TAND tối cao đang xây dựng tuyển tập dự thảo án lệ với khoảng 30 bản án, quyết định, dự kiến sẽ đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại hội thảo vào những ngày tới.
Có án lệ ‘đỡ cãi nhau’
TAND tối cao đang xây dựng tuyển tập dự thảo án lệ với khoảng 30 bản án, quyết định, dự kiến sẽ đưa ra lấy ý kiến đóng góp tại hội thảo vào những ngày tới.
Chung quanh vấn đề “rất nóng” này, Thanh Niên đã phỏng vấn PGS-TS Đỗ Văn Đại (ảnh), Trưởng khoa luật Dân sự, Trường đại học Luật TP.HCM (Phó chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý Trung tâm trọng tài quốc tế VN).
Nhiều năm qua, bên cạnh công tác giảng dạy, PGS-TS Đỗ Văn Đại đã tập trung nghiên cứu án, công bố một số sách bình luận án với mục đích đề xuất luật hoá vấn đề án lệ tại VN. Ông là một trong những chuyên gia kiên trì, nhẫn nại trong việc đấu tranh để pháp luật ghi nhận và phát triển án lệ. “Nhà tôi tuyển tập các bản án hay còn nhiều hơn cả sách. Tôi có ý định khai thác án lệ từ năm 2005, phải “lặn lội” 10 năm mày mò các bước để chứng minh với người dân và các nhà làm luật rằng, án lệ không có gì ghê gớm cả”, ông chia sẻ.
VN đang sử dụng án lệ nhưng không nghĩ đó là án lệ
Việc công bố bản án sẽ làm minh bạch, khiến người tiến hành tố tụng xét xử có chuẩn mực hơn. Có tập án lệ để các đương sự tìm thấy vụ việc của mình trong đó, là bàn đạp để các bên tự thoả thuận với nhau, hạn chế kéo nhau ra tòa tốn thời gian, tiền bạc, công sức
Ông diễn đạt án lệ là thế nào để mọi người dễ hiểu?
Đơn giản là, cùng một vụ việc khi xảy ra tranh chấp nhưng trong luật chưa quy định cách giải quyết hoặc quy định chưa rõ, có sự mâu thuẫn dẫn đến luật sư các bên hiểu khác nhau, thẩm phán ở các nơi xử không giống nhau, từ đó đương sự cảm thấy bất bình thì TAND tối cao ấn định một bản án, quyết định làm chuẩn, làm đường lối giải quyết tạo sự thống nhất trong áp dụng, tạo sự bình đẳng cho các đương sự, giao dịch. Bản án, quyết định của TAND tối cao ấn định gọi là án lệ.
Ví dụ, chủ sở hữu cho một người không có bằng lái mượn xe, người mượn sử dụng xe gây tai nạn thì chủ sở hữu có phải chịu trách nhiệm bồi thường không? Luật chưa quy định nhưng từ trước đến nay TAND tối cao giải quyết theo hướng chủ sở hữu liên đới cùng người gây tai nạn phải bồi thường; hoặc trường hợp con riêng của vợ (chồng) được hưởng thừa kế của cha dượng (mẹ kế) thì thuộc hàng thừa kế thứ mấy trong các hàng thừa kế. Luật hiện hành cũng không có quy định nhưng TAND tối cao đang xử theo hướng con riêng của vợ (chồng) nằm trong hàng thừa kế thứ nhất, giống như con đẻ, con nuôi.
Những ví dụ trên có thể là án lệ. Thật ra, đối với nhiều vụ việc, VN đang sử dụng án lệ nhưng không nghĩ đó là án lệ. Các vấn đề khi chưa có luật, nhưng TAND tối cao có một đường lối giải quyết hợp tình, hợp lý thì đó sẽ là án lệ trong tương lai.
Theo ông, VN xây dựng án lệ có khác so với các nước?
Nước ngoài cũng thế, án lệ như là nguồn luật bổ sung khi luật chưa rõ, chưa có. Chẳng hạn, ở Pháp việc mang thai hộ không được đề cập trong văn bản luật, nhưng khi phát sinh tranh chấp, Toà án tối cao Pháp có bản án nói không được mang thai hộ và đấy là án lệ. Như vậy, việc mang thai hộ không được quy định trong luật nhưng lại được đề cập trong án lệ; hay việc chuyển đổi giới tính, văn bản luật của Pháp không quy định, cũng không cấm, vấn đề là chấp nhận hay không chấp nhận chuyển đổi giới tính. Rất lâu Toà án tối cao Pháp đã có những quyết định giám đốc thẩm theo hướng nếu ai sinh ra có trạng thái tâm lý khác với con người thật của mình, cộng với việc đi thay đổi bộ phận sinh dục thì được quyền thay đổi hộ tịch để phù hợp với giới tính mới.
Trong đời sống, án lệ rất quan trọng. Có án lệ, chúng ta đỡ phải cãi nhau.
Liệu có lợi ích nhóm trong việc lựa chọn án lệ không, thưa ông?
Có thể có. Nhưng trong cuộc sống chúng ta cũng đừng đòi hỏi sự tuyệt đối quá. Hơn nữa, nghị quyết hướng dẫn của TAND tối cao nêu, khi thấy án lệ không hợp lý, bằng một luận cứ thuyết phục mọi công dân, các chuyên gia pháp luật có thể kiến nghị TAND tối cao sửa án lệ.
