25/12/2024

Người đàn bà đi đòi… nhan sắc

Tục ‘nối dây’ lạc hậu của người Vân Kiều tồn tại suốt hàng ngàn năm, cuối cùng đã bị một người đàn bà… chặt đứt. Kỳ lạ thay, đó lại là một người đàn bà tật nguyền.

 

Người đàn bà đi đòi… nhan sắc

 

Tục ‘nối dây’ lạc hậu của người Vân Kiều tồn tại suốt hàng ngàn năm, cuối cùng đã bị một người đàn bà… chặt đứt. Kỳ lạ thay, đó lại là một người đàn bà tật nguyền.





Nguồn sống của chị Móm bây giờ là hai con thơ

 

Nguồn sống của chị Móm bây giờ là hai con thơ


Câu chuyện của người đàn bà ấy như làm cả núi rừng Đakrông (Quảng Trị) bừng tỉnh…
Ở đại ngàn, tục “nối dây” (tức là khi chồng chết, người vợ muốn ở lại nhà chồng phải làm vợ hoặc làm lẻ cho một người đàn ông khác trong dòng họ nhà chồng, có thể là em, là cháu, là chú… của chồng) được cả “thần linh” và dân bản coi là một điều… hiển nhiên.
Số khổ hơn cả nhành cỏ dại


Người đàn bà đi đòi...  nhan sắc - ảnh 1
Còn nếu thực sự có thêm một lần đò, thì người đàn ông đó phải do tôi chọn và mọi thứ phải bắt nguồn từ tình yêu!
Người đàn bà đi đòi...  nhan sắc - ảnh 2
Chị Hồ Thị Móm

Nhà chị Hồ Thị Móm (41 tuổi) ở bản Pra Tầng (xã Đakrông), sát bên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Đó là một ngôi nhà sàn, không lớn nhưng khác biệt với tất cả các ngôi nhà khác vì được đổ bê tông và lát gạch hoa. Chị Móm nói nhà xây năm 2012, hết 153 triệu đồng, nay vẫn còn nợ hơn 50 triệu.

Câu chuyện éo le của chị bắt đầu khi chị bước sang ngày thứ tư của đời mình, một trận sốt đã làm chân phải của chị teo tóp. Đổi lại, chị Móm có một khuôn mặt thanh tú và một đôi mắt ướt át, rất khác với người vùng cao.
Thuở thanh niên, từ bản làng Hướng Tân (H.Hướng Hoá, Quảng Trị) chị đã vào tận Thừa Thiên để theo học trung cấp y dược. Bạn trai của chị khi đó là anh Hồ Văn Thông (sinh năm 1970, trú xã Đakrông) cũng được cử đi học làm công an tại thủ đô. Họ đã đến với nhau như tất yếu. Chỉ có điều rằng, khi dân bản chưa hết xì xào rằng “cô thọt” lấy được chồng tốt thì đùng một cái anh Thông bị cho thôi học vì rượu chè.
Nhớ về ngày cũ, mắt chị Móm vẫn còn hằn lên nỗi đau. Rằng, khi chị sinh đứa con thứ hai thì bỗng anh Thông nổi bệnh tâm thần. “Khi lên cơn, anh thẳng tay vung nắm đấm, giáng những trận đòn roi lên tôi và con… Anh còn nghiện thuốc lá nặng, mỗi ngày hút 3 gói mà chẳng quan tâm lấy tiền đâu ra để mua ngoài việc ngửa tay xin tôi. Anh cứ nằm ở nhà và hút thuốc, không làm gì cả”, chị Móm kể trong nước mắt.
Thương chồng bệnh tật, thương con còn nhỏ, chị chỉ biết câm lặng. Ngày ngày chị lầm lũi đi về cơ quan là Trạm xá xã Đakrông và chăm lo cho rẫy sắn hơn 1 ha… Để nuôi đủ “2 con với 1 chồng”, chị như quên ngày đêm, quên buồn vui, quên cả khát khao bình thường của một người đàn bà.
Đọa đày cơ thể qua khói thuốc, anh Thông mắc thêm chứng ung thư phổi. Rồi cũng như tiền của trong nhà, cuối cùng anh Thông cũng ra đi. Đó là vào tháng 3.2015.
Bên linh cữu của chồng, chị ôm hai đứa con thơ, một đứa mới 14 tuổi, một đứa 10 tuổi. Nỗi đau mất chồng còn đây, nhưng chị thực sự còn run rẩy hơn khi nghĩ tới điều mà mình phải đối mặt, đúng 7 ngày sau nữa.
Người đàn bà đi đòi...  nhan sắc - ảnh 3

Chị Hồ Thị Móm xúc động kể lại câu chuyện bi kịch của mình – Ảnh: Nguyễn Phúc


Cuộc trốn chạy hủ tục
Đúng 1 tuần sau khi anh Thông về với đất, một cuộc họp gia đình có sự tham gia của đầy đủ già trẻ gái trai thuộc dòng họ nhà chồng của chị Móm đã được tổ chức. Chị Móm ngồi ở giữa, trong khi tộc trưởng tuyên bố chị chỉ có 2 lựa chọn. Hoặc là quay trở về nhà bố mẹ đẻ và không được mang theo bất cứ tài sản gì, kể cả ngôi nhà đang ở, rẫy sắn và cả những đứa con. Hoặc, nếu chị muốn ở lại thì phải làm vợ của bất kỳ người đàn ông nào trong dòng họ nhà chồng, bất kể người đó đã có vợ hay chưa.
Nói rồi, ông tộc trưởng gọi tất cả đàn ông trong họ ra đứng xếp hàng, ông cũng đứng vào hàng để chị Móm… lựa chọn. Nhưng cả họ đã phải ngã ngửa trước câu trả lời của chị, một câu trả lời “báng bổ” thần linh. “Tôi nhớ cả thảy có 9 người. Già cũng có mà 16 – 17 tuổi cũng có. Khi tôi nói không đồng ý với ai cả, cả dòng họ bắt đầu ép tôi phải lấy em ruột của anh Thông. Dù vợ cậu ấy cũng đồng ý, nhưng tôi nói không là không”, chị Móm kể.
Khi anh Thái, cậu em chồng, đứng dậy phân bua giữa cuộc họp rằng, chỉ xem chị Móm là chị gái, thì bỗng đâu một tiếng nói như gầm vang lên: “Mày không lấy thì tao lấy. Con Móm không được bước ra khỏi nhà này…”. Đó là giọng của một người chú chồng.
Kể từ sau cuộc họp đó, gã chú họ, vốn đã có vợ và 9 người con, đã bám theo chị Móm như một bóng ma, mặc cho người đàn bà tội nghiệp vừa chết chồng ít hôm lạy lục van xin. “Khi tôi ở nhà thì hắn cứ đứng nơi bậc cửa. Khi tôi trực đêm trên trạm xá thì hắn nằm ngủ luôn ngoài hiên. Nài nỉ khóc lóc van xin không được thì hắn chuyển qua dọa nạt, hằm hè. Có hôm hắn cầm cả dao… Có hôm hắn uống rượu say rồi nằm ra giữa đường cái, gọi điện nói: Tau chết là do mi đó Móm nghe”, vừa kể, chị Móm vẫn còn run.
Chị Móm đã báo cho vợ của người này biết, nhưng chỉ ngày sau bà vợ đã bị chồng đánh chảy máu mắt, phải chạy về nhà ngoại vì cái tội “dám ngăn cản tình yêu”. Hoảng hốt, chị cầu cứu gia đình bên ngoại của mình thì trớ trêu thay chính ông cậu của chị xúi chị đồng ý lấy chú chồng…
Suốt nhiều tháng trời, chị Móm bị khủng hoảng và thật may bên chị lúc này ngoài 2 đứa con, còn có những đồng nghiệp tốt bụng. “Khi biết chuyện không dừng lại ở… trò đùa, chúng tôi đã tổ chức họp trạm, động viên chị Móm hãy kiên trì đấu tranh với hủ tục. Có gì phải báo ngay cho chúng tôi để cùng chính quyền giải quyết”, BS Lê Quang Hưng, Trạm trưởng Trạm xá xã Đakrông, nói.
Đòi lại… nhan sắc!
Đeo bám suốt nhiều tháng trời, dù bị chị Móm cự tuyệt nhưng ông chú kỳ quái nọ vẫn không có ý định buông tha cho chị. Cuối cùng, chị đã nhờ đến chính quyền.
Đầu tháng 1.2016, đại gia đình nhà chồng của chị Móm lại họp, nhưng có một thành phần mới, chính là… công an xã. Sự thay đổi này làm cho ông chú chồng im re… Dẫu vậy, đích thân mẹ chồng đứng lên, chỉ mặt chị Móm mà nói: “Mi ở lại căn nhà ni, mi không lấy ai trong dòng họ cũng được nhưng mi phải đền cho dòng họ 35 triệu đồng”.
“Tôi nói bây giờ tôi không có tiền nhưng nếu cần tôi sẽ vay mượn đồng nghiệp, bà con để đền đúng số tiền này cho nhà chồng. Nhưng đổi lại, nhà chồng phải làm cho tôi… trẻ lại như hồi xưa, đẹp lại như hồi xưa, lúc chưa lấy chồng”, chị Móm kể. Nghe xong “yêu cầu” của chị Móm, cả dòng họ mấy chục người bỗng im bặt và cuộc họp gia đình tự động… giải tán.
Giờ đây, bên bếp lửa đượm nồng, chúng tôi ướm hỏi chị rằng, chị hãy còn xuân sắc, nếu ở vậy liệu có lẻ loi? Chị cười bảo, từ lâu, nguồn sống của chị được lấy từ 2 đứa con thơ, chúng chăm ngoan, học giỏi là chị có thể vượt qua tất cả. “Còn nếu thực sự có thêm một lần đò, thì người đàn ông đó phải do tôi chọn và mọi thứ phải bắt nguồn từ tình yêu!”, chị nói. Đơn giản vậy thôi mà hàng ngàn năm qua, qua bao đời người, mới có một người đàn bà goá bụa ở bản làng… dám nói!
“Trên địa bàn, tục nối dây vẫn còn tồn tại. Khổ nỗi là đa số người phụ nữ và gia đình của họ lại chọn phương án cam chịu, xem đó là chuyện bình thường mà không xem là hành vi trái đạo lý, trái pháp luật. Những người có tư tưởng tiến bộ như chị Móm, dám đứng lên chống lại tập quán không còn phù hợp, sẽ được chính quyền xã bảo vệ tới cùng, dù nhà chồng chị có gây sức ép kiểu gì đi nữa. Vùng cao này cần lắm những người phụ nữ như chị Móm”, ông Trần Văn Chạy – Chủ tịch UBND xã Đakrông, nói.


Nguyễn Phúc