Vợ chồng ly hôn: Con anh, hay con tôi?
Chị 27 tuổi. Anh hơn chị cả giáp. Ngỡ đâu cưới nhau về chị được chiều chuộng, thương yêu. Ai ngờ ở mới 4 năm, chị đã bao lần phải ôm mặt khóc vì chồng đánh đập như cơm bữa với những lý do đẩu đâu. Bức quá mà phải ly hôn.
Vợ chồng ly hôn: Con anh, hay con tôi?
Chị 27 tuổi. Anh hơn chị cả giáp. Ngỡ đâu cưới nhau về chị được chiều chuộng, thương yêu. Ai ngờ ở mới 4 năm, chị đã bao lần phải ôm mặt khóc vì chồng đánh đập như cơm bữa với những lý do đẩu đâu. Bức quá mà phải ly hôn.
Ngày ra toà, chị nén ruột giao đứa con gái nhỏ mới hơn 3 tuổi cho anh nuôi. Đàn bà miền núi quanh năm suốt tháng chỉ biết ruộng đồng, trồng trọt, chăn nuôi, tiền đâu mà lo cho con đủ đầy? Anh, người thương lái, kinh tế dù sao cũng khá giả hơn chút.
Sau ly hôn, anh biền biệt với các chuyến làm ăn phương xa, giao con nhờ chị nuôi. Ở với con vui vầy được 3, 4 tháng thì anh xong việc, quay về, đòi con lại.
Kể từ đó, mỗi lần muốn đến thăm con là thêm một lần khổ sở khi gia đình chồng hết chì chiết lại xua đuổi.
Thăm con trong nhà vệ sinh
Chị cặm cụi lao vào kiếm tiền, nhưng nỗi nhớ con cứ đau đáu khôn nguôi. Không đến nhà thăm con đường đường chính chính được, chị đành canh giờ con nghỉ giải lao mà vào trường thăm con chớp nhoáng.
Cẩn thận nhìn trước ngó sau, sợ chúng bạn của con thấy lại về méc ba mà con phải ăn đòn vì dám gặp mẹ, hai mẹ con chỉ dám ôm nhau trong nhà vệ sinh hôi hám mà mừng mừng tủi tủi. Bĩ cực không sao tả xiết.
Nghĩ như vậy lâu dài cũng không tiện, kinh tế chị bây giờ cũng ổn hơn, con thì cũng đã
8 tuổi, gần đến ngưỡng dậy thì cần sự chăm sóc của người mẹ, vợ mới của anh đã sinh một đứa con trai, giờ lại sắp sinh đứa nữa. Chị nộp đơn ra toà yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Họ đã từng là vợ chồng, dù sao cũng có chung một đứa con. Vậy mà giờ đây giáp mặt tại phiên toà này anh lại lạnh tanh, nhìn chị đầy hằn học. Chị thì mỗi câu nói lại kèm theo một tiếng nấc. Đến khi nghe toà nói con gái anh viết giấy tự khai đòi ở chung với mẹ, anh đập bàn, đứng vụt lên, hùng hổ: “Giấy tự khai này ở đâu mà có? Ai ép buộc nó? Chỉ có mẹ nó và cô giáo thông đồng với nhau rồi đầu độc nó mà thôi!”.
Dường như anh không thể nào chấp nhận được việc con gái anh lại thương mẹ nó.
Rồi anh lại quyết đoán: “Con tôi, tôi nuôi, không giao cho ai. Cho dù mẹ nó đòi nuôi và không yêu cầu cấp dưỡng cũng vậy. Cô ấy thăm con mà không quang minh chính đại!”.
Dường như anh không thể nào hiểu được điều anh cho là bất lợi lại chính là ưu thế của chị. Vì cớ gì một người đàn bà dù bị ngăn cấm vẫn cố gặp con bằng được nếu không phải vì tình mẫu tử thiêng liêng? Làm sao vợ sau anh có thể thương con gái anh bằng mẹ đẻ nó?
Đến vì tình yêu, đi vì tình người
Sau khi cân nhắc, hội đồng xét xử giao con gái cho chị nuôi. Chị nắm chặt hai bàn tay xoa xoa khấp khởi vui mừng, miệng rối rít cám ơn. Nhưng rồi lại nhanh chóng ưu tư: “Mới bước đầu thôi cô ạ. Rồi phải làm đơn gửi thi hành án yêu cầu giao con nữa. Rồi biết đâu, anh ấy lại tiếp tục kháng cáo”.
Tôi không biết nói sao, chỉ động viên chị cố gắng lên nhưng cứ tự hỏi ai cưới nhau mà chẳng muốn ăn đời ở kiếp đến răng long đầu bạc, không đành đoạn mới phải chia tay. Dù tan vỡ vì lý do gì thì hãy cùng nhau nuôi dạy đứa trẻ nên người để cho nó hiểu sau ly hôn, chỉ có mối quan hệ vợ chồng giữa họ đổ vỡ chứ ba mẹ của nó thì không hề mất đi và họ vẫn luôn yêu thương và lo cho con mình chu đáo.
Con cái là kết tinh tình yêu của hai người, có phải của riêng ai đâu mà giành qua giật lại như món đồ, mà cấm tiệt con không được thương ba hay mẹ nó?
Nghĩ vậy thôi chứ mấy ai có thể đủ bao dung mà đến với nhau vì tình yêu và ra đi cũng đầy tình người…
Vân Anh Nguyễn