26/12/2024

Đàn ông cũng muốn được bình đẳng giới

Bình đẳng giới từ khi được quan tâm đã và đang không ngừng phát triển, mặc dù vẫn chưa đến mức lý tưởng theo mong muốn của chị em, nhưng đã có một số hiểu lầm và biến tướng.

 

Đàn ông cũng muốn được bình đẳng giới

Truyền thống và ý nghĩa ngày 8-3 thì ai cũng biết rồi, ai không biết thì google, 30 giây thôi. Einstein có nói “không cần phải nhớ những gì có thể tra cứu được”. Tất nhiên ổng chưa nói câu sau là “ai tin ráng chịu”.

Đàn ông cũng muốn được bình đẳng giới
Tristan và Yseut-liveinternet.ru

Bình đẳng giới từ khi được quan tâm đã và đang không ngừng phát triển, mặc dù vẫn chưa đến mức lý tưởng theo mong muốn của chị em, nhưng đã có một số hiểu lầm và biến tướng.

Bình đẳng giới là cả hai giới được tạo cơ hội như nhau để phát triển, được nhìn nhận và đối xử công bằng, không phân biệt. Bình đẳng giới không phải là nam giới làm cái gì thì phụ nữ phải làm cái đó cho bằng được: mặc đồ nam, cắt tóc cao, hút thuốc, uống rượu, chửi tục… không nằm trong phạm vi bình đẳng giới. Tuy nhiên những điều đó đang bị lạm dụng và hiểu lầm thành một loại tự do, một kiểu chứng tỏ mình của một bộ phận những cô gái trẻ.

Ngày nay, phụ nữ cũng tham gia trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội như nam giới. Hình tượng một người phụ nữ thành đạt, tài năng, năng động, đi nhiều nơi, học cao hiểu rộng hoặc bụi bụi, nghệ nghệ, quẩy hết mình… dường như trở thành những tiêu chuẩn của người phụ nữ hiện đại. Những ai dịu dàng, quẩn quanh bếp núc hay ở nhà trông con thì được nhìn nhận bằng con mắt thương hại, bị gọi là “bánh bèo vô dụng”… Như vậy có phải là bình đẳng giới hay không, hay chúng ta chỉ đang tạo ra những hình tượng mới để phụ nữ lựa chọn và noi theo? Không. Bình đẳng giới không phải là thứ biến phụ nữ bằng hoặc hơn nam giới, hoặc trở thành một hình tượng nào đó. Bình đẳng giới là khi phụ nữ thoải mái được là phụ nữ.

Khi phụ nữ có tính đàn ông, mọi người khen mạnh mẽ. Khi đàn ông có tính phụ nữ, mọi người chê “đồ đàn bà”. Bất bình đẳng ở chỗ “đàn bà” được xem là một tính từ chỉ cái xấu. Những ưu tiên dành cho nam giới dần dần được loại bỏ và bị xem là một loại kỳ thị phái nữ, trong khi đó những ưu tiên cho nữ giới thì được xem là chuyện đương nhiên. Đó có phải là bình đẳng không?

Tại sao có ngày phụ nữ mà không có ngày đàn ông? Đặc biệt nước mình còn có 2 ngày phụ nữ. Có thể nhiều người sẽ lý giải rằng vì tất cả ngày còn lại đều là ngày đàn ông rồi, hoặc vì phụ nữ thiệt thòi nhiều hơn… nhưng về bản chất, điều này là không công bằng. Có thể hiện tại nó góp phần làm giảm thiệt thòi cho phụ nữ, nhưng về dài nó lại trở thành nhân tố bất công, vì bản chất nó là vậy.

Tôn vinh và đặc quyền, thật ra chính là mặt trái của kỳ thị và bất công. Chỉ khác là ở thời điểm này nó được nhiều người ủng hộ, cán cân nghiêng về nó. Cũng giống như trong quá khứ, nhiều người xem những thiệt thòi của phụ nữ là lẽ đương nhiên, và được cụ thể hoá thành rất nhiều đạo lý vậy. Chẳng ai có thể đảm bảo lúc nào thì cán cân sẽ nghiêng trở lại, nếu cái cân vẫn còn tồn tại ở đó dưới dạng tôn vinh, đặc quyền đặc lợi.

Tôi cho rằng, phụ nữ cần được tôn trọng, cần được đối xử công bằng, như nam giới, như con người. Chuyện một người phụ nữ có được yêu thương, tôn trọng, tôn vinh hay không, phụ thuộc vào bản thân người đó, và tình cảm của người xung quanh dành cho người đó. Đừng nên xem đó là bổn phận, vì bổn phận nào cũng rất nặng nề.