Thực tế “có vẻ như” không phải ai cũng đồng tình việc luật hóa án lệ?
Đúng vậy, VN không có thói quen sử dụng bản án, quyết định, chỉ quen sử dụng sách luật. 10 năm nghiên cứu án lệ, trong mọi hội thảo, hội nghị sửa đổi luật tôi luôn tận dụng cơ hội để nhắc đến hai chữ “án lệ” để mọi người quen dần nhưng cứ bàn đến nó là họ lại bác bỏ. Song tôi cứ từ từ “nhồi nhét” những mặt tích cực của án lệ để dân, người làm luật hiểu.
Nguyên tắc luật càng nhập nhằng thì luật sư, thẩm phán càng “dễ sống”, vì không có gì để đối chiếu. Lúc này chỉ có các đương sự (người dân) là thiệt thòi. 5 năm trước, để tìm, xin một bản án rất khó. Từ khi có “trào lưu” cần án lệ, TAND tối cao buộc công khai, công bố án thì người dân mới đọc được bản án. Việc công bố bản án sẽ làm minh bạch, khiến người tiến hành tố tụng xét xử có chuẩn mực hơn. Có tập án lệ để các đương sự tìm thấy vụ việc của mình trong đó, là bàn đạp để các bên tự thoả thuận với nhau, hạn chế kéo nhau ra toà tốn thời gian, tiền bạc, công sức.
Nếu án lệ không còn phù hợp với thực tế nữa thì sao, thưa ông?
Trường hợp án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ, đồng thời phải kiến nghị ngay với Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để xem xét huỷ bỏ, thay đổi án lệ.
Chẳng hạn, ở Pháp, mối quan hệ ngoại tình thường đi kèm tặng những tài sản có giá trị lớn (như xe, nhà…) cho nhau. Nhưng khi người tặng quà chết, gia đình người này có đòi lại quà từ người được tặng hay không. Đây là vấn đề chưa được văn bản luật của Pháp quy định. Có một thời gian, Toà án tối cao Pháp đưa ra án lệ theo hướng mục đích tặng cho để duy trì một mối quan hệ ngoại tình là trái với thuần phong mỹ tục nên buộc người nhận phải trả lại tài sản cho người đã chết và trở thành di sản thừa kế cho những người được thụ hưởng. Nhưng, dần dần quan niệm về thuần phong mỹ tục, quan niệm về tình dục ở Pháp thay đổi nên án lệ cũng thay đổi. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Toà án tối cao Pháp đã ban hành án lệ theo hướng không vô hiệu giao dịch tặng cho đối với mối quan hệ “ngoài luồng” như trên nữa.
Theo ông, trong trường hợp văn bản pháp luật thay đổi có nội dung khác án lệ hoặc luật hoá án lệ thì án lệ còn giá trị áp dụng hay không?
Khi án lệ được luật hoá hay có sự thay đổi của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì thẩm phán, hội thẩm không áp dụng án lệ. Điều đó có nghĩa hiệu lực của án lệ là dưới luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Sẽ ban hành tập án lệ đầu tiên vào đầu tháng 4.2016
Trả lời Thanh Niên, ông Chu Thành Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao, cho biết: “TAND tối cao đã có tuyển tập dự thảo án lệ khoảng 30 vụ án, quyết định. Ngày 19.3, TAND tối cao sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo. Dự kiến, sẽ ban hành tập án lệ đầu tiên vào đầu tháng 4.2016.
Ban hành án lệ nhằm phát huy giá trị của nó, phù hợp với thực tiễn của VN, kết quả xét xử phải tốt hơn, người dân phải hài lòng với công tác toà án.
Định hướng phát triển án lệ được nêu trong Nghị quyết 48/2005 của Bộ Chính trị. Quá trình xây dựng Hiến pháp, chúng tôi đề xuất đưa án lệ vào Hiến pháp nhưng hội đồng sửa đổi có ý kiến, rằng nghiên cứu và phát triển án lệ là tốt nhưng vì quá mới nên không đưa vào Hiến pháp mà có thể nghiên cứu, xây dựng trong luật. Chia sẻ kinh nghiệm làm án lệ từ Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc; học tập từ nôi của án lệ như Úc hay cách vận dụng án lệ trong quá trình phát triển đất nước như Đức, Pháp… chúng tôi đã thuyết phục được TAND tối cao đưa quy định về án lệ vào điều 22 luật Tổ chức tòa án 2014, là Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có chức năng, nhiệm vụ là lựa chọn và phát triển án lệ để tòa án áp dụng trong xét xử…
Đặc biệt quá trình sửa đổi bộ luật Tố tụng dân sự, bộ luật Dân sự vừa qua, trong quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật khi xét xử “toà án không được từ chối các vụ việc của người dân khi không có quy định cụ thể” và “không có luật thì áp dụng tập quán, không có tập quán thì áp dụng nguyên tắc tương tự, không có tương tự thì áp dụng án lệ và đến lẽ công bằng”, một phần đã thể hiện được vị trí, vai trò của án lệ.
Tiếp cận một cái mới, tiến bộ bao giờ cũng có những rào cản. Để thuyết phục số đông thì phải mất rất nhiều thời gian. Để có được thành quả như hôm nay nhờ có sự kiên trì góp sức, cộng tác chia sẻ của nhiều chuyên gia, đặc biệt là PGS-TS Đỗ Văn Đại, đã cùng đồng hành và phản biện để đạt đến đích án lệ được sự đồng tình cao của xã hội”.