Nơi có hơi ấm gia đình
Thật ra, ở nơi nào còn hơi ấm gia đình thì nơi đó có tiếng cười, và khi chụp hình ta sẽ thấy những cử chỉ của mỗi thành viên quan tâm nhau rất đỗi tự nhiên, họ không diễn nhưng vẫn… sâu như thường.
Nơi có hơi ấm gia đình
1. Tôi thường vào thăm “nhà” chị dù trên dòng thời gian chị viết không nhiều (trong khi tôi thích đọc).
Ở ngôi nhà đó, tôi thấy gần như mỗi ngày chị đều đưa hình sinh hoạt gia đình ấm cúng, khi thì bữa cơm chung, lúc đi dã ngoại, hình ảnh nào cũng thấy tiếng cười rộn rã của cả nhà.
Những bức hình của chị và các thành viên, nhất là con gái nhỏ của mình lúc nào cũng gợi cho tôi một niềm vui len lỏi, vì hạnh phúc của chị cứ chảy ra từ ánh mắt, nụ cười của chị, của con và của chồng chị, của tổ ấm với những hình ảnh “tam đại đồng đường” nhưng rất hiện đại.
Rằng, ai ở đó cũng biết gắn kết với nhau không chỉ đời thực là những sinh hoạt chung mà còn là những tài khoản trên “phây” với những sẻ chia thường xuyên như một cách truyền thông với nhau, một cách để hiểu nhau, dõi theo nhau trong đời sống thường ngày.
Những hình ảnh gia đình hạnh phúc ấy khiến tôi ngưỡng mộ và tin rằng ở ngôi nhà thân thương của chị có hơi ấm tình thương, mỗi thành viên là một mắt xích không thể tách rời, cùng cười, cùng hạnh phúc và hướng về nhau ngay cả khi… lên mạng.
2. Ở một “ngôi nhà” khác của bạn. Là một người bạn học chung phổ thông nên tôi thường “thăm viếng” để biết thêm cuộc sống gia đình bạn của ngày qua, thời gian qua. Ở đó, có một lần tôi thấy cả nhà bạn chụp hình chung với những chiếc áo… đồng phục.
Cả bốn thành viên đều mặc những chiếc áo giống nhau, bạn bảo “nhìn vào ai cũng thấy bốn thành viên là một gia đình liền”, rồi bạn khẳng định: bạn thích như vậy, một cách để mỗi thành viên cùng cảm nhận tình thâm, sự gắn kết của ba chữ người-một-nhà.
3. Tôi hay để ý đôi tay những người phụ nữ và chồng của họ, xem cả hai có cùng đeo nhẫn cưới không.
Không biết tôi có “thái quá” trong việc đánh giá về việc ấm êm của một gia đình, một mối quan hệ vợ chồng khi thoáng nhìn cách họ xuất hiện với việc có hay không có đeo nhẫn cưới không, nhưng tôi luôn tin khi hai vợ chồng còn hoan hỉ đeo nhẫn cưới khi đi làm, khi cùng nhau xuống phố… là họ vẫn còn yêu thương, trân trọng nhau nhiều.
Chiếc nhẫn trong hôn nhân thật ra như một lời nhắc về sự tự nguyện đến với nhau, để mỗi người trong cuộc biết gìn giữ, trân trọng theo nghĩa “nhẫn để yêu thương”, để cho ngoài êm trong ấm.
Khi chiếc nhẫn được cả hai người đeo vào tay nhau là một sự cam kết lâu dài, để khi có chuyện xục xịch thì nhớ “cơm sôi nhỏ lửa” cho khỏi khét lẹt và để khi yêu thương nồng đượm thì mỗi người đều thấy việc đeo nhẫn cưới là một niềm hoan hỉ, đáng tự hào, không mắc gì phải lén giấu đi hay phải vứt vào đâu đó để khỏi phải bận lòng.
Thật ra, ở nơi nào còn hơi ấm gia đình thì nơi đó có tiếng cười, và khi chụp hình ta sẽ thấy những cử chỉ của mỗi thành viên quan tâm nhau rất đỗi tự nhiên, họ không diễn nhưng vẫn… sâu như thường.
Khi còn yêu thương, một gia đình thực còn hơi ấm thì năng lượng hạnh phúc ấy sẽ toả ra khiến những người xung quanh như tôi cũng thấy vui lây mỗi khi tiếp xúc, mỗi khi nghĩ về và cảm nhận…