả thuận xác định tài sản nào là tài sản riêng và phải được công chứng, chứng thực.

TÂM LỤA – MINH TÂM ([email protected]) ([email protected